Sign In

NHỮNG BẤT CẬP TRONG VẤN ĐỀ PHÂN CHIA TÀI SẢN CHUNG TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

08/09/2020

      Thi hành án dân sự là việc cơ quan có thẩm quyền tổ chức, đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi chính đáng của người được thi hành án. Nó được xem là khâu cuối cùng, đánh dấu kết thúc một vụ việc, vụ án dân sự đã trải qua quá trình tố tụng dân sự kể từ khi Tòa án thụ lý đến khi đưa vụ án ra giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành án. Ở giai đoạn này tưởng chừng như quyền lợi của người được thi hành án sẽ được đảm bảo bằng việc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án là xong vụ việc. Tuy nhiên ở giai đoạn này người được thi hành án lại tiếp tục gặp rắc rối đó là người phải thi hành án có phát sinh tranh chấp trong việc xác định, phân chia tài sản chung nên việc thi hành án phải bị gián đoạn để chờ thực hiện phân chia tài sản chung làm cho việc thi hành án bị kéo dài, quyền lợi của người được thi hành án bị ảnh hưởng.
      Thi hành án dân sự là việc cơ quan có thẩm quyền tổ chức, đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi chính đáng của người được thi hành án. Nó được xem là khâu cuối cùng, đánh dấu kết thúc một vụ việc, vụ án dân sự đã trải qua quá trình tố tụng dân sự kể từ khi Tòa án thụ lý đến khi đưa vụ án ra giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành án. Ở giai đoạn này tưởng chừng như quyền lợi của người được thi hành án sẽ được đảm bảo bằng việc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án là xong vụ việc. Tuy nhiên ở giai đoạn này người được thi hành án lại tiếp tục gặp rắc rối đó là người phải thi hành án có phát sinh tranh chấp trong việc xác định, phân chia tài sản chung nên việc thi hành án phải bị gián đoạn để chờ thực hiện phân chia tài sản chung làm cho việc thi hành án bị kéo dài, quyền lợi của người được thi hành án bị ảnh hưởng.
      Trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề chia tài sản chung trong thi hành án dân sự mà quan điểm giữa các ngành Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự trên địa tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung đã có rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí là trái chiều, cấp dưới không đồng nhất với cấp trên như: Áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014 hay áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015; có hay không điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 trái với khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014; đối với tài sản là đất đai thì chia theo giá trị hay chia theo hiện vật; kê biên tài sản thế nào được cho là tương ứng;…
      Ở khía cạnh thứ nhất, là áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014 hay áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015: Theo hệ thống ngành Kiểm sát trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều cho rằng áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự còn điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP là trái luật; trong khi đó Tòa án nhân dân tỉnh theo quan điểm của ngành Kiểm sát, còn Tòa án nhân dân cấp huyện thì lại thực hiện theo điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62.
Ở khía cạnh này, được phân tích một cách cụ thể như sau: Theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự thì điều luật chỉ quy định chung về việc phân chia tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác chứ không có quy định rõ ràng về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng. Để cụ thể hóa quy định này được áp dụng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho Chấp hành viên xử lý nhanh vụ việc thì tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62 đã hướng dẫn rõ hơn về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng, đó là: “Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết; Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”. Như vậy, theo hướng dẫn của Nghị định số 62 thì người có thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng là Tòa án và Chấp hành viên nhưng thực tế chủ yếu là  Chấp hành viên thực hiện. Bởi hiện nay các Tòa án cấp huyện trên địa bàn chỉ thụ lý giải quyết trong trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý với việc phân chia tài sản của Chấp hành viên và có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, còn nếu vợ hoặc chồng không đồng ý với việc phân chia tài sản của Chấp hành viên nhưng không có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án cho rằng không làm phát sinh thủ tục giải quyết tại Tòa án cho nên cuối cùng cũng do Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định.
      Ở khía cạnh thứ hai, có hay không điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 trái với khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo quan điểm ngành Kiểm sát trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều cho rằng việc áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP là trái Luật và các vụ việc áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thường bị viện kiểm sát kháng nghị (Chấp hành viên không có quyền chia mà phải khởi kiện ra tòa). Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc liên quan đến phân chia tài sản chung trong đó có phân chia tài sản chung của vợ chồng thì các cơ quan thi hành án trên địa bàn tỉnh đều vận dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và cá nhân tôi cho rằng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62 không trái luật, mà mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, quy định chi tiết đối với trường hợp cụ thể. Mặt khác nếu Nghị định trái luật thì thẩm quyền xác định thuộc về Quốc hội, quy định của Nghị định trái luật thì quy định đó phải bị hủy bỏ, nhưng Quốc hội và các ngành tư pháp Trung ương không cho rằng trái luật thì đương nhiên cơ quan thi hành án áp dụng để giải quyết vụ việc là đúng pháp luật.
      Ở khía cạnh thứ ba, đối với tài sản là đất đai thì chia theo giá trị hay chia theo hiện vật; kê biên tài sản thế nào được cho là tương ứng. Đây là một vấn đề mà các cơ quan tố tụng ở trên địa bàn có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng đất đai ở mỗi vị trí, mỗi thế đất đều có giá trị khác nhau (mặt tiền, mặt hậu, gần chợ,…) do đó phải tính tổng thể để chia; nhưng có quan điểm lại chia theo hiện vật tức là chia đôi đám đất, chia ngang hay chia dọc thì tùy theo diện tích (có tính đến hạn mức đất ở). Về khía cạnh, kê biên tài sản thế nào được cho là tương ứng thì dù pháp luật có quy định việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết nhưng trên thực tế giữa quan điểm của mỗi ngành, mỗi người thực hiện cũng có những ý kiến khác nhau; tương ứng giá trị hay tương ứng hiện vật; khi định giá thì mới xác định được còn khi kê biên khó để xác định tương ứng;…
      Từ những phân tích của các khía cạnh trên, chưa nói đến việc Nghị định 62 trái Luật Thi hành án dân sự hay không, nhưng theo quan điểm cá nhân thì việc phân chia tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung được xác định là một quyền dân sự, đương sự có quyền tự thỏa thuận việc phân chia, nếu họ không thỏa thuận được thì cơ quan, người có thẩm quyền do pháp luật quy định thực hiện phân chia và pháp luật cũng quy định rất rõ quyền của những người có tài sản chung: “Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ”. Nếu cho rằng việc chia tài sản chung đó của Chấp hành viên không hợp lý thì họ có quyền khởi kiện tại Tòa. Như vậy, Tòa hay Chấp hành viên chia tài sản không phải là vấn đề quan trọng phải đưa ra “mổ xẻ”, mà điều quan trọng ở đây chính là quyền của người có tài sản chung được bảo đảm, việc chia đó nếu hợp tình hợp lý họ đồng ý thỏa thuận và được lập thành biên bản, nếu họ cho rằng không hợp tình hợp lý thì chính họ là người có quyền khởi kiện, mặt khác cũng không thể nói rằng tất cả các vụ việc Tòa án chia tài sản là hoàn toàn hợp tình hợp lý đương sự không khởi kiện, không  kháng cáo.   
      Bên cạnh đó, để thực hiện việc phân chia tài sản của người phải thi hành án hợp tình hợp lý Chấp hành viên phải đặc biệt tôn trọng quyền thỏa thuận của các đương sự, nắm rõ quy định của Luật Hôn nhân gia đình: về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp, tạo lập…. Thực hiện đầy đủ, chính xác các trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án và việc phân chia tài sản.
      Qua nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề chia tài sản chung trong thi hành án dân sự mà quan điểm giữa các ngành Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự trên địa tỉnh Gia Lai có những quan điểm khác nhau, áp dụng không thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự hay Nghị định 62. Đây cũng được xem là một bất cập lớn, dẫn đến nhiều vụ việc thi hành án bị kéo dài và một số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án, cần phải có quan điểm thống nhất và hướng dẫn của các cơ quan Tư pháp Trung ương để địa phương thực hiện thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án./.


Theo Đào Trọng Giáp - Cục trường Cục THADS tỉnh Gia Lai

Các tin đã đưa ngày: