Trong những năm gần đây, công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Thể chế ngày càng hoàn thiện; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm; cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành đã dành sự quan tâm nhiều hơn đối với công tác thi hành án dân sự; sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; kết quả công tác tác năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều vụ việc có giá trị lớn, có tính chất khó khăn, phức tạp, kéo dài đã được giải quyết triệt để… đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự, hành chính của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa sâu sát; một số Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hoạt động chưa hiệu quả; số lượng việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan có lúc, có nơi hiệu quả còn chưa cao.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính; Kế hoạch số 1339/KH-UBND ngày 12/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với các nội dung cơ bản sau:
1. Giao trách nhiệm cho Cục Thi hành án dân sự phát huy vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án đúng quy định của pháp luật; tăng cường tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chỉ đạo công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, vướng mắc kéo dài; quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng... đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Giao trách nhiệm cho Công an tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, thực hiện và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án; kịp thời áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra; chuyển giao đầy đủ vật chứng, tài sản cho cơ quan Thi hành án theo quy định của pháp luật.
3. Giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai kịp thời cung cấp các thông tin khi có đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án trong các vụ việc thi hành án liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở; phối hợp thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người mua được tài sản đấu giá, người được thi hành án; có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án .
4. Giao Sở Tài chính phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xử lý các tài sản là vật chứng của các bản án, quyết định của Tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước, tài sản đảm bảo thi hành án.
5. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về thi hành án; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Luật đấu giá tài sản.
6. Giao trách nhiệm cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thu nhập, tài sản và tài khoản của người phải thi hành án đang gửi giữ tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
7. Giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 10/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giao trách nhiệm cho các Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thi hành án, cưỡng chế thi hành án trên địa bàn; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo các vụ việc khó khăn, phức tạp và đảm bảo việc tổ chức thi hành.
8. Giao trách nhiệm cho Sở Thông tin truyền thông, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh quan tâm thực hiện tốt việc đưa tin, bài, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các phóng sự về công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
9. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành.
10. Giao các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ khi có đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự.
Chỉ thị đã thể sự quan tâm, vào cuộc tích cực hơn của chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự sẽ nghiêm túc theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 06/8/2018 của các cơ quan trong hệ thống chính trị Tỉnh Cao Bằng và có báo cáo cụ thể với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị được nghiêm túc, thống nhất, “ngày càng đi vào đời sống và thật sự có sức sống”./.
Lê Quỳnh Mai - Cục THADS.