Sign In

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

13/08/2019

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề ra các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp rất cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hệ thống Thi hành án dân sự từng bước được củng cố và kiện toàn về tổ chức, bộ máy. Theo đó, Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với một vị thế mới, độc lập, tương xứng nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại tỉnh Đồng Tháp, các cơ quan Thi hành án dân sự cũng được củng cố và kiện toàn theo nguyên tắc trên, gồm có: Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và 12 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự. Đội ngũ công chức, người lao động tại các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh được quan tâm củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo đó, đến nay đã thực hiện đủ 168/168 biên chế, trong đó có 24 Chấp hành viên trung cấp, 60 Chấp hành viên sơ cấp, 02 Thẩm tra viên chính, 16 Thẩm tra viên, 28 Thư ký, Thư ký trung cấp thi hành án và 38 công chức ngạch khác. Về trình độ chuyên môn: có 05 Thạc sỹ, 159 đại học và 04 trình độ trung cấp; về chính trị: có 30 cao cấp và cử nhân, 45 trung cấp...
Về kết quả hoạt động thi hành án trong 15 năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù số lượng vụ việc và giá trị phải thi hành án ngày càng tăng (giai đoạn 2004-2008 tổng số phải thi hành là 47.692 việc/621 tỷ đồng; giai đoạn 2009-2013 là 54.092 việc/1.803 tỷ đồng, tuy nhiên đến giai đoạn 2014-2018, tổng số phải thi hành là 82.650 việc/4.328 tỷ đồng - tăng gần gấp đôi về việc và gần 07 lần về giá trị so với giai đoạn 2004-2008), trong khi biên chế thì mấy năm gần đây không được tăng mà còn bị cắt giảm. Nhưng với sự chỉ đạo đúng đắn của ngành cấp trên, cấp ủy và UBND 02 cấp tỉnh, huyện, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ Chấp hành viên, công chức và người lao động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh, kết quả thi hành án thời gian qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu do ngành cấp trên giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đánh giá kết quả thực hiện, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị do Tỉnh ủy tổ chức ngày 09/8/2019, Báo cáo tại Hội nghị đã đánh giá, qua 15 năm thực hiện, nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác tư pháp có sự chuyển biến tích cực; mối quan hệ phối hợp giữa các ngành tư pháp với cấp ủy địa phương ngày càng chặt chẽ hơn; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo đúng quy định pháp luật. Qua đó, 01 tập thể và 01 cá nhân các cơ quan Thi hành án dân sự được Chủ tịch UBND Tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị của các cơ quan Thi hành án dân sự cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: số lượng án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau giải quyết còn tương đối nhiều[1], trong đó có một số vụ việc có điều kiện thi hành nhưng bị kéo dài thời gian thi hành, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; việc chỉ đạo công tác thi hành án của một số Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện có lúc chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời; một số công chức cơ quan Thi hành án dân sự làm việc hiệu quả chưa cao, có sai sót, vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ đến mức phải xử lý kỷ luật; cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc của một số Chi cục Thi hành án dân sự còn thiếu, chật hẹp, còn 09 Chi cục Thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng,…
Các hạn chế, tồn tại này đã được nhận diện và xác định được nguyên nhân nên Cục Thi hành án dân sự đã đề ra một số giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan Thi hành án dân sự cần tăng cường nghiên cứu, góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật THADS theo hướng tinh gọn, chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên đương sự; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong quản lý, điều hành; có giải pháp cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc có điều kiện thi hành phải chuyển kỳ sau, đặc biệt là các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng bị kéo dài; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; xây dựng, duy trì quan hệ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp có liên quan nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới...
Hy vọng rằng, trên nền tảng kế thừa thành quả đã đạt được cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của toàn thể công chức, người lao động, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là cố gắng hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có Hệ thống Thi hành án dân sự./.
                                                                                              Bùi Văn Khanh
                                                                                     Cục Thi hành án dân sự
 
Nguồn tài liệu tham khảo:
- Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Tỉnh ủy.
- Báo cáo số 347/BC-CTHADS ngày 08/7/2019 của Cục THADS về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
- Báo cáo số 415/BC-CTHADS ngày 05/8/2019 của Cục THADS về kết quả công tác thi hành án dân sự 10 tháng năm 2019, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020.
 

[1] Kết thúc 10 tháng năm 2019, số vụ việc có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau là 4.296 việc/660,1 tỷ đồng (theo Báo cáo số 415/BC-CTHADS ngày 05/8/2019 của Cục THADS).

Các tin đã đưa ngày: