Quy chế phối hợp số 01/2022/QCPHLN/CTHADS-VKSND-TAND-CA gồm 03 chương, 23 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Trong đó, Chương I gồm 4 điều quy định về phạm vi, mục đích, nguyên tắc, phương thức phối hợp liên ngành. Chương II gồm 13 điều quy định các nội dung phối hợp cụ thể, trong đó bao gồm: phối hợp trong việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự, giao, nhận bản án, quyết định; giải thích, sửa chữa bản án, quyết định; chuyển giao bảo quản vật chứng, tài sản; thu, trả tiền tài sản; xác minh điều kiện thi hành án; cưỡng chế thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm sát hoạt động thi hành án; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự; kiểm tra về thi hành án; xây dựng báo cáo. Có một số điểm mới trong Quy chế là 4 cơ quan cấp tỉnh đã thống nhất cách thức chuyển giao tang vật là tiền trong gói niêm phong từ cơ quan Công an sang cơ quan Thi hành án dân sự; phối hợp trong việc thi hành thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành; phối hợp trong việc cưỡng chế thi hành án; phối hợp trong việc quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm về thi hành án dân sự. Chương III gồm 6 điều, quy định về trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự, Viện kiếm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an tỉnh Hải Dương; trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, cá nhân được phân công thực hiện công tác phối hợp; kinh phí thực hiện và hiệu lực thi hành của Quy chế.
Với việc ban hành Quy chế mới, hi vọng sẽ tạo ra “cú hích” và xung lực mới trong công tác phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an tỉnh Hải Dương được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự , góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.
Trần Thị Hải Yến
Phó trưởng phòng Phòng KT, GQKN & TC- Cục THADS tỉnh Hải Dương