Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, một số thành viên của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng, như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Hới, Trần Cung... đã về Hải Dương truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng tổ chức và lãnh đạo công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều nơi, cơ sở cách mạng đã được hình thành như: Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều), Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (thành phố Hải Dương)… và những nơi này đã thành lập được các tổ chức chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây phong trào tiếp tục phát triển sang các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo
[1]...
Trong 2 năm 1928 - 1929, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân trong tỉnh đã liên tiếp nổ ra, tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Mạo Khê
[2], nhà máy rượu Hải Dương, cuộc đấu tranh của nông dân Thanh Hà, Vĩnh Bảo, Tứ Kỳ...
Phong trào vận động cách mạng giai đoạn này tuy chưa phát triển rộng khắp ở tỉnh nhà, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ quần chúng cách mạng, chuẩn bị cơ sở chính trị xã hội cho việc thành lập các tổ chức Đảng sau này.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới, thời kỳ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Mácxít, đấu tranh có mục tiêu, đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn.
Ngay sau khi Đảng ta ra đời, hai chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Dương đã được thành lập: Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức và chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) do đồng chí Trần Cung tổ chức.
Được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, các chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, kịp thời kêu gọi nhân dân đấu tranh, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) đã rải truyền đơn và treo cờ búa liềm ở chợ Chi Ngãi. Chi bộ mỏ than Mạo Khê treo cờ búa liềm trên cột điện, vận động công nhân đấu tranh.
Từ sau cuộc khởi nghĩa Xô Viết -Nghệ Tĩnh, kẻ thù ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hàng nghìn cán bộ của Đảng đã bị chúng bắt, tra tấn, tù đày, hãm hại. Phong trào cách mạng trong nước tạm thời lắng xuống.
Ở Hải Dương, cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê Thanh Tùng, Thanh Miện), một cán bộ cách mạng của Đảng, đã vượt ngục Hoả Lò (Hà Nội) về ấp Dọn (Bình Giang) hoạt động. Tại đây, đồng chí đã viết và phát hành báo “Công nông” để tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng. Mặc dù kẻ thù đàn áp và tiêu diệt nhưng ngọn lửa cách mạng đã được Đảng ta thắp sáng vẫn đang âm ỉ trong lòng quần chúng, chỉ chờ thời cơ sẽ lại bùng lên mãnh liệt.
Mùa hè năm 1936, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và để phối hợp với cuộc đấu tranh của Mặt trận bình dân Pháp, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, nhằm tập trung mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Từ đây, phong trào cách mạng ở tỉnh ta lại được phục hồi phát triển. Nhiều tổ chức dân chủ đã được thành lập ở thị xã Hải Dương, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Vĩnh Bảo... Năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị (quê Thượng Cốc, Gia Lộc) được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng, đã chủ trì cuộc họp thống nhất phong trào thanh niên dân chủ trên phạm vi toàn tỉnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào dân chủ, tháng 8/1938, với tư cách là Xứ uỷ viên Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn thụ đã về Hải Dương kiểm tra, chỉ đạo phong trào và công nhận việc thành lập 3 chi bộ Đảng, bao gồm: Chi bộ nhà máy nước Ninh Giang, chi bộ thị xã Hải Dương, chi bộ xã Cổ Am (Vĩnh Bảo).
Sau khi các chi bộ được thành lập, phong trào cách mạng ở các địa phương được tiếp thêm sức mạnh mới. Sách báo công khai của Đảng, của các đoàn thể dân chủ như “Tin tức”, “Dân chúng”, “Đời nay”...được truyền bá rộng rãi, kêu goi công nhân, nông dân rầm rộ xuống đường đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào áp bức... tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Rượu, Sở Lục Lộ Hải Dương, nhà máy Nước Ninh Giang, mỏ than Mạo Khê, nhà thương Hải Dương..; của nông dân Thanh Hà, Vĩnh Bảo...; của học sinh, trí thức đòi tự do lập hội...
Các cuộc đấu tranh trên, bước đầu, đã đem lại một số quyền lợi thiết thực cho quần chúng, nhưng ý nghĩa quan trọng là nó góp phần tích cực bồi dưỡng tinh thần cách mạng, sự giác ngộ về chính trị và củng cố lòng tin của nhân dân vào tiền đồ cách mạng.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Chính phủ Pháp đã phản bội nhân dân Pháp và đi theo con đường phát xít. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân cũng thẳng tay đàn áp cách mạng. Các tổ chức Đảng, đoàn thể, các hội yêu nước... bị săn lùng ráo riết, hàng loạt cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt, tù đày, sát hại. Trước tình hình trên, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939) đã quyết định chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình mới, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt, thành lập Mặt trận phản đế và chuyển trung tâm hoạt động về nông thôn.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Liên Tỉnh ủy B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) được thành lập và chọn Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Tháng 5/1940, chi bộ Tạ Xá (Nam Sách), chi bộ Trại Chua, Hàm Ếch (Chí Linh) được thành lập. Nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành tổ chức phản đế và hoạt động tích cực như ở Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Chí Linh, thị xã Hải Dương...
Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh, được sự đồng ý của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Liên Tỉnh ủy B, ngày 10/6/1940, Đảng bộ tỉnh Hải Dương với Ban Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập (tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, Nam Sách), gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư.
Ngày 10/6/1940 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu một mốc mới trên con đường đấu tranh cùng cả nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương và Xứ uỷ, ngay sau khi thành lập, Đảng bộ đã tăng cường xây dựng lực lượng, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị cùng cả nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17/8/1945 trong khí thế cách mạng sục sôi, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nổi dậy giành chính quyền thắng lợi, đập tan xích xiềng nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng ở các cấp.
Chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, đối mặt với sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, từ 8/1945-12/1946, dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ Hải Dương đã vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt, quyết tâm bảo vệ chính quyền mới được thành lập, giữ vững thành quả cách mạng. Ngày 26/4/1946 - ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã khoá đầu tiên ở Hải Dương đã thắng lợi, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân.
Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 6/1946, Đại hội Đảng bộ Hải Dương lần thứ nhất với 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên toàn tỉnh được tiến hành.
Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương lại bước vào vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Với trên 13 ngàn trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Hải Dương đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng gần chục vạn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại, phá huỷ hàng trăm đầu tàu, toa xe, xe cơ giới, ca nô, tàu chiến, thu hồi hàng tấn quân trang, quân dụng làm nên “Tiếng sấm đường 5” anh hùng, góp phần cùng cả nước đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh lại cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ.
Từ tháng 01/1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương hợp nhất với Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đã đưa quân và dân trong tỉnh vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Con em Hải Dương đã lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang tỉnh bắn rơi, bắt sống hàng chục giặc lái, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tỉnh Hải Dương có gần 40 nghìn liệt sỹ, trên 14.000 thương binh, gần 9.000 bệnh binh, hơn 4.000 người là nạn nhân của chất độc da cam Dioxin. Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc (1976- 2000), Hải Dương có 2.384 liệt sỹ, 1.275 thương binh. Toàn tỉnh có 1.645 bà mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương, Đảng bộ và nhân dân 12/12 huyện, thành phố, thị xã, và 64 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng, 34 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Tháng 1/1997, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Quốc Hội, tỉnh Hải Dương và Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập.
Trải qua 75 năm, kể từ ngày thành lập, với 15 kỳ Đại hội (trong đó có 7 kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh hợp nhất Hải Hưng), Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng phát triển, trưởng thành. Đến hết tháng 4/2015, toàn Đảng bộ đã có 99.935 đảng viên sinh hoạt ở 786 chi, Đảng bộ cơ sở thuộc 12 Đảng bộ huyện, thị ủy, thành ủy và 4 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết, triển khai thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Kinh tế liên tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 7,2%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Năm 2015, quy mô kinh tế tỉnh (GRDP giá hiện hành) đạt 74.550 tỷ đồng, gấp 1,83 lần năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, tương đương 1.950 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 20,6% - 46,3% - 33,1% năm 2010 sang 15,6% - 52,3% - 32,1% năm 2015. Cơ cấu lao động tương ứng chuyển dịch mạnh, từ 47,9% - 31,4% - 20,7% năm 2010 sang 36,5% - 35,0% - 28,5% năm 2015. Triển khai và đạt kết quả bước đầu chủ trương tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Tỷ trọng huy động vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 68,4% năm 2010 lên 72,1% năm 2015.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt - lâm nghiệp. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thủy sản tăng từ 36% năm 2010 lên 41,7% năm 2015. Giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong ngành nông nghiệp, tăng từ 28,9% năm 2010 lên 33,4% năm 2015. Tỷ trọng nuôi trồng thủy sản tăng từ 10,1% năm 2010 lên 12,5% năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm đạt 67.174 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa đạt 27.488 tỷ đồng (bình quân đạt 5.497 tỷ đồng/năm), tăng bình quân 7,1%/năm. Tổng chi cân đối ngân sách tăng bình quân 4,8%/năm.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 10,4%/năm, từng bước trở thành nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Công nghiệp cơ khí - điện tử tăng bình quân 11,1%/năm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng bình quân 8,3%/năm, công nghiệp may giày tăng bình quân 7,7%/năm, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tăng bình quân 13,3%/năm.
Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 6,1%/năm. Toàn tỉnh có 65 làng nghề, đã công nhận danh hiệu nghệ nhân làng nghề cho 24 người, bình chọn công nhận 92 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Quy hoạch, phát triển 18 KCN, trong đó có 10 KCN đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô khá, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 60%; quy hoạch 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.403 ha, thu hút 301 dự án đầu tư với diện tích thuê đất 601 ha.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các biện pháp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có 13 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2.350 km đường giao thông nông thôn; đến nay 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Mạng lưới cấp nước sạch được đầu tư xây lắp tới 100% các xã. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt gần 85%. Công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quan tâm thực hiện. Các loại hình tổ chức sản xuất phát triển tương đối đa dạng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước được chú trọng, 100% số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng. Tỉnh đã hoàn thành xoá nhà tranh tre cho các đối tượng gia đình thương binh, liệt sỹ, người nghèo.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 02 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục ngày càng phát triển.
Sự nghiệp văn hóa, thể thao ngày càng phát triển, toàn tỉnh có 85% số gia đình văn hoá, 75,8% số làng, khu dân cư văn hóa, 85% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá. Các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và có bước phát triển, thể thao thành tích cao giữ vững thứ hạng trong tốp đầu cả nước.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Toàn tỉnh không còn hộ đói. Trên 99% số hộ có nhà xây mái ngói, 100% số hộ có điện sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,99% năm 2010 xuống còn 3,27% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 1,5%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 16,6% năm 2010 xuống còn 12,2% năm 2015. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 58,0% năm 2010 lên 75,1% vào năm 2015. Số bác sĩ/vạn dân từ 6 bác sĩ năm 2010, tăng lên 7,9 bác sĩ năm 2015. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc từ 64,2% năm 2010 tăng lên 80% vào năm 2015. Số giường bệnh trên 1 vạn dân năm 2015 đạt 30,4 giường bệnh (tính cả giường trạm y tế xã).
Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 448 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 48,4%, tăng 140 trường so với năm 2010. Đã chuyển đổi 100% các trường THPT và trường mầm non bán công sang công lập. Mạng lưới hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì, tích cực mở rộng ngành nghề và hợp tác đào tạo, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên
.
An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, công tác xây dựng Đảng được tăng cường, bình quân hằng năm có trên 70% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, từ năm 2013 đến nay tỉnh Hải Dương không còn cơ sở đảng yếu kém. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên. Tổ chức cơ sở đảng ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo cơ sở, đưa đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Công tác kết nạp đảng viên được quan tâm, bình quân mỗi năm kết nạp trên 2.600 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 31 triệu đồng/năm.
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, kiên định với lý tưởng và con đường lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY