Hội nghị đã được nghe đồng chí Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục THADS Thành phố báo cáo tóm tắt kết quả công tác THADS, THAHC 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp công tác 06 tháng cuối năm 2019. Qua thống kê kết quả thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2019 (từ 01/10/2018 đến 30/3/2019) toàn thành phố Hà Nội đã thi hành xong về việc đạt tỷ lệ 49,61%, về tiền đạt tỷ lệ 8,39%; số việc tồn chuyển kỳ sau tăng 10,69% và số tiền chuyển kỳ sau tăng 31% (so với cùng kỳ năm 2018). Các đơn vị có tỷ lệ thi hành xong về việc cao: Ứng Hòa (73,33%); Ba Vì (72,97%); Về tiền: Hoàn Kiếm (37,50%), Thường Tín (31,06%).
Báo cáo cũng phân tích rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại như: trong 06 tháng đầu năm 2019, số việc, số tiền thụ lý tăng cao, tạo áp lực hoàn thành chỉ tiêu đối với các Chấp hành viên. Số lượng án tín dụng ngân hàng chiếm gần như toàn bộ về tiền phải thi hành (62%) trong khi biên chế cắt giảm; nhiều vụ việc giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua; việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, người được thi hành án nhận để trừ vào tiền được thi hành án hiện đang gặp nhiều khó khăn...
Sau phần báo cáo, Lãnh đạo Phòng thuộc Cục đã phổ biến 02 chuyên đề: (+) Các khó khăn, vướng mắc điển hình và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; (+) Một số tồn tại, thiếu sót phát hiện qua công tác kiếm tra và giải pháp khắc phục những vi phạm thiếu sót. Đồng thời, các đơn vị và Phó Cục trưởng cũng đã phát biểu thảo luận. Các ý kiến đã nêu những kết quả đạt được; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, đảm bảo hoàn thành kế hoạch công tác năm 2019.
Kết luận và chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt đầy đủ nội dung, tinh thần các văn bản đã được triển khai tại hội nghị; phổ biến, quán triệt đến toàn thể Chấp hành viên, công chức thi hành án thuộc đơn vị về những sai phạm, sai sót đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, cũng như về những vi phạm thường gặp ở đơn vị khác để các Chấp hành viên, công chức nắm được, tránh vi phạm tương tự lặp lại trên địa bàn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao. Đồng thời, có biện pháp giao chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền hàng tháng cho Chấp hành viên thuộc đơn vị quản lý; chỉ đạo Chấp hành viên thường xuyên rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, lập kế hoạch tổ chức thi hành án từng hồ sơ vụ việc, trong đó tập trung vào các vụ việc có giá trị thi hành lớn, việc thi hành án có điều kiện thi hành, có khả năng kết thúc được hồ sơ, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, các vụ việc có giá trị lớn, liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước, các vụ việc có tài sản thế chấp, bảo đảm… Thực hiện thường xuyên việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu được giao, trong đó cần gắn trách nhiệm cá nhân của từng Chấp hành viên, trách nhiệm của Chi cục trưởng, của Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án.
Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành (hiện còn 24.322 việc và 31.301 tỷ 560 triệu đồng). Các đơn vị cần tập trung rà soát, phân loại, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có biện pháp đôn đốc, xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Trường hợp vụ việc kéo dài do lỗi chủ quan của Chấp hành viên thì cần phê bình hoặc có thể thay thế Chấp hành viên khác. Những việc đang bán đấu giá tài sản phải tích cực, chủ động phối hợp tổ chức bán đấu giá đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với các vụ việc đã bán đấu giá tài sản nhưng chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hoặc trường hợp người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án, cần lập kế hoạch cụ thể, chi tiết, rõ thời gian thực hiện để tổ chức giao tài sản dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài dẫn đến khiếu nại, phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xử lý trách nhiệm của Chấp hành viên theo quy định của Luật THADS và Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Đối với các việc THA có tài sản nhưng không tự nguyện THA và phải kê biên, xử lý tài sản thì thực hiện ngay các thủ tục kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc chủ động báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và Ban chỉ đạo thi hành án hoặc đề xuất phối hợp tổ chức họp liên ngành thống nhất giải quyết.
Tập trung hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án hành chính. Tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trên địa bàn trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Bảo đảm việc theo dõi thi hành án đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ việc hành chính có hiệu lực pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính theo quy định.Thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra kết hợp với việc tăng cường kiểm tra đột xuất, thông báo kết quả kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trên địa bàn. Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án; giảm tối đa các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.
Với sự quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, yêu nghề của mỗi cán bộ, công chức, người lao động, các cơ quan THADS Hà Nội sẽ khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, ghi dấu ấn trong bức tranh kết quả thi đua trong công tác THADS toàn quốc./.
Nguyễn Văn Dụng