Sign In

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ

08/07/2021

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THÀNH PHỐ
​Trong thời gian qua, công tác kiểm tra luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của hệ thống Thi hành án dân sự nói chung và của Cục Thi hành án dân sự thành phố nói riêng. Do đó, công tác kiểm tra luôn dành được sự quan tâm của lãnh đạo Cục, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra và đã đạt được những kết quả tích cực.
Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch công tác trọng tâm của Cục Thi hành án dân sự thành phố được Tổng cục thi hành án dân sự phê duyệt, Quyết định giao chỉ tiêu của Hệ thống, Kế hoạch kiểm tra năm của Tổng cục và căn cứ vào tình hình thực tiễn, Cục ban hành Kế hoạch kiểm tra năm đối với tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố. Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục trưởng quyết định kiểm tra đột xuất đối với vụ việc cụ thể, đơn vị cụ thể. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ của các đơn vị cũng được thực hiện thường xuyên, bài bản. Trong 5 năm qua, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã triển khai hiệu quả, nghiêm túc 02 Quy chế kiểm tra trong Hệ thống Thi hành án dân sự do Tổng cục ban hành; đã tiến hành kiểm tra 23 cuộc kiểm tra toàn diện, 76 cuộc kiểm tra chuyên đề (kiểm tra công tác nghiệp vụ 26 cuộc, kiểm tra công tác văn phòng 13 cuộc, kiểm tra công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 11 cuộc, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ 06 cuộc, kiểm tra công tác tài chính 20 cuộc), 03 cuộc kiểm tra đột xuất (02 cuộc kiểm tra về phân loại án và 01 cuộc kiểm tra hồ sơ thi hành án cụ thể) và 100% đơn vị tiến hành tự kiểm tra hàng năm. Cuối năm công tác, Cục Thi hành án có báo cáo tổng hợp các vi phạm, sai phạm sau kiểm tra và kiểm sát để quán triệt, rút kinh nghiệm, tránh phát sinh vi phạm tương tự, như tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chung đối với tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự của thành phố.
Về phương thức, cách thức kiểm tra cũng luôn được lãnh đạo Cục quan tâm, đổi mới để đảm bảo công tác kiểm được tiến hành thực chất, hiệu quả. Ngoài việc áp dụng đúng trình tự thủ tục được quy định tại Quy chế kiểm tra trong Hệ thống thi hành án dân sự thì cách thức tổ chức kiểm tra luôn được đổi mới như: Thành viên đoàn kiểm tra là lãnh đạo các Phòng chuyên môn, chấp hành viên phụ trách địa bàn để đảm bảo chất lượng kiểm tra, đồng thời qua công tác kiểm tra thành viên đoàn kiểm tra cũng nắm bắt được tình hình thực tiễn của đơn vị để phục vụ tốt hơn trong công tác tham mưu lãnh đạo Cục trong lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách; cách thức thực hiện việc kiểm tra được tiến hành khoa học, đảm bảo việc kiểm tra trong thời gian nhất định nhưng thu được kết quả cao nhất; kết hợp kiểm tra và hướng dẫn cán bộ trực tiếp làm công việc theo hướng “cầm tay chỉ việc” đối với những công việc mới, đơn vị còn lúng túng, qua kiểm tra còn phát hiện nhiều thiếu xót, vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm tra báo cáo lãnh đạo Cục tăng cường cán bộ chuyên môn xuống đơn vị để có hướng dẫn kịp thời những mảng, những công việc đơn vị còn thực hiện chưa tốt (như triển khai phần mềm, chữ ký số, văn thư, bảo quản kho vật chứng, công tác chính kế toán, hồ sơ thi hành án phức tạp,....). Năm 2020, 2021 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 có nhiều diễn biến phức tạp, để đảm bảo vừa thực hiện hoàn thành kế hoạch kiểm tra đề ra vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã mạnh dạn đổi mới trong cách thức tiến hành kiểm tra theo hướng hạn chế tiếp xúc, không tập trung đông người, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, trách nhiệm công tác tự kiểm tra của đơn vị được kiểm tra,...
Với sự quan tâm và không ngừng tìm tòi, mạnh dạn đổi mới, chất lượng công tác kiểm tra của Cục Thi hành án dân sự thành phố ngày được nâng cao, công tác kiểm tra ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng ngày một tốt hơn đòi hỏi ngày một cao của lãnh đạo Cục, của cấp trên. Công tác kiểm tra đã thực sự là một công cụ hữu hiệu của lãnh đạo Cục trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Qua công tác kiểm tra giúp lãnh đạo Cục đánh giá đúng tình hình, thực trạng công tác của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn toàn thành phố, đánh giá được những ưu điểm, nhược điểm, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trên cơ sở đó chỉ đạo và rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp khắc phục trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống. Thông qua kiểm tra kiến nghị hình thức biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những sai phạm, thiếu sót, những trường hợp cố ý vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án, không hoặc chậm khắc phục những sai sót, vi phạm đã có kết luận kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục, Cục và Chi cục. Từ các cuộc kiểm tra, đánh giá, đề xuất, kiến nghị nhằm sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; nhìn rõ ưu điểm, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công việc, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, giúp lãnh đạo Chi cục nắm chắc tình hình để thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm tra vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định như: Công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra có trường hợp chưa hợp lý về thời gian, dẫn đến việc đánh giá của công tác kiểm tra tại kỳ kiểm tra chưa đáp ứng kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hiệu quả; Công tác tự kiểm tra còn lúng túng về nội dung, cách thức thực hiện; cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chủ yếu là trưng dụng của các phòng chuyên môn; kỹ năng kiểm tra không đồng đều, dẫn đến một số thành viên còn chưa thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hạn chế; công tác "hậu kiểm" chưa được quan tâm đúng mức; công tác khen thưởng, kỷ luật trong công tác kiểm tra chưa được chú trọng.
Tồn tại, hạn chế trên do những nguyên nhân chủ yếu sau: Quy chế kiểm tra trong Hệ thống Thi hành án dân sự mới ban hành với nhiều đổi mới nên việc áp dụng khi chưa được tập huấn dẫn đến không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lúng túng, cách hiểu chưa thống nhất; chưa có tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm tra đối với các đoàn kiểm tra nói riêng, đối với công tác kiểm tra của từng địa phương nói riêng; một số Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự, Trưởng phòng chuyên môn vẫn còn chưa nhận thức đúng đầy đủ ý nghĩa tích cực, vai trò của công tác kiểm tra; trình độ, chuyên môn, kỹ năng của các công chức không đồng đều, trong khi đó, các Phòng chuyên môn đều nhiều việc, không phải lúc nào cũng cử được cán bộ có kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ tham gia Đoàn kiểm tra; một số trường hợp người được giao nhiệm vụ kiểm tra nhưng ý thức, trách nhiệm chưa cao, còn có tâm lý kiểm tra cho xong, thậm chí có hiện tượng nể nang, bao che, không chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm của đối tượng kiểm tra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác kiểm tra. Việc theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện Kết luận kiểm tra chưa được chú trọng dẫn đến các kết luận kiểm tra, chỉ đạo chưa được thực hiện nghiêm túc, các tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục. Chất lượng công tác tự kiểm tra của các Phòng chuyên môn thuộc Cục, các Chi cục còn nhiều hạn chế, nhất là kiểm tra việc tổ chức thi hành án của các Chấp hành viên vẫn còn mang tính hình thức, chưa bài bản, còn theo “chủ nghĩa kinh nghiệm” nên kém hiệu quả, đôi khi còn nể nang, không chỉ rõ khuyết điểm sai phạm và xử lý trách nhiệm. Kế hoạch kiểm tra của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn phụ thuộc vào Kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự dẫn đến việc tổ chức thực hiện kiểm tra của một số cơ quan Thi hành án dân sự có lúc chưa chủ động, phải điều chỉnh thời gian kiểm tra, điều này đã tác động đến thời gian, hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra.
Để tiếp tục đổi mới và tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra cần: Thường xuyên quán triệt sâu sắc vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra cho cán bộ, công chức, đặc biệt là Lãnh đạo các đơn vị và công chức thường xuyên làm công tác kiểm tra; xem xét, tăng cường, bổ sung đủ biên chế cho Phòng chuyên trách thực hiện công tác kiểm tra. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra. Tổng cục sớm tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác kiểm tra theo Quy chế kiểm tra trong Hệ thống Thi hành án dân sự để thống nhất thực hiện; có quy định cụ thể về công tác "hậu kiểm", theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận kiểm tra. Các đợt kiểm tra đều phải được tiến hành đợt phúc tra việc thực hiện kết luận kiểm tra để đánh giá việc khắc phục vi phạm và hiệu quả của công tác kiểm tra; quy định cụ thể về công tác khen thưởng, kỷ luật trong công tác kiểm tra để khen thưởng xứng đáng, kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng như xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra./.


Theo Đỗ Thị Thanh Thuỷ - Trưởng phòng KT & GQKNTC

Các tin đã đưa ngày: