Sign In

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

03/06/2019

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 28/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và thi hành án hành chính (THAHC) tại 20 điểm cầu trên cả nước. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, gồm: Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp. Tham dự Hội nghị tại 19 điểm cầu địa phương có các đồng  chí đại diện Lãnh đạo UBND cùng các Sở, Ban, ngành ở địa phương, gồm: Ban Nội chính Tỉnh/Thành ủy, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện đang là người phải thi hành trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được tổ chức với mục đích đánh giá toàn diện, thẳng thắn kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và kết quả thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn cả nước, đặc biệt từ sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có kết quả giám sát về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính đối với UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong năm 2018, trong đó nhấn mạnh kết quả thực hiện tại 19 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Hội nghị. Trên cơ sở đánh giá khách quan những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Hội nghị kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức của UBND, Chủ tịch UBND các cấp về trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, từ đó có những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong năm 2019 và trong những năm tiếp theo. Hội nghị cũng nhằm mục đích gắn với việc quán triệt thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của bộ máy hành chính nhà nước.
Những kết quả đạt được trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã thông tin, ngay sau khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26/9/2018[1], ngày 01/01/2019, Chính phủ  đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó xác định: “Thực hiện nghiêm pháp luật tố tụng hành chính” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo[2], giao nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và đặc biệt là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và việc để các bản án, quyết định về vụ án hành chính bị tồn đọng.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp; tăng cường kiểm tra liên ngành về thi hành án hành chính đối với các địa phương có số lượng án phải thi hành lớn và rà soát, kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước để tồn đọng án hành chính.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã có văn bản quán triệt đến Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn về trách nhiệm chấp hành pháp luật tố tụng và thi hành án hành chính của người đứng đầu các cơ quan trong các vụ án hành chính.
Trong 06 tháng đầu năm 2019, 103 bản án, quyết định đã được UBND, Chủ tịch UBND các cấp thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành xong. Trong đó, kết quả thi hành đối với 85 bản án, quyết định chuyển sang từ năm 2017 và được đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, tính đến 31/3/2019 đã tổ chức thi hành dứt điểm xong 58 bản án, quyết định (đạt tỷ lệ 68%); còn 27 bản án, quyết định hiện nay đang được tiếp tục tập trung tổ chức thi hành.
Như vậy, có thể nhận thấy, sau khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có kết quả giám sát về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong năm 2018, Chủ tịch UBND, UBND các cấp đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm mình trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Từ đó, tạo sự chuyển biến chung, thống nhất trong hệ thống hành chính về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, bảo đảm thực hiện Nguyên tắc Hiến định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong thời gian tới
Trên cơ sở đánh giá thẳng thắn, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, Hội nghị tập trung thảo luận, đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong năm 2019 và trong những năm tiếp theo gắn với việc quán triệt thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó tiếp tục nhấn mạnh đến giải pháp về nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc thực thi, chỉ đạo thực thi pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
Kiến nghị, đề nghị đối với các các cơ quan Trung ương và địa phương
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, để triển khai thực hiện một cách hiệu quả những chỉ đạo, yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, Bộ Tư pháp có một số kiến nghị, đề nghị đối với các các cơ quan Trung ương và địa phương:
Về phía các cơ quan Trung ương:
(1) Đề nghị UBTP của Quốc hội tiếp tục quan tâm, thực hiện hoạt động giám sát theo thẩm quyền đối với việc chấp hành pháp luật TTHC và thi hành án hành chính, giúp công tác này ngày càng đạt hiệu quả tốt.
(2) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về THAHC, trong đó đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử của Tòa án về vụ án hành chính, bảo đảm tính khả thi, phù hợp, bảo đảm việc tuyên án theo đúng quy định tại Điều 193 Luật tố tụng hành chính năm 2015 (nội dung tuyên phải nêu kiến nghị cụ thể); thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
(3) Đề nghị Văn phòng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi tình hình chấp hành pháp luật của Chủ tịch UBND, UBND các cấp.
Về phía địa phương:
Thứ nhất, đề nghị các đồng chí Lãnh đạo UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC và những chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC.
- Có giải pháp nâng cao chất lượng công tác ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp cũng như các cơ quan hành chính nhà nước khác; hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm trong quá trình ban hành QĐHC, thực hiện HVHC nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương, hạn chế phát sinh khiếu kiện; có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu các QĐHC, HVHC có sai phạm.
- Chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương trên các lĩnh vực nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Thực hiện và chỉ đạo UBND các cấp thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Liên quan đến Điều 60 Luật TTHC năm 2015 về cử người đại diện tham gia tố tụng, Bộ Tư pháp kiến nghị các đồng chí cần thực hiện và chỉ đạo Chủ tịch UBND các cấp cũng như người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để tình trạng người đứng đầu hoặc người được ủy quyền không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính theo triệu tập của Tòa án.
- Các đồng chí Chủ tịch UBND các cấp cần nhận thức đầy đủ THAHC là công việc và là trách nhiệm của Chủ tịch UBND, UBND các cấp khi có các QĐHC, HVHC bị khởi kiện và bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ. Cơ quan THADS cùng cấp là đơn vị thực hiện chức năng theo dõi THAHC đối với Chủ tịch UBND, UBND các cấp.
- Có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm những bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, trường hợp có khó khăn do quan điểm áp dụng pháp luật của Tòa án trong quá trình xét xử vụ việc, Các đồng chí cần căn cứ quy định của Luật TTHC thực hiện việc kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm.
- Chỉ đạo các Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dân trên địa bàn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Điều 60 Luật TTHC 2015 và trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, đề nghị đối với Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Từ thực tiễn xét xử các vụ án hành chính ở địa phương, các đồng chí tổng hợp giúp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản QPPL quản lý hành chính nhà nước làm cơ sở kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; tổng kết những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất Tòa án nhân dân tối cao giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ hoặc hoàn thiện thể chế về TTHC.
- Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết các vụ án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế tối đa những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
- Thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn thực hiện đầy đủ việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi theo quy định.
Thứ ba, đề nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tăng cường các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn theo quy định của Luật TTHC.
Thực hiện hoặc chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi theo quy định; kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ THAHC và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật TTHC năm 2015.
Yêu cầu đối với Tổng cục Thi hành án dân sự
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp để giúp Chính phủ theo dõi tình hình chấp hành pháp luật TTHC và quản lý Nhà nước về THAHC trên phạm vi cả nước; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng theo dõi THAHC đã được Luật TTHC năm 2015 giao; bảo đảm theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao theo Luật định.

Các tin đã đưa ngày: