Theo đó, kỷ cương hành chính được tăng cường, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, công chức, người lao động được nâng lên. Kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần thẳng thắng nhìn nhận như: Kết quả thi hành án dân sự còn thấp; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều; công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự đem lại hiệu quả cao...Vì vậy cần phải có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng Ngành Thi hành án Thủ đô nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng phát triển, vững mạnh.
Đ/c Phạm Văn Dũng – Cục trưởng phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Lãnh đạo một số Chi cục tham dự Hội nghị phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng Ngành Thi hành án dân sự, trong đó chú trọng vào các mặt công tác: thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải sâu sát, quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bám sát từng lĩnh vực, địa bàn, vụ việc phụ trách; quan tâm chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hà Nội; nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; công tác tổ chức cán bộ cần được quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng của công chức trong đơn vị...
Một số đồng chí phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo, yêu cầu Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã phải coi công tác tổ chức cán bộ vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là giải pháp đột phá trong thời gian tới, trong đó quan tâm việc củng cố kiện toàn tổ chức các cơ quan THADS, kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đưa vào quy hoạch, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, trình độ. Tạo “liên thông”, “dòng chảy” trong công tác cán bộ giữa Cục với Chi cục, giữa các Chi cục để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ thông qua công tác luân chuyển, điều động, biệt phái; chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo công tâm, khách quan, thực chất, không cào bằng, từ đó tạo động lực lan tỏa thực sự tới từng công chức, người lao động….
Phạm Hồng Minh