Sign In

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ PHẢI LÀ NHIỆM VỤ CỦA CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

24/05/2022

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ PHẢI LÀ NHIỆM VỤ CỦA CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN
Thi hành án dân sự là một trong những khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân. Xuất phát từ ý nghĩa to lớn đó nên đã có quan điểm cho rằng: “Thi hành án dân sự phải là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân”. Có thể nhận thấy đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn
       1. Cơ sở lý giải quan điểm đúng đắn:
       Thứ nhất, Thi hành án dân sự (THADS) phải là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân do xuất phát từ đặc điểm của Nhà nước ta. Ở nước ta Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Thể chế chính trị ở nước ta bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị- xã hội. Do vậy, với vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội thì công tác THADS không chỉ là nhiệm vụ riêng của các chấp hành viên, thư ký thi hành án và công chức thi hành án mà còn là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân.
       Thứ hai, Cơ sở pháp lý của nhiệm vụ này được thể hiện rõ nhất tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền địa phương được quy định tại Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Điều 3 Nghị định 62/2015/NĐ- CP ngày 18/7/2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và 2019 (sửa đổi)... Trong đó Điều 11 Luật THADS đã quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS trong việc thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan THADS, Chấp hành viên theo quy định của Luật THADS. Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của cơ quan THADS, Chấp hành viên đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
       Thứ ba, THADS là hoạt động rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, cơ quan, tổ chức…và liên quan đến nhiều lĩnh vực, ban ngành nên cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực tiễn trong công tác THADS cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nói chung chính là sức mạnh tổng hợp to lớn để cơ quan THADS giải quyết việc thi hành án đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm được thời gian công sức và chi phí phát sinh không cần thiết trong quá trình thi hành án.
       2. Nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong THADS:
       * Đối với cấp ủy:
       Ban hành Chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động THADS tại địa phương; thực hiện công tác quản lý cán bộ, đảng viên, hiệp y trong bổ nhiệm lãnh đạo, quy hoạch lãnh đạo, quản lý của cơ quan THADS.
       * Đối với chính quyền địa phương:
       Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức phối hợp của các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong THADS; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh; cho ý kiến đối với báo cáo của cơ quan THADS cấp tỉnh trước khi trình HĐND cùng cấp; đề nghị cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp kiểm tra công tác THADS ở địa phương.
       UBND cấp huyện có các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 174 Luật THADS như chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong THADS; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện; đề nghị Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh kiểm tra công tác THADS ở địa phương; cho ý kiến đối với báo cáo của cơ quan THADS cấp huyện trước khi trình HĐND theo quy định của pháp luật.
       Tại Điều 175 của Luật THADS quy định UBND cấp xã có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan THADS trong hoạt động thi hành án dân sự. Cụ thể như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; cung cấp địa chỉ, tài liệu, điều kiện về thu nhập, tài sản của người phải thi hành án là công dân, tổ chức thuộc phạm vi địa phương mình quản lý cho cơ quan THADS; cử đại diện UBND cấp xã đến chứng kiến, tham gia cưỡng chế thi hành án hoặc huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với cơ quan công an để tham gia bảo vệ cưỡng chế THADS; xác nhận đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn hoặc đơn chứng minh những sự kiện khách quan làm cho người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn; tham gia xác minh điều kiện thi hành án; giúp cơ quan THADS thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai các văn bản, giấy tờ về thi hành án…
       Bên cạnh đó, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong THADS còn được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 62/NĐ- CP và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/ BTP- BCA- BTC- TANDTC- VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì trường hợp cần thiết, khi có đề nghị của Thủ trưởng Cơ quan THADS cùng cấp, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo THADS để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo quy định tại Khoản 6 Điều 14 và Khoản 6 Điều 16 Luật THADS; đề nghị Chủ tịch UBND và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác THADS; kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về THADS.
       HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Luật THADS thì công việc, nhiệm vụ của HĐND là giám sát hoạt động của cơ quan THADS và các cơ quan nhà nước khác trong THADS theo quy định của pháp luật.
Ngoài cấp ủy, chính quyền địa phương thì công tác thi hành án còn là nhiệm vụ của các đoàn thể nhân dân tham gia chứng kiến việc thi hành án, thông báo cho cơ quan THADS biết điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tham gia xác minh điều kiện thi hành án.
       Để hoạt động THADS đạt hiệu quả cao nhất các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình theo đúng chức năng, thẩm quyền đã được quy định tại các văn bản pháp luật. Cụ thể:
       Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan THADS các cấp; xác định công tác THADS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác THADS với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự ở từng địa phương; chỉ đạo kiện toàn về tổ chức; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý THADS cấp trên trong công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Các cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện chỉ đạo các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đưa công tác phối hợp trong thi hành án vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các ngành, các địa phương. Kịp thời khen thưởng những đơn vị, địa phương có thành tích tốt trong công tác phối hợp thi hành án. Đồng thời, phải nghiêm khắc phê bình kiểm điểm đối với đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp trong công tác THADS.
       Tăng cường công tác giám sát của HĐND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác THADS; chú trọng giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của chấp hành viên công chức và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác THADS, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ.
       Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ động phối hợp với Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật THADS đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, để mọi công dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác THADS, bảo đảm bản án có hiệu lực phải được chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định của pháp luật góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm.
       Nhà nước cần quy định chế độ bồi dưỡng đối với cá nhân, công chức trong cấp ủy, chính quyền địa phương khi tham gia phối hợp trong công tác THADS, nhằm động viên, thu hút sự quan tâm của tập thể, cá nhân vào công tác THADS, đồng thời xác định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan liên quan trong công tác THADS.


Theo Lê Thị Ngời- Chi cục THADS huyện An Dương

Các tin đã đưa ngày: