Sign In

Cục THADS thành phố Cần Thơ hướng tới kỷ niệm 72 năm “Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự” (ngày 19/7/1946 - 19/7/2018)

05/06/2018

          Đến nay, chúng ta có thể khẳng định, ngành THADS đã thật sự lớn mạnh; cả về thể chế, bộ máy, vị thế, số lượng và chất lượng công việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp, tài chính và đội ngũ con người… Thời gian qua, Hệ thống THADS thuộc Bộ Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo đảm công lý được thực thi. Trong thành tựu chung của cả Hệ thống, có sự đóng góp quan trọng của ngành THADS Thành phố Cần Thơ. Mặc dù có nhiều thách thức, đối mặt với nhiều khó khăn, song những năm qua, hoạt động của ngành THADS thành phố ngày càng đi vào nề nếp, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể năm 2016, 2017 THADS thành phố được xếp hạng B. Trong 8 tháng đầu năm 2018, điểm qua kết quả tổng thể cho thấy: Về việc; toàn ngành Thi hành án dân sự thành phố đã thụ lý trên 13.987 vụ việc, đã giải quyết được 53,56%; Về tiền; đã thụ lý trên 3.442 tỷ đồng, đã giải quyết được trên 17,29%[1]. Những kết quả nêu trên đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố ghi nhận.   
          Xét về bề dày lịch sử ngành THADS so với nhiều ngành nghề khác vẫn còn khá non trẻ, mặc dù ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, Điều thứ 3 quy định Ban Tư pháp xã có quyền:… “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”… và Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành Thi hành án dân sự của nước ta. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7 năm 1993, hệ thống cơ quan THADS mới được chuyển giao từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ, trở thành một hệ thống cơ quan độc lập. Về văn bản pháp luật chuyên ngành  đến năm 2004 mới có Pháp lệnh Thi hành án dân sự; tiếp đó Luật Thi hành án dân sự năm 2008[2] mới được ra đời; đến kỳ họp thứ 8 ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2015 và nhiều văn bản hướng dẫn khác dần được ra đời những năm gần đây đặc biệt là 2015, 2016, 2017.  Nhưng từ đó đến nay, ngành THADS đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng, những đổi mới về thể chế, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất… Những thành tựu cùng những tồn tại đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành THADS tiếp tục không ngừng phát triển. Đặc biệt, ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm làm “Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự”. Nhằm … Giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự. Biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
          Ngày 19/7 hàng năm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối những người đã, đang và sẽ làm công tác THADS trong phạm vi toàn quốc, ngày 19/7 hàng năm chẳng những là ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của ngành THADS mà còn là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với những người đã và đang làm trong ngành THADS. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ đi trước, vượt qua nhiều khó khăn để  hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, ngành THADS thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phấn đấu, đóng góp, quyết tâm đạt các chỉ tiêu đã được Tổng cục THADS giao bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả:
          - Thực hiện tốt hơn nữa những quy định của pháp luật về THADS, những nội dung của Chỉ thi số 05 năm 2016 của Thành ủy, Chỉ thị số 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, các quy chế phối hợp, nội quy, quy định của cơ quan… tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, Ban chỉ đạo THADS các cấp, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan, tiếp tục tạo sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp trong công tác THADS.
          - Tập trung, dồn sức, ưu tiên cho công tác giải quyết án, tổ chức phân loại án phải đảm bảo tính chính xác. Từ đó làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ phải tốt hơn thời gian vừa qua. Đặc biệt quan tâm thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, thu ngân sách Nhà nước, thực hiện thủ tục miễn giảm nghĩa vụ thi hành, xử lý tang vật, công tác tài chính… để góp phần tháo gỡ trước tiên là những khó khăn, vướng mắc ngắn hạn.
          - Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức phẩm chất, ý thức kỷ luật, kiến thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân trong từng chấp hành viên và người lao động. Kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ. Chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và kỷ năng tiếp công dân.
          - Tiếp tục khắc phục các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị về thi hành án do lỗi chủ quan của chấp hành viên; tránh vụ lợi, nhũng nhiểu nhân dân. Khi có khiếu nại, tố cáo thì kịp thời giải quyết, đảm bảo thực hiện đúng thời hạn, thời hiệu và nội dung giải quyết. Cố gắng hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
          - Quan tâm đầu tư các trang thiết bị làm việc, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho việc triển khai thực hiện nghiệp vụ, thông tin phải được thông suốt, tăng cường trao đổi nghiêp vụ trong toàn ngành của thành phố và chấn chỉnh công tác báo cáo, thống kê đảm bảo chính xác, kịp thời, đầy đủ; tăng cường công tác quản lý tài sản, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước tiết kiệm và đạt hiệu quả.
 

[1] số liệu này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt vào những tháng 7,8,9/2018.
[2] Pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/01/2004 (Pháp lệnh số13/2004/PL-UBTVQH11 về thi hành án dân sự), Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội khóa XII, tại kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008 (Luật số 26/2008/QH12).
 


Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Quốc

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: