Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, công tác thi hành án dân sự được Chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, qua từng giai đoạn:
Giai đoạn thực hiện theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21 tháng 4 năm 1993
Cơ quan Thi hành án tỉnh Bình Thuận được bàn giao từ Tòa án sang cơ quan Tư pháp với lực lượng ban đầu gồm 21 cán bộ, trong đó có 12 Chấp hành viên (01 Chấp hành viên cấp tỉnh). Về trình độ chuyên môn có 05 cử nhân Luật, 08 trung cấp Luật, số còn lại chưa qua đào tạo. Bộ máy tổ chức cơ quan thi hành án chính thức được thành lập vào tháng 07/1993 gồm Phòng thi hành án và 08 Đội thi hành án huyện, thị xã, đến tháng 06/1997 thành lập thêm Đội thi hành án Phú Quý và năm 2005 huyện Hàm Tân được tách thành 02 đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Đội thi hành án dân sự thị xã Lagi được thành lập.
Thời điểm này gặp không ít khó khăn, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn thiếu thốn, các cơ quan Thi hành án của tỉnh chưa cơ quan nào có trụ sở riêng để làm việc, đa số làm việc chung trụ sở với UBND huyện, Phòng Thi hành án tỉnh làm việc chung với Sở Tư pháp.
Đến cuối năm 2003 đã có 44 đồng chí có trình độ cử nhân Luật và cử nhân khác. Phòng Thi hành án tỉnh đã có 07 chấp hành viên, đồng chí Trưởng phòng do một phó giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm, các Đội thi hành án có từ 01 đến 02 Chấp hành viên. Về trình độ lý luận chính trị tuy chưa đào tạo được nhiều nhưng từng bước được nâng lên đã có 02 đồng chí tốt nghiệp cử nhân chính trị, 03 đồng chí tốt nghiệp trung cấp chính trị và hơn 10 đồng chí đang học trung cấp chính trị và 01 đồng chí đang học cao cấp chính trị.
Giai đoạn thực hiện theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004
Ngày 14 tháng 01 năm 2004, Pháp lệnh thi hành án dân sự (thường gọi là Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004) được ban hành, có hiệu lực kể từ 01 tháng 7 năm 2004 thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 21 tháng 4 năm 1993 khi không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, không theo kịp quá trình đổi mới của đất nước, bộc lộ nhiều bất cập trong thủ tục thi hành án, đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách Tư pháp. Sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bổ sung và khắc phục một bước những tồn tại, bất cập trong công tác thi hành án dân sự, góp phần giải quyết tình trạng án tồn đọng đang có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP, ngày 11 tháng 4 năm 2005 về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo Nghị định, tên gọi của cơ quan thi hành án có sự thay đổi, Phòng thi hành án chuyển đổi thành Thi hành án dân sự tỉnh; Đội thi hành án chuyển đổi thành Thi hành án dân sự huyện.
Ngày 18 tháng 5 năm 2005, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1148/QĐ-BTP, ban hành Quy chế uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong quá trình thực hiện việc ủy quyền, Thi hành án dân sự tỉnh đã tham mưu, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện tốt và hoàn thành những việc được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền. Do đó, công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh thời gian này được cũng cố và phát triển mạnh. Các công tác cán bộ như tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, đào tạo, nâng lương, khen thưởng ... đều được thực hiện chính xác và kịp thời, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.
Nhằm đảm bảo đủ mạnh để thực hiện tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo giải quyết các công việc có liên quan, năm 2008 Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã đề nghị và được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp quyết định thành lập 03 phòng chuyên môn trực thuộc, gồm Phòng Tổ chức hành chính, tổng hợp và tài vụ; Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kể từ khi được thành lập đến nay, các phòng chuyên môn cũng như Lãnh đạo Phòng đã phát huy hết trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu cho Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh giải quyết những công việc có liên quan đến chức năng và nhiệm vụ của Phòng.
Giai đoạn này, cùng với việc cơ quan Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử thì song song đó cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện cũng tăng lên về khối lượng công việc, trong khi đó nguồn cán bộ công chức không tuyển dụng được làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành, đến cuối tháng 06/2009 toàn tỉnh được phân bổ 114 biên chế (trong đó Thi hành án dân sự tỉnh là 22 biên chế, Thi hành án dân sự cấp huyện là 92 biên chế); biên chế có mặt là 94 biên chế (trong đó Thi hành án dân sự tỉnh là 17 biên chế, Thi hành án dân sự cấp huyện là 77 biên chế); số lượng Chấp hành viên toàn tỉnh là 42 người gồm 06 Chấp hành viên cấp tỉnh và 36 Chấp hành viên cấp huyện.
Giai đoạn thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự
Để tiếp tục đưa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự vào thực tiễn cuộc sống, ngày 14 tháng 11 năm 2008 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 và Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật thi hành án dân sự. Các văn bản trên chứa đựng nhiều nội dung mới quan trọng, thể hiện rõ chủ trương cải cách Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thi hành án dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự; Nghị định 74/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo nghị định 74/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009, hệ thống tổ chức cơ quan Thi hành án dân sự đã có sự thay đổi cơ bản. Ở Trung ương, Cục Thi hành án dân sự trước đây nay được nâng lên thành Tổng cục Thi hành án dân sự, là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Ở địa phương, Thi hành án dân sự cấp tỉnh chuyển đổi thành Cục thi hành án dân sự, trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Thi hành án dân sự cấp huyện chuyển đổi thành Chi cục Thi hành án dân sự, trực thuộc Cục Thi hành án dân sự. Cùng với sự thay đổi về mô hình tổ chức, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận cũng phấn đấu xây dựng chương trình và đề ra kế họach công tác để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời phối hợp với các Sở, ban, ngành tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự đến người dân.
Cùng với sự phát triển về tổ chức, cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Bình Thuận, các tổ chức đoàn thể của các cơ quan Thi hành án dân sự cũng được thành lập và được kiện toàn.
Kể từ khi được thành lập cho đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Bình Thuận luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, cấp Ủy và chính quyền địa phương; sự quản lý, đến nay tình hình tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh cơ bản đã được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện tại, Cục Thi hành án dân sự tỉnh có 10 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc, với tổng biên chế được Bộ Tư pháp giao là cho Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự là 135; hiện có 133 (trong đó có 15 Chấp hành viên trung cấp, 44 chấp hành viên sơ cấp, 04 Thẩm tra viên, 30 Thư ký và 40 công chức khác).
Cục Thi hành án dân sự được giao 26 biên chế, hiện có 27 biên chế, gồm: 09 chấp hành viên trung cấp, 08 chấp hành viên sơ cấp, 04 thư ký thi hành án và 06 công chức khác. Lãnh đạo Cục có đủ 04 đồng chí; lãnh đạo phòng 07 đồng chí: 02 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng Phụ trách và 03 Phó Trưởng phòng;
Các Chi cục Thi hành án dân sự: có 10 Chi cục Thi hành án dân sự, tổng số biên chế được giao là 109 biên chế, hiện có 106 biên chế. Trong đó có 06 chấp hành viên Trung cấp, 36 Chấp hành viên sơ cấp, 04 thẩm tra viên, 26 Thư ký và 34 công chức khác. Có 09 Chi cục trưởng, 01 Phó Cục trưởng phụ trách La Gi; 18 Phó Chi cục trưởng (Chi cục THADS huyện Tuy phong, Phú Quý mỗi đơn vị có 01 Phó Chi cục trưởng, các Chi cục còn lại mỗi đơn vị có 02 Phó Chi cục trưởng).Các trang thiết bị và phương tiện làm việc được trang bị tương đối đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án.
Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận từ khi thành lập cho đến nay đã qua 3 lần thay đổi tên gọi khác nhau, từ Phòng thi hành án, Đội thi hành án đến Thi hành án dân sự tỉnh, Thi hành án dân sự huyện và nay trở thành Cục, Chi cục Thi hành án dân sự. Cùng với mỗi lần thay đổi tên gọi là vị thế của các cơ quan Thi hành án dân sự cũng được nâng lên. Trải qua thời kỳ phát triển, mặc dù có lúc gặp nhiều khó khăn về biên chế, về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền, cùng với lòng quyết tâm của tập thể các cơ quan Thi hành án dân sự, sự nỗ lực tận tâm của cán bộ, công chức thi hành án, đến nay cơ cấu tổ chức, cán bộ các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh cơ bản đã được kiện toàn theo quy định, hằng năm đa số các cơ quan Thi hành án đã tổ chức thi hành đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao. Đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án có khiếu nại phức tạp kéo dài, đề ra nhiều biện pháp xử lý giảm án tồn đọng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án cũng được chú trọng đã giải quyết kịp thời hạn chế tình trạng đơn khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Với vị thế, địa vị pháp lý mới cùng với biên chế và cơ sở vật chất hiện có, trong thời gian tới Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục vận dụng đúng các quy định của pháp luật và những kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, quyết tâm phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao, cũng như góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Văn phòng Cục Thi hành án dân sự