Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ công chức và người lao động trong toàn hệ thống thi hành án để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo và điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc với các địa bàn có án lớn, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự.
Để đảm bảo giải quyết triệt để, kịp thời Cục THADS tỉnh đã tổ chức làm việc với các Chi cục THADS cấp huyện để đôn đốc, chỉ đạo từng vụ việc (tập trung vào 10 vụ án lớn) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự. Chủ động phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bàn giải pháp giải quyết án có liên quan. Bên cạnh đó, tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện chỉ đạo đối với công tác thi hành án tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, kết quả thi hành án dân sự về việc: giải quyết xong 3.789 việc/7.464 việc có điều kiện giải quyết (tổng thụ lý 11.065 việc), đạt tỷ lệ 50,76%. Về tiền: giải quyết xong 92.546.856 ngàn đồng/651.364.806 ngàn đồng có điều kiện giải quyết (tổng số tiền thụ lý là 1.248.297.667 ngàn đồng), đạt tỷ lệ 14,21%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ thi hành án toàn tỉnh đạt còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là về tiền (chỉ đạt tỷ lệ 14,21%; Tổng cục giao năm 2019 phải đạt 73% về việc và 33,5% về tiền), một số Chi cục đạt rất thấp như Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ…; các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng Ngân hàng, có giá trị thi hành án lớn đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua và có tranh chấp, tài sản kê biên nhưng Toà án chậm giải quyết; qua kiểm tra hồ sơ hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án và kết luận của các đoàn kiểm tra, Tổ công tác của Cục, kết luận của Viện kiểm sát các cấp vẫn còn sai sót về quy trình nghiệp vụ tổ chức thi hành án, một số Chi cục, Chấp hành viên chậm khắc phục; Việc giải quyết các vụ án liên quan tín dụng Ngân hàng (đạt tỷ lệ 5,23% về việc và 14,42% về tiền) và thực hiện giải quyết các vụ án liên quan khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngân hàng theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đạt kết quả còn thấp;…
Nguyên nhân chủ yếu do việc thụ lý thi hành án 6 tháng đầu năm 2019 tăng cao; quy định pháp luật về kê biên xử lý tài sản phức tạp, nhiều thủ tục, thời gian kéo dài. nhiều trường hợp tài sản thế chấp đã thay đổi, không xác định được tài sản thế chấp, giảm giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, người được thi hành án là Ngân hàng không nhận tài sản để trừ khoản tiền được thi hành án; một số vụ án có phát sinh tranh chấp tài sản, án tuyên không rõ, khó thi hành, Tòa án đã thụ lý nhưng chậm giải thích và giải quyết nên cơ quan thi hành án không tổ chức thi hành được như vụ: Công ty Anh Nhật Pháp, Công ty PTKD Miền Núi, Tô Thị Mộng Trinh - An Khê, Diễm Thu; nhiều vụ án do người phải thi hành án không có tài sản, nguồn thu nhập, không rõ địa chỉ, bỏ nhà đi khỏi địa phương nên cơ quan thi hành án khó thực hiện được việc thỏa thuận thi hành án để hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án và hạn chế việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; một số vụ do đương sự cố tình không tự nguyện thi hành án và cố tình khiếu nại, tố cáo thi hành án để kéo dài việc thi hành án;…
Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự theo chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án dân sự giao và nhiệm vụ chính trị tại địa phương 6 tháng cuối năm 2019, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo chỉ đạo đưa ra các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, trong đó:
Trước hết, Lãnh đạo Cục THADS tỉnh bố trí lịch, tăng cường làm việc với Ban Chỉ đạo THADS, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp để đôn đốc, chỉ đạo các Chi cục THADS tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự đối với từng vụ việc cụ thể (trong đó tập trung vào 10 vụ án lớn). Chủ động làm việc với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tìm các tháo gỡ án liên quan đến tín dụng và Tòa án nhân dân tỉnh đối với một số vụ án có phát sinh tranh chấp tài sản Tòa án đã thụ lý nhưng chậm giải quyết; án tuyên không rõ, khó thi hành nhưng chậm giải thích nên cơ quan thi hành án không tổ chức thi hành được, chậm tiên độ thi hành vụ việc.
Thứ hai, hoàn thiện công tác tổ chức, cán bộ; bổ sung đầy đủ đội ngũ công chức, người lao động còn thiếu. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế, kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ, công chức và người lao động để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, thường xuyên rà soát, phân loại án và thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của đương sự theo đúng quy định, làm cơ sở để đảm bảo việc tổ chức thi hành án đúng thực tiễn, đạt hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Thực hiện tốt việc thỏa thuận giữa các bên đương sự trong thi hành án, nhất là các vụ án phức tạp, đương sự có khả năng chống đối cao, các vụ việc còn vướng mắc, chưa có quy định rõ về nghiệp vụ nhằm hạn chế số việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành án, nhất là các vụ án điểm, khó khăn phức tạp còn tồn đọng và các vụ án liên quan đến các tổ chức tín dụng Ngân hàng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/QH của Quốc hội. Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng thi hành án của chấp hành viên. Triệt để khắc phục sai sót trong nghiệp vụ thi hành án còn tồn tại trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Nếu không sửa chữa sai sót nghiệp vụ thì bất kỳ khi nào kiểm tra nếu phát hiện vẫn còn những sai sót, vi phạm cũ thì kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chấp hành viên và lãnh đạo Chi cục.
Thứ năm, thực hiện việc rà soát, phân loại, lập hồ sơ các vụ việc thi hành án có đủ điều kiện đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân xét miễn, giảm các khoản tiền thu nộp ngân sách theo quy định pháp luật.
Theo Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Gia Lai