Chi bộ Cục THADS luôn chú trọng, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ngành, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Ngay từ đầu năm Chi ủy đã Chỉ đạo lãnh đạo đơn vị triển khai Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố và cụ thể hóa nhiệm vụ Cải cách tư pháp trong Kế hoạch công tác năm gắn với thực hiện nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Do vậy, năm 2022 và 9 tháng năm 2023 Chi bộ không có đảng viên nào có biểu hiện “ tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” và không có đảng viên, công chức bị xử lý kỷ luật.
Năm 2023 ( số liệu tính từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/9/2023) Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng phải tổ chức thi hành 14.916 việc (xếp thứ 23/63 tỉnh, thành) tương ứng với số tiền 17.547 tỷ 181 triệu 761 nghìn đồng (xếp thứ 3/63 tỉnh, thành ), đã thi hành xong 7.996 việc (xếp thứ 30/63), tăng 1.776 việc (tăng 28,55%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 74,69% (tăng 6,53%) so với cùng kỳ năm 2022, với số tiền 2.126 tỷ 013 triệu 466 nghìn đồng (xếp thứ 4/63), tăng 257 tỷ 720 triệu 406 nghìn đồng (tăng 13,79%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 23,31%. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng không hoàn thành chỉ tiêu được giao về việc và tiền năm 2023, mặc dù Chi ủy đã tập trung chỉ đạo thường xuyên và tập thể lãnh đạo Cục, công chức đã rất cố gắng, nỗ lực. Nhưng với lượng án phải thi hành án quá lớn, nhiều vụ việc phức tạp khó thi hành, đặc biệt là án hình sự về kinh tế, tham nhũng phải thi hành 104 việc (chiếm 0.7% tổng số việc phải thi hành), với số tiền 9.595 tỷ 631 triệu 594 nghìn đồng (chiếm 54.7% trên tổng số tiền phải thi hành ), trong đó có 6 việc với số tiền hơn 9.000 tỷ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.Quá trình tổ chức thi hành án hình sự về kinh tế, tham nhũng có trường hợp tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của Nhà nước, của địa phương.Việc xử lý tài sản là bất động sản trong các vụ án về hình sự tham nhũng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xác định hiện trạng tài sản đến việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu... Có nhiều trường hợp tài sản kê biên đảm bảo chưa xác định được lô đất trên thực tế dẫn đến không thực hiện việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Có trường hợp bản án tuyên đảm bảo quyền sử dụng đất nhưng không đề cập đến tài sản trên đất; nhiều loại tài sản khác không thể xác định chủ sở hữu.... dẫn đến việc tổ chức thi hành án thu hồi tiền tài sản cho Nhà nước còn chậm, đạt kết quả thấp. Hơn nữa, để tổ chức thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng cần có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành và chính quyền địa phương.
Tại buổi làm việc thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố rất chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác thi hành án dân sự và ghi nhận cố gắng, tích cực và chủ động phối hợp xử lý án kinh tế, tham nhũng của tập thể lãnh đạo, Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố yêu cầu Chi ủy Cục Thi hành dân sự chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hóa những nhiệm vụ Cải cách tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đồng thời chỉ đạo lãnh đạo Cục đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu được giao, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị và đề xuất cụ thể nhằm tăng cường công tác phối hợp trên địa bàn thành phố góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành dân sự trong thời gian tới. ./.
Mai Phương
Chi bộ Cục THADS TP Đà Nẵng