Đ/c Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu chỉ đạo |
Báo cáo kết quả thi hành án dân sự từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/6/2016 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cho thấy:
- Về việc: Tổng thụ lý 34.310 việc, tăng 2.838 việc (9%) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số cũ chuyển sang là 12.873 việc, số thụ lý mới là: 21.437 việc, tăng 1.309 việc (7%) so với năm 2015. Tổng số việc phải thi hành là: 33.544 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là: 25.484 việc (chiếm tỷ lệ 76%); số chưa có điều kiện thi hành là: 8.060 việc (chiếm tỷ lệ 24%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 15.101 việc, đạt tỷ lệ 59%, tăng 803 việc so với cùng kỳ năm 2015.
- Về tiền: Tổng số thụ lý là: 14.418.840.506.000 đồng, tăng 3.627.176.434.000 đồng (34%) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó số cũ chuyển sang là: 6.495.385.484.000 đồng, số thụ lý mới là: 7.923.455.021.000 đồng, tăng 546.584.350.000 đồng (7%) so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số tiền phải thi hành là: 12.710.908.690.000 đồng, trong đó số chưa có điều kiện thi hành là: 11.839.568.745.000 đồng (chiếm tỷ lệ 93%); số chưa có điều kiện thi hành là: 871.339.946.000 đồng (chiếm tỷ lệ 7%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong: 1.051.530.016 đồng, đạt tỷ lệ 9%, giảm 210.007.642.000 đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại buổi làm việc các đại biểu dự họp đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc, phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả thi hành án dân sự còn thấp, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể nhiệm vụ 02 tháng cuối năm 2016.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng ghi nhận Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội chuẩn bị báo cáo chi tiết, đầy đủ, toàn diện các mặt công tác, tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống thi hành án dân sự, khẳng định việc Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thi hành án tại Hà Nội. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội còn một số hạn chế nhất định trong công tác thi hành án như: kết quả thi hành án đến nay thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc, số việc chuyển kỳ sau tăng, nhiều vụ việc có giá trị lớn đang có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được, nhiều vụ việc kéo dài phức tạp chưa được tổng hợp, phân tích, đánh giá; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, tổ chức kiểm tra nhiều nhưng chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu; Hiệu quả thực hiện kết quả chỉ đạo theo thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục còn hạn chế. Tổng cục trưởng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tích cực tổ chức thi hành án các vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng; Chủ động xác minh điều kiện thi hành án, tích cực xử lý tài sản, vật chứng để đảm bảo tiến độ thi hành án. Tập trung, chủ động hỗ trợ đối với các đơn vị có số việc tăng đột biến, giá trị phải thi hành lớn, đặc biệt là các đơn vị có khả năng không hoàn thành chỉ tiêu thi hành án được giao. Lãnh đạo Cục cần trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc đối với một số đơn vị kết quả thi hành án đạt thấp, còn tồn tại, hạn chế, yếu kém nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các đơn vị thoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo các đơn vị và Chấp hành viên tập trung giải quyết hồ sơ thi hành án, nhất là những vụ việc có số tiền phải thi hành lớn; chủ động báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; tăng cường công tác phối hợp các ngành, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá đầy đủ những vụ việc phức tạp, kéo dài, phân công, phân nhiệm chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được để nâng cao hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành bằng được các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ Tư pháp giao cho Hà Nội, góp phần tích cực vào kết quả thi hành án chung của toàn hệ thống.
Lê Tùng