Sign In

Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát công tác thi hành án dân sự năm 2016 tại Cục Thi hành án dấn sự thành phố Hà Nội

09/11/2016

Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát công tác thi hành án dân sự năm 2016 tại Cục Thi hành án dấn sự thành phố Hà Nội
Sáng ngày 08/11/2016, Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội giám sát kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2016 tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế cùng các đồng chí thành viên Ban Pháp chế. Về phía Cục Thi hành án dân sự có đồng chí Lê Quang Tiến – Cục trưởng, các Phó Cục trưởng và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục.
Đ/c Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội

Theo báo cáo kết quả công tác năm 20169 của Cục Thi hành án dân sự, tổng số thụ lý là 39.614 việc, tăng 3.112 việc (9%) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số cũ chuyển sang là 12.873 việc, số thụ lý mới là 26.741 việc, tăng 1.583 việc (6%) so với năm 2015. Tổng số việc phải thi hành là: 38.402 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là: 29.783 việc (chiếm tỷ lệ 78%); số chưa có điều kiện thi hành là: 8.619 việc (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 22.656 việc, đạt tỷ lệ 76%, tăng 1.300 việc so với năm 2015 (so với chỉ tiêu được giao năm 2016, vượt 6%). Số việc chuyển kỳ sau là 15.746 việc, trong đó số việc có điều kiện chuyển sang kỳ sau là: 7.127 việc, tăng 2.714 việc (tăng 62%) so với số có điều kiện năm 2015 chuyển sang.

Về tiền, tổng số thụ lý là: 15.050.036.520.000 đồng, tăng  3.372.695.944.000 đồng (29%) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, số cũ chuyển sang là 6.495.385.483.000 đồng, số thụ lý mới là: 8.554.651.038.000 đồng, tăng  292.103.860.000 đồng (4%) so với năm 2015. Tổng số tiền phải thi hành là: 12.637.993.950.000 đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là: 10.564.241.779.000  đồng (chiếm tỷ lệ 84%); số chưa có điều kiện thi hành là: 2.073.752.171.000 đồng (chiếm tỷ lệ 16%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong  2.639.632.843.000 đồng, đạt tỷ lệ 25%, tăng  918.923.086.000 đồng so với năm 2015 (So với chỉ tiêu được giao năm 2016 còn thiếu 5%). Số tiền chuyển kỳ sau là  9.998.361.107.000 đồng, trong đó số tiền có điều kiện chuyển kỳ sau là: 7.924.608.936.000 đồng, tăng  1.892.274.454.000 đồng (31%) so với số có điều kiện năm 2015 chuyển sang.

 
Đ/c Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội

Đồng chí Cục trưởng Lê Quang Tiến làm rõ thêm một số nội dung về khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án; kết quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, việc thực hiện chế định Thừa phát lại; việc phân loại hồ sơ thi hành án chưa có điều kiện thi hành và ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành.

Kết thúc buuỏi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố biểu dương Cục Thi hành án dân sự đã chuẩn bị tốt báo cáo phục vụ công tác giám sát, báo cáo đầy đủ nội dung, kết quả thi hành án, phân tích và làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan của những tồn tại, hạn chế, đề ra nhiệm vụ và giải pháp công tác năm 2017. Đồng chí ghi nhận tập thể Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Thành phố đã đoàn kết, thống nhất, chú trọng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá với các biện pháp tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, giải quyết được nhiều vấn đề đạt hiệu quả. Qua đó, cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tập thể Lãnh đạo Cục ngày càng được nâng cao với những kết quả đạt được tiêu biểu, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

 
Về Phương hướng nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2017, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế lưu ý Cục Thi hành án dân sự  cần tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và Chính quyền địa phương; Tiếp tục phát huy công tác phối hợp liên ngành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Sở Tư pháp trong thi hành án dân sự, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác THADS trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thi hành bản án, quyết định dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Vì vậy, yêu cầu về trình tự thủ tục thi hành án rất chặt chẽ, hậu quả pháp lý rất nặng nề nếu để xảy ra sai phạm thiếu sót, Cục Thi hành án dân sự Thành phố cần chủ động làm tốt các tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ công chức thi hành án dân sự; tăng cường công tác giáo chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức để nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; Thực hiện thường xuyên việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu được giao đối với các đơn vị và Chấp hành viên; Tăng cường hoạt động kiểm tra công tác thi hành án nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, chú trọng công tác hậu kiểm việc khắc phục thiếu sót, vi phạm trong thi hành án dân sự.

Đối với các kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự, Ban Pháp chế ghi nhận và sẽ có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự./.

 
Kiều Oanh

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: