Ngày 05/10/2018, chị Dương Thị Vân có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án đã ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 19/QĐ-CCTHADS ngày 08/10/2018 và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án, trong quá trình tổ chức Chấp hành viên đã tống đạt quyết định thi hành án lúc đầu người phải thi hành án từ chối không nhận quyết định, không hợp tác và có nhiều phản ứng kịch liệt không muốn giao con chung. Tuy nhiên, Chấp hành viên đã cùng với các ban ngành, đoàn thể địa phương, gia đình, người thân tích cực vận động, thuyết phục, phân tích rõ quyền và nghĩa vụ trong việc nuôi con chung của cả bố và mẹ thì anh Đoàn Văn Biền đã vui vẻ nhận quyết định thi hành án và có đơn đề nghị tự nguyện giao con trong thời gian tự nguyện. Do vậy, ngày 17/10/2018 Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã tiến hành giao cháu Đoàn Thùy Anh cho chị Dương Thị Vân trực tiếp nuôi dưỡng theo phán quyết của tòa án.
Xuất phát từ việc tổ chức thành công nhiều vụ việc thi hành án giao người chưa thành niên của Chi cục, cho thấy: Việc thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là một loại việc thi hành án rất khó khăn, phức tạp trong thực tiễn, tính chất khá nhạy cảm do có khả năng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người chưa thành niên, người đang nuôi dưỡng người thành niên... Do đó, để giải quyết loại việc này Chấp hành viên luôn đặt giải pháp vận động người phải thi hành án tự nguyện giao người chưa thành niên lên hàng đầu tránh làm xáo trộn tâm lý con trẻ. Vận động các bên cha, mẹ cần bình tĩnh giải quyết ổn thỏa với nhau để con của mình được lớn lên trong sự thương yêu của cả cha lẫn mẹ dù cho cả hai không còn chung sống với nhau, nên việc vận động, thuyết phục, phân tích để các bên tự nguyện là việc làm có ý nghĩa rất lớn.
Để đạt được việc các bên đương sự tự nguyện thi hành, thì:
Thứ nhất: Chấp hành viên cần tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ gia đình của đương sự, nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Toà án biết được các vấn đề liên quan đến đương sự để xác định thái độ của đương sự; quan hệ, đặc điểm về gia đình và hoàn cảnh của các bên, từ đó có kế hoạch vận động, đôn đốc, phân tích, thuyết phục, tác động tâm lý đến họ.
Thứ hai: Chấp hành viên cần tìm hiểu các mối quan hệ bên ngoài xã hội của người phải thi hành án đó là qua bản án, quyết định của Toà án hoặc các kênh thông tin khác nhau để nắm được các mối quan hệ giữa đương sự với người khác, qua đó chọn lọc và tác động đến những người đó để nhờ sự ảnh hưởng của họ đối với đương sự mà đạt được mục đích của mình
Thứ ba: Chấp hành viên cần tìm hiểu về điều kiện kinh tế và khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự, tìm hiểu, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án cho đương sự làm sao thuận lợi nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ, tránh tình trạng trước mắt đương sự chưa nhất trí cao để thi hành án nhưng Chấp hành viên cứ cứng nhắc cho rằng họ phải thực hiện ngay sẽ dẫn đến đương sự có tâm lý không "thiện cảm" đối với Chấp hành viên và việc giải quyết sẽ gặp khó khăn hơn.
Thứ tư: Chấp hành viên cần tìm hiểu các vấn đề khác có liên quan đến đương sự, tuỳ thuộc vào từng loại vụ việc, tính cách của từng đương sự, thu thập những thông tin phục vụ cho việc tác động của mình, đòi hỏi Chấp hành viên cần tinh ý, linh hoạt và khéo léo vận dụng cho phù hợp và hiệu quả. Chẳng hạn trong việc giao con trên thấy rằng các bên đương sự đều bất đồng về nhiều quan điểm, cách giải quyết, đều muốn dành quyền nuôi con thì Chấp hành viên phải vận động, phân tích mọi khía cạnh thuận lợi tốt nhất khi giao con cho ai có điều kiện, môi trường sinh hoạt và học tập tốt để tác động trực tiếp đến họ, sau đó giải thích cho họ một số quy định về việc không tự nguyện phải áp dụng theo Điều 120 của Luật Thi hành án dân sự “cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định” thì khả năng họ tự nguyện thi hành án chắc chắn sẽ cao hơn.
Theo Trần Minh Đức-Chi cục THADS huyện Vĩnh Bảo