Sign In

TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU NHIỆM VỤ

05/08/2022

Năm 2022 là năm có nhiều ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025; năm 2022 tuy dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở phạm vi toàn cầu và nước ta nói riêng nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn với nhưng loại vi rút mới; tình hình quốc tế, trong nước, có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, phục hồi chậm; những ảnh hưởng của giá dầu tăng cao, biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn hiện hữu... Đối với công tác thi hành án dân sự cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức, lượng án ngày càng tăng cao, tính chất phức tạp, rủi ro ngày càng nhiều nhất là án tín dụng ngân hàng; biên chế ngày càng giảm theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước; nguồn kinh phí phục vụ cho công tác thi hành án bị cắt giảm, tiết kiệm theo chủ trương chung;… Ảnh hưởng rất lớn đến công tác thi hành án dân sự trong năm 2022, đòi hỏi Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai phải nỗ lực quyết tâm cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, ngay sau khi Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7/2022, chiều cùng ngày Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tiến hành tổ chức ngay Hội nghị nội bộ của Hệ thống để đánh giá và bàn các giải pháp hữu hiệu, tập trung nguồn lực, nhân lực, nỗ lực vượt khó, quyết tâm hoàn thành tốt nhiêm vụ năm 2022.
Năm 2022, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự đạt 82 % về việc và 41,10% về tiền. Đến nay theo thống kê nhanh 10 tháng đầu năm, Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh đã thụ lý và giải quyết là 17.190 việc, có: 12.255 việc có điều kiện giải quyết và đã giải quyết xong 8.646 việc, đạt tỷ lệ 70,55%, còn thiếu 11,45% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Thụ lý và giải quyết 2.455 tỷ đồng, có: 1.305 tỷ đồng có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong trên 587 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45% vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 do Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
Chỉ tiêu về tiền tuy đã đạt nhiệm vụ năm 2022 do Tổng cục Thi hành án dân sự giao nhưng chỉ tiêu về việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn do số việc tăng cao hơn so với năm 2021; điều kiện, khả năng thi hành của người phải thi hành án sau dịch Covid gặp nhiều khó khăn, không có tài sản, thu nhập không ổn định; nhiều vụ việc người phải thi hành án là cá nhân, nhưng tài sản đảm bảo thi hành án là của hộ gia đình hoặc số tiền phải thi hành án nhỏ nhưng giá trị tài sản để thi hành án rất lớn lại là khối tài sản chung; thông tin về tài sản phải thi hành án được mô tả trong các hồ sơ, tài liệu và bản án không đúng với thực tế; sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan và chính quyền địa phương vì nhiều lý do khác nhau trong một số vụ việc còn chưa kịp thời dẫn đến việc thi hành án thường phải kéo dài;…

Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2022 của Hệ thống THADS tỉnh.
Để thúc đẩy tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác về thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2022, chiều ngày 14/7/2022tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có buổi làm việc với các Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo tình hình thực hiện kết quả thi hành án dân sự của từng đơn vị; quán triệt, chia sẻ những khó khăn, thách thức của tình hình thực hiện chỉ tiêu năm 2022; đồng thời trên tinh thần gợi mở, thẳng thắn làm rõ trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo Cục, Chi cục, Chấp hành viên trước chức trách, nhiệm vụ được giao; chấn chỉnh, chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành đối với các vụ việc giá trị lớn, khó thi hành và các vụ việc phức tạp, tồn đọng. Bên cạnh đó, tập trung bàn các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 do Tổng cục giao, nhất là chỉ tiêu về việc, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, chống trì trệ, “tư tưởng hoàn thành một chỉ tiêu” trong đội ngũ cán bộ THA. Việc thực hiện đạt các chỉ tiêu về thi hành án dân sự sẽ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả công việc của các chấp hành viên. Do đó, trong bối cảnh án thụ lý thi hành ngày càng tăng nhưng biên chế ngày càng giảm, bên cạnh các giải pháp chung được đề ra, hơn ai hết, từng chấp hành viên cần phát huy hơn nữa vai trò, tích cực, chủ động hơn và không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để đóng góp vào việc hoàn thành chỉ tiêu chung của toàn Hệ thống THADS.
 Hai là, đối với Lãnh đạo Chi cục phải không ngừng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành; phân công, phân nhiệm trong tập thể lãnh đạo một cách hợp lý; theo dõi đôn đốc án của từng Chấp hành viên nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai sót, vi phạm; tập trung rà soát, phân loại án, tăng cường xác minh án miễn giảm, án có điều kiện thi hành để giải quyết kịp thời nâng cao chỉ tiêu; theo dõi tiến độ thực hiện án của từng chấp hành viên đảm bảo tiến độ, quy trình giải quyết án theo quy định của pháp luật và chỉ tiêu được giao, thường xuyên báo cáo tỷ lệ thi hành án, những khó khăn, vướng mắc cho Lãnh đạo Cục phụ trách đơn vị để kịp thời chỉ đạo.
Ba là, tăng cường rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ án lớn. Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án phải chỉ đạo Chấp hành viên và Chi cục thi hành án tổ chức thi hành án dứt điểm. Tập trung rà soát các vụ việc thi hành án, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả đối với từng vấn đề còn vướng mắc liên quan đến giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chấn chỉnh công tác báo cáo thống kê liên quan đến việc thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng, đảm bảo nắm bắt kịp thời, đúng lúc tình hình để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Xử lý nghiêm những cán bộ, Chấp hành viên có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian thi hành án, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, trong thời gian qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng cao chất lượng, các vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên sau dịch một số đối tượng đã rời khỏi địa phương vào các tỉnh phía Nam, nay trở về địa phương cho rằng mình bị “mất đất, mất tài sản” - xử lý tài sản vắng chủ nên khiếu nại, tố cáo phức tạp. Do đó cần tổ chức tốt việc tiếp công dân để kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người có đơn khiếu nại, tố cáo từ đó tập trung, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để ngay từ cơ sở không để phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cần vận dụng linh hoạt kỹ năng dân vận trong công tác tiếp dân, trực tiếp thực hiện việc đối thoại với công dân trước khi trả lời.

Tác giả ảnh: Đào Trọng Giáp- Cục Trưởng

Các tin đã đưa ngày: