Một trong những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn thực hiện đấu giá tài sản thi hành án là việc xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản thi hành án, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này
Theo quy định tại Điều 39 Luật ĐGTS thì người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 5%, tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức ĐGTS. Người tham gia đấu giá và tổ chức ĐGTS có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức ĐGTS và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá. Tổ chức ĐGTS không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác.
Người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc trong thời hạn khác do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật ĐGTS.
Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong những trường hợp sau: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật ĐGTS; Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật ĐGTS; Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 Luật ĐGTS; Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 Luật ĐGTS.
Ngoài các trường hợp đã quy định ở trên, tổ chức ĐGTS không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá. Tiền đặt trước quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật ĐGTS thuộc về người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp người có tài sản đấu giá là cơ quan nhà nước thì tiền đặt trước được nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản.
Khi xử lý khoản tiền đặt trước trong đấu giá tài sản thi hành án, cần lưu ý: Khoản tiền đặt trước theo quy định của Luật ĐGTS mà người đăng ký đấu giá nộp vào không phải là khoản tiền đặt cọc như hợp đồng mua bán thông thường. Do vậy, trường hợp người phải thi hành án xin nhận lại tài sản (theo quy định tại Điều 101 Luật THADS) thì những người đã đăng ký mua tài sản và đã nộp khoản tiền đặt trước không có cơ sở để yêu cầu bồi thường như đối với tiền đặt cọc. Trong thực tiễn , có một số quan điểm cho rằng số tiền đặt trước được xem là tiền đặt cọc và yêu cầu người chuộc tài sản phải chịu khoản phạt tiền cọc. Thậm chí có trường hợp còn yêu cầu người phải thi hành án muốn nhận lại tài sản còn phải bồi thường khoản tiền mà họ đã bỏ ra để chuẩn bị đầu tư trên tài sản họ đăng ký mua. Việc yêu cầu này là vô lý, vì người mua không thể biết được là sẽ mua được tài sản khi chưa tổ chức cuộc đấu giá, do đó chưa thể xảy ra hậu quả thiệt hại để phải bồi thường.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật ĐGTS thì khoản tiền đặt trước chỉ trở thành tiền đặt cọc khi: trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 2 Điều 48 Luật ĐGTS quy định: người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan. Theo Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP), thì người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm. Người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện việc nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan THADS mở tại Kho bạc Nhà nước (Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 11/2016/ TT-BTP).
Trong thực tiễn, có một số trường hợp người mua được tài sản thi hành án không nộp, nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định. Mặc dù khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định: trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về NSNN và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản. Cơ quan THADS tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Quy định như trên là tương đối rõ ràng đối với việc xử lý số tiền đặt trước trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện trong các trường hợp này như thời gian được xử lý số tiền đặt trước và thủ tục xử lý số tiền đặt trước?. Mặt khác, khi cơ quan THADS tiếp tục tổ chức bán đấu giá tài sản thì lấy giá nào làm giá khởi điểm để bán đấu giá?. Lấy giá khởi điểm của lần bán đấu giá bị hủy hay lấy giá khởi điểm là giá trúng đấu giá của lần bán trước đó?... Các nội dung này cần tiếp tục được hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ quan THADS thống nhất thực hiện.
Theo Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự