Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích một số vấn đề đã và đang gây không ít khó khăn cho cá nhân, đơn vị thực hiện báo cáo thống kê. Từ đó, có những kiến nghị về giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy phạm pháp luật, hướng đến một trật tự pháp luật phù hợp với thực tiễn công tác thi hành án dân sự.
Với cách tính thống kê THADS như hiện nay, thì án có điều kiện đang tính theo nghĩa vụ thi hành án chứ không phải tính theo điều kiện về tài sản, thu nhập thực tế của đương sự. Một đương sự có nghĩa vụ thi hành án 100 tỷ, mặc dù qua xác minh, đương sự này chỉ có tài sản duy nhất trị giá 10 tỷ, thì cơ quan THADS vẫn phải xác định có điều kiện 100 tỷ chứ không phải là 10 tỷ như điều kiện tài sản thực tế của đương sự.
Ví dụ Cục THADS tỉnh Hải Dương đang thi hành việc thi hành án giữa Công ty TNHH X phải trả nợ cho Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Hải Dương số tiền 180 tỷ. Mặc dù qua xác minh, thẩm định giá, Công ty TNHH X chỉ có tài sản duy nhất là nhà xưởng và máy móc trị giá 90 tỷ đồng. Nhưng do tài sản bán đấu giá không có người mua, cho nên hơn 1 năm nay Cục THADS tỉnh vẫn đang phải thống kê vụ việc này là án có điều kiện với số tiền là 180 tỷ đồng.
Như vậy, với cách tính thống kê như hiện nay thì số án có điều kiện đang được thống kê “ảo” là rất lớn. Điều này vừa không phù hợp với tình hình tài sản, thu nhập thực tế của đương sự, vừa làm cho việc hoàn thành chỉ tiêu của các cơ quan THADS trở nên khó khăn. Đáng chú ý là về chỉ tiêu thống kê, trong Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã quy định và hướng dẫn ghi chép cụ thể các trường hợp trong công tác thống kê THADS, nhưng vẫn có những trường hợp đặc thù gặp phải trong công tác thống kê tại địa phương. Chẳng hạn như chưa quy định rõ việc thống kê với trường hợp ủy thác một phần; chưa quy định thống kê đối với trường hợp thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định về thi hành án. Hay trong trường hợp Chi cục đã thi hành được một phần (với việc Cục THADS rút lên thi hành) thì trong phần đã thi hành xong đâu sẽ là phần thống kê cho Cục và đâu là phần thống kê cho Chi cục.
Ngoài ra, trường hợp một việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành có nhiều người chưa có điều kiện thi hành cũng chưa có hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Thực tế vừa qua, có địa phương ra 1 quyết định việc chưa có điều kiện thi hành đối với nhiều người; có địa phương ra quyết định chưa có điều kiện đối với từng người; có địa phương xác minh được điều kiện thi hành án của 1 người trong vụ việc không có điều kiện đã ra quyết định chưa có điều kiện đối với người đó trong khi chưa xác minh điều kiện thi hành án của những người khác vì sợ quá thời hiệu theo biên bản xác minh điều kiện thi hành án. Đặc biệt, địa phương băn khoăn với các việc thi hành án có tài sản đã kê biên phải giảm giá nhiều lần và giá trị tài sản hiện tại đưa ra bán đấu giá thấp hơn giá trị phải thi hành nhưng vẫn phải thống kê số tiền phải thi hành vào diện có điều kiện thi hành liệu có phù hợp không bởi ảnh hưởng đến tỷ lệ kết quả thi hành án, nhất là về giá trị...
Cũng với cách tính thống kê như hiện nay, thì gần như Cơ quan THADS đang phải “ôm” vào cả phần việc của các cơ quan khác. Điển hình là hoạt động bán đấu giá tài sản. Theo quy định hiện hành, sau khi cưỡng chế kê biên, định giá tài sản, Cơ quan THADS ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tiến hành bán đấu giá tài sản. Trong thời gian chờ tổ chức đấu giá bán tài sản thì Cơ quan THADS vẫn phải thống kê vụ việc là đang thi hành dở dang. Điều này rõ ràng là không phù hợp vì toàn bộ quá trình bán đấu giá tài sản là do tổ chức bán đấu giá thực hiện chứ không phải do Cơ quan THADS thực hiện. Việc bán đấu giá thành trong thời gian bao lâu, nhanh hay chậm phụ thuộc vào tổ chức bán đấu giá chứ không phụ thuộc vào Cơ quan THADS. Do đó, trong nhiều trường hợp, tổ chức đấu giá tài sản chậm bán tài sản đấu giá, thậm chí vi phạm trình tự bán đấu giá làm kéo dài thời gian bán đấu giá tài sản thì Cơ quan THADS vẫn phải gánh chịu hậu quả về mặt thống kê là chậm thi hành án.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Tổng cục THADS đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê THADS (thay thế Thông tư 01 và Thông tư 08) cùng biểu mẫu, giải thích biểu mẫu và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu kèm theo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về thống kê đối với các lĩnh vực gồm công tác tổ chức cán bộ; tài chính kế toán (trừ kế toán nghiệp vụ THADS); Văn phòng (thi đua khen thưởng, thống kê văn bản, công văn đi đến, số lượng thông tin báo chí, họp báo), đồng thời bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê THADS; trình tự, thủ tục, nội dung thẩm tra thống kê THADS. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung, sửa đổi về thống kê đối với các lĩnh vực đã có nhưng chưa đầy đủ, như thống kê về án tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm; cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác có liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; vật chứng, tài sản giữ; các biểu phân tích chi tiết về giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Nhiều bất cập hiện hành đã được Dự thảo Thông tư hướng dẫn cách xử lý, mang tính “cầm tay chỉ việc”. Đơn cử đối với thống kê chỉ tiêu ủy thác thi hành án, Dự thảo đã bổ sung biểu phân tích chi tiết về thống kê quyết định ủy thác thi hành án, phân biệt rõ hơn các trường hợp cụ thể từ ủy thác trước khi ra quyết định thi hành án; ủy thác sau khi ra quyết định thi hành án (ủy thác toàn bộ quyết định thi hành án, ủy thác một phần).
Về khó khăn trong công tác báo cáo thống:
Chúng tôi đồng tình với quan điểm báo cáo thống kê cần phải phản ánh được hết các hoạt động trên thực tế, tuy nhiên việc ban hành có quá nhiều biểu mẫu như hiện nay cũng rất tốn kém thời gian, công sức của người thực hiện. Một tháng, chấp hành viên phải dành không ít thời gian cho công tác này, nhanh thì một ngày, chậm thì hai đến ba ngày. Chính vì vậy, mà hiện tại đang có khá nhiều phần mềm tự sáng chế nhằm phục vụ công tác báo cáo thống kê giúp giảm đi một phần nào đó khó nhọc cho người và đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, những phần mềm này vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của nhiệm vụ, vẫn còn những hạn chế nhất định và còn tản mạn, mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Vì vậy, theo chúng tôi, để giải quyết bớt những khó khăn cho người thực hiện báo cáo, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, hiệu quả, sát thực tế, rất cần một nghiên cứu sửa đổi toàn diện biểu mẫu báo cáo thống kê theo hướng xác lập phần mềm báo cáo thống kê gắn liền, tương thích với phần mềm kế toán thi hành để tránh và giảm bớt việc chênh lệch số liệu giữa báo cáo thống kê. Từ các bất hợp lý về mặt thống kê THADS nói trên, chúng tôi kính đề nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS nghiên cứu khắc phục tình trạng thống kê “ảo” khi thống kê đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án; tách các hoạt động của các cơ quan khác có liên quan đến hoạt động THADS (tổ chức bán đấu giá, Tòa án, Thanh tra, Kiểm tra...), không thống kê vào thời gian tổ chức thi hành án của Cơ quan THADS. Đồng thời, không thống kê thời gian tự nguyện thi hành án của đương sự vào thời gian tổ chức thi hành án của Cơ quan THADS.
Là những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực thi hành án dân sự, chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra những bất cập trong thống kê THADS hiện nay và kiến nghị các giải pháp khắc phục.
Rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý, trao đổi./.
Nguyễn Thị Tình - Thẩm tra viên Cục THADS tỉnh