Sign In

MẠNG XÃ HỘI VÀ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

30/06/2021

        Mạng xã hội là cụm từ rất quen thuộc với mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay. Theo qui định tại Điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin tên mạng thì Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Mạng xã hội có thể hiểu là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu và có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như điện thoại, máy tính…Hiện nay, ở việt nam có một số mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến như: Facebook, YouTube, Instagram... Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông tin hữu ích trên nền tảng Internet. Nó tạo nên một cộng đồng có giá trị, nâng cao vai trò của mỗi người dùng trong việc xây dựng các mối quan hệ. Từ đó mạng xã hội đã mang lại cho con người rất nhiều những tiện ích như: Cập nhật tin tức, kết nối các mối quan hệ, kinh doanh, quảng cáo…. Tuy nhiên, đi kèm sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội với rất nhiều tiện ích thì không tránh khỏi việc nhiều người sử dụng mạng xã hội sai cách làm ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên một số mạng xã hội xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân sử dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tiếp (livestream) hoặc chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức gây bức xúc trong dư luận cộng đồng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Nhằm mục đích để xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ngày 17/6/2021 Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Bộ Qui tắc ứng xử trên mạng xã hội kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTT.  
Theo đó, Bộ Qui tắc ứng xử được áp dụng cho 03 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội và Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh qui tắc ứng xử chung, qui tắc ứng xử của các nhân, tổ chức thì tại Điều 5 của Bộ Qui tắc có qui định các qui tắc ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước cụ thể đó là:
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
9. Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
10. Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Khi có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật, chúng ta cũng coi đó là văn hoá khi tham gia không gian mạng. Văn hoá này không chỉ điều chỉnh ở pháp luật, không chỉ điều chỉnh ở xã hội mà còn điều chỉnh ở đạo đức. Việc tuân thủ các qui tắc ứng xử cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước có thầm quyền xử lý một khi có hành vi vi phạm,  lệch chuẩn so với những qui tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được qui định, góp phần làm an toàn, lành mạnh không gian mạng.


Theo Theo Nguyễn Hữu Đức

Các tin đã đưa ngày: