Qua thực trạng công tác thi hành án dân sự mấy năm qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chúng tôi thấy rằng ngoài các mặt công tác mà các cơ quan Thi hành án dân sự đạt được với thành tích rất đáng trân trọng thì bên cạnh đó chúng ta cũng còn mắc phải những bất cặp như số vụ việc có điều kiện năm trước chuyển sang năm sau còn nhiều, thời gian tổ chức thi hành một vụ việc cụ thể trôi qua dài hơn mông muốn, việc tổ chức thi hành án ở một số cơ quan Thi hành án dân sự có lúc thì công việc coi như trầm lặng, có lúc thì làm rất khẩn trương, thậm chí gần như chạy đua với thời gian vào cuối năm để nhằm đạt được kế hoạch đề ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, theo chúng tôi, đó là do quá trình tổ chức thi hành Quyết định thi hành án, Chấp hành viên chưa chủ động xử lý công việc ngay từ khi nhận quyết định và khi xử lý công việc thì chưa tuân thủ theo trình tự, thủ tục đã được pháp luật thi hành án dân sự quy định.
Do vậy, để khắc phục những bất cập trên, chúng tôi thấy rằng chỉ có thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật về thủ tục thi hành án ngay từ đầu là hết sức cần thiết, có như vậy mới giúp Chấp hành viên tổ chức thi hành án đạt kết quả như mong muốn.
Để thực hiện được điều này, theo chúng tôi thì Chấp hành viên phải xác định nội dung thi hành án và bám sát vào các quy định về thời hạn cho từng giai đoạn thi hành án trong suốt quá trình tổ chức thi hành, từ đó Chấp hành viên định hướng được công việc của mình cần phải làm để đạt được kết quả. Cụ thể như:
1. Chấp hành viên phải xác định nội dung thi hành án gồm loại việc gì, thi hành án trả tiền hay giao trả quyền sử dụng đất hay tịch thu sung công quỹ tài sản, tịch thu tiêu hủy vật chứng…, để từ đó xác định được công việc cần phải làm và thời gian để thực hiện được công việc đó.
2. Chấp hành viên phải xác định thời gian cho từng công việc:
Thí dụ như:
- Việc thông báo được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản,… Tức là Chấp hành viên phải giao Quyết định thi hành án cho người phải thi hành án trong thời hạn 03 ngày kể từ khi có quyết định thi hành án do thủ trưởng ký.
- Việc xác minh điều kiện thi hành án đối với khoản chủ động là phải trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án khoản chủ động
- Việc xác minh điều kiện thi hành án đối với khoản theo đơn là phải trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án.
….
Theo chúng tôi, giai đoạn xác minh là giai đoạn hết sức quan trọng, vì vậy đòi hỏi Chấp hành viên phải quan tâm đầu tư thật nhiều vào giai đoạn này, như phải xác định xác minh nội dung gì, xác minh ở đâu, cơ quan nào có trách nhiệm cung cấp thông tin…
a/. Trong trường hợp, nếu xác định nội dung thi hành án là trả tiền, vàng..mà khi người phải thi hành án không tự nguyện nộp hoặc họ không có tiền nộp thì phải xác minh thu nhập, tài sản…của người phải thi hành án.
Khi xác minh cần chú ý việc xác minh cũng cần phải tuân thủ thời hạn quy định, không nên kéo dài thời gian. Thí dụ như các cơ quan nắm giữ thông tin phải cung cấp thông tin trong thời hạn nhất định là 03 hoặc 05 ngày theo quy định.
Sau khi có kết quả xác minh, Chấp hành viên phải căn cứ vào quy định về thời hạn để bắt tay ngay vào xử lý công việc tiếp theo tùy theo từng nội dung vụ việc thi hành án, như:
- Ra quyết định đình chỉ thi hành án tronh thời hạn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án.
- Ra quyết định ủy thác trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác.
- Hoặc trường hợp phải xác định quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì áp dụng ngay Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để xử lý.
- Trường hợp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm như biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Sau đó, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản bằng cách lập Kế hoạch cưỡng chế kê kiên tài sản ngay để phối hợp các cơ quan hữu quan thực hiện trong thời gian sớm nhất…
Đây là giai đoạn mang tính chất quyết định đến thời gian kết thúc nhanh hay chậm trong quá trình tổ chức thi hành án và cũng là giai đoạn nhạy cảm do nó phụ thuộc nhiều vào sự nhạy bén của Chấp hành viên và phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo, điều hành chung của thủ trưởng cơ quan. Đây là giai đoạn mang tính chất quyết định còn bởi vì chỉ khi thông qua việc thực hiện kê biên thì mới có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án.
Mặc khác, để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, sau khi kê biên, chấp hành viên phải căn cứ vào quy định về thời hạn để bắt tay ngay vào việc tổ chức định giá và đưa ra bán đấu giá. Như:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản Chấp hành viên phải tổ chức thẩm định giá..
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá phải ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.
- Việc bán đấu giá phải tuân thủ thời hạn: đối với động sản là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Trường hợp nếu qua hai lần thông báo, niêm yết mà không có người mua thì sau 10 ngày Chấp hành viên phải giảm giá để bán tiếp…
b/. Hoặc trong trường hợp thi hành án giao trả quyền sử dụng đất thì sau khi hết thời gian 15 ngày tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải định hướng công việc làm cách nào, phối hợp với ai, chuẩn bị điều kiện gì, áp dụng điều luật nào,…để buộc người phải thi hành án giao trả tài sản cho người được thi hành án trong thời gian sớm nhất để vừa kết thúc vụ việc, vừa tránh để tài sản bị thay đổi hiện trạng.
Vì trong thực tế, có trường hợp do Chấp hành viên chần chừ, do dự,.. để kéo dài thời gian giao tài sản làm cho hiện trạng sử dụng tài sản có thay đổi so với hiện trạng tại thời điểm ra quyết định thi hành án, trường hợp này dẫn đến hậu quả sẽ rất khó khăn, vất vả khi tổ chức giao tài sản sau đó.
Qua trình bày trên, chúng tôi thấy rằng chỉ có tuân thủ các quy định về thời hạn trong khi tổ chức thi hành án thì mới nhanh chóng kết thúc quá trình thi hành một vụ việc cụ thể được chặt chẽ.
Mặc khác, trong quá trình xác minh, quá trình xử lý tài sản kê biên, nếu có sự năng động của bản thân Chấp hành viên và sự tham gia của các cơ, ngành hữu quan trong việc vận động, thuyết phục đối với người phải thi hành án thì sẽ sớm thi hành được bản án, quyết định của Tòa án mà không phải tổ chức cưỡng chế. Vì nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì đòi hỏi Chấp hành viên phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời hạn khi tổ chức cưỡng chế, khi đó sẽ mất nhiều công sức, thời gian làm cho vụ việc thi hành án không thể kết thúc sớm như mong muốn.
Tuy nhiên, qua thực tiễn chúng tôi thấy trong trường hợp nếu Chấp hành viên quá trông chờ vào công tác vận động, thuyết phục mà không tuân thủ các quy định về thời hạn của quá trình tổ chức thi hành án thì sẽ dễ dẫn đến sự thắc mắc, hoài nghi của người được thi hành án về sự không minh bạch trong thi hành công vụ của Chấp hành viên dẫn đến người được thi hành án khiếu nại còn dư luận xã hội thì có thể có suy nghĩ không tốt đối với cơ quan Thi hành án dân sự.
Diễm Trinh
Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự