Sáng ngày 28/11/2021, Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Huỳnh Thị Hoa, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh để giám sát về việc tổ chức thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh (Cục THADS) báo cáo: Số Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật trong toàn tỉnh là 69 Bản án, quyết, trong đó, số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi là 51 việc (gồm: Tại Cục THADS 45 việc; các Chi cục là 06 việc); Số Bản án, quyết định không có nội dung theo dõi là 18 việc. Số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi đã được thi hành xong là 38 việc (đạt tỷ lệ: 74.51 % trong tổng số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi). Riêng tại Cục THADS tỉnh số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi đã được thi hành xong là 32 việc (đạt tỷ lệ: 71.11 % trong tổng số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi); ở các Chi cục: Số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi đã được thi hành xong là: 06/06 việc (đạt tỷ lệ 100% số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi). Số Bản án, quyết định có nội dung theo dõi còn tồn, chưa thi hành xong là 13 việc (thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục Thi hành án dân sự tỉnh), 13 việc thi hành án hành chính chưa được thi hành xong này đều rơi vào trường hợp người phải thi hành án là UBND và Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác theo dõi Thi hành án hành chính còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Cơ quan THADS chưa có phòng, bộ phận chuyên môn thực hiện chuyên biệt về theo dõi THAHC (ở Tổng cục là có Vụ Quản lý THAHC (Vụ Nghiệp vụ 3), nên các công việc theo dõi THAHC ở Cục và các Chi cục đều do Chấp hành viên kiêm nhiệm triển khai thực hiện từ công tác theo dõi từng Bản án, quyết định của Tòa án đến công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo về công tác THAHC. Bên cạnh áp lực về chỉ tiêu, về trách nhiệm của công tác Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên phải kiêm nhiệm thêm thực hiện theo dõi THAHC, giao thêm nhiệm vụ nhưng không bổ sung thêm con người (biên chế), dẫn đến sự quá tải và áp lực rất lớn đối với các Chấp hành viên; Một số Chủ tịch UBND và UBND chưa quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác THAHC, trong đó có trách nhiệm chủ động, tự nguyện thi hành án, trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chuyên môn do mình phân công, ủy quyền thực hiện thay mình, thậm chí có UBND hoặc người phải thi hành án (là người đứng đầu cơ quan, đơn vị) coi công tác THAHC là công việc của cơ quan THADS nên yêu cầu cơ quan THADS phải thu hồi sổ đỏ để giao nộp lại cho cơ quan đó thực hiện công việc điều chỉnh đăng ký biến động (Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Hàm Thuận Nam)...; Bản án, quyết định tuyên bồi thường giá trị quyền sử dụng đất với giá trị bồi thường rất lớn vượt ngoài khả năng của Ngân sách Nhà nước (điển hình là những việc THAHC của Chủ tịch UBND và UBND thành phố Phan Thiết); THAHC là cơ chế tự thi hành, tự người phải thi hành án có trách nhiệm tự mình nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo Bản án, quyết định của Tòa, chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính, trong khi đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức. Vì vậy, đối tượng quản lý đồng thời là đối tượng bị quản lý (Chủ tịch UBND là trưởng Ban chỉ đạo THADS nhưng lại là người phải thi hành án hành chính), điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác THAHC ở địa phương vì vẫn còn tâm lý e ngại, cả nể nên cơ quan THADS gần như không thực hiện Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành; THAHC khác với thi hành các Bản án, quyết định khác của Tòa án, vì vậy ngoài áp dụng pháp luật TTHC, thì những phán quyết của Tòa án về phần tài sản như: án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai trong Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được điều chỉnh bởi Luật THADS và được tổ chức thực hiện theo quy trình thi hành án dân sự, vì vậy nếu không nghiên cứu kỹ và chuyên sâu, Chấp hành viên được phân công theo dõi THAHC rất dễ bị nhầm lẫn dẫn đến sai sót hoặc vướng mắc khi áp dụng...
Đồng chí Nguyễn Văn Bình- Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh báo cáo tại buổi giám sát.
Tại buổi giám sát, đa số thành viên Ban Pháp chế đánh giá cao kết quả theo dõi THAHC của Cục và các Chi cục THADS tỉnh, một số ý kiến về việc: Cơ quan THADS không có trường hợp nào yêu cầu Tòa án giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong Bản án, quyết định để thi hành; Chưa có trường hợp nào cơ quan Thi hành án dân sự đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành án; chưa có trường hợp nào xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật là chưa nghiêm, cần phải khắc phục, nhất là 13 vụ thi hành án hành chính của Chủ tịch UBND và UBND thành phố Phan Thiết. Vấn đề này, lãnh đạo Cục THADS tỉnh và lãnh đạo các Phòng chuyên môn của Cục tham gia buổi giám sát, đã có ý kiến trao đổi lại tại buổi giám sát để làm rõ hơn những thắc mắc của thành viên giám sát, đồng thời Cục THADS tỉnh cũng xin rút kinh nghiệm trong việc thực hiện hiệu quả hơn việc niêm yết công khai thông tin của người phải thi hành án theo Quyết định số 1246/QĐ-TCTHADS ngày 27/12/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Quy chế công khai thông tin của người không chấp hành án hành chính, trên các Trang thông tin điện tử theo quy định và có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung Bản án, quyết định theo đúng quy định.
Tại buổi giám sát, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã kiến nghị, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính đối với người phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, đa số các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Bởi vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm hạn chế sai sót dẫn đến việc người dân khởi kiện hành chính, tạo áp lực về thời gian và ngân sách của nhà nước. Việc không chấp hành nghĩa vụ thi hành án hành chính, cũng như sai sót trong thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước, không những ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, mặt khác ảnh hưởng đến uy tín của của cơ quan Nhà nước trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang khẳng định quyết tâm về xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đồng chí Huỳnh Thị Hoa- Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh
kết luận tại buổi giám sát.
Phát biểu kết luận tại cuộc giám sát, đồng chí Huỳnh Thị Hoa, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc tổ chức thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật, nhất là cách thức tổ chức trực tiếp đi làm việc với người phải thi hành án là cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và UBND, Sở, Ban ngành của tỉnh để chủ động nắm thông tin và giải thích, hướng dẫn quy định của pháp luật THAHC để người phải thi hành án thay đổi nhận thức và nêu cao trách nhiệm thi hành án hành chính, đã đem lại kết quả thi hành án hành chính xong đạt tỷ lệ cao, đồng thời đồng chí tiếp thu những kiến nghị đề xuất của Cục THADS tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí thống nhất cao với những giải pháp mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đề ra, đồng thời yêu cầu Chấp hành viên, cán bộ, công chức của Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, không ngừng học tập nâng cao trình độ và giữ gìn phẩm chất đạo đức mà còn phải thực sự bản lĩnh, dày dặn kinh nghiệm để làm tốt công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thi hành án hành chính nói riêng, góp phần thực thi nghiêm minh pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa./.
Tin: Diệu Huyền