Báo cáo Sơ kết 08 tháng thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội trong công tác thi hành án dân sự cho thấy việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp cơ bản đáp ứng yêu cầu, triển khai đúng phạm vi điều chỉnh, đúng đối tượng áp dụng, đạt được kết quả tích cực. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo quy chế thực hiện đúng nguyên tắc và phương thức phối hợp, không để xảy ra thiếu sót, vi phạm.
Đ/c Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhìn chung, qua 08 tháng triển khai tổ chức thực hiện Quy chế, kết quả đã phản ánh việc ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp bước đầu đạt được mục đích đề ra, đó là tăng cường trách nhiệm, mối liên hệ chặt chẽ hơn trong sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự nói chung và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng nói riêng, góp phần tạo điều kiện cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đạt hiệu quả, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội.
Đ/c Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Tình hình và kết quả thực hiện các việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng của các cơ quan thi hành án dân sự toàn thành phố Hà Nội trong 06 tháng (từ ngày 01/10/2015 đến 31/3/2016) cụ thể như sau:
- Các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc thành phố Hà Nội hiện đang thi hành các việc thi hành án dân sự liên quan đến 51 tổ chức tín dụng.
- Tổng số thụ lý việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng:
+ Số việc phải thi hành: 2.097 việc (chiếm 7,7% tổng số việc thụ lý thi hành án dân sự toàn thành phố).
+ Số tiền, giá trị phải thi hành: 8.707.795.361.000 đồng (chiếm 72,4% tổng số tiền thụ lý thi hành án dân sự toàn thành phố).
- Kết quả thực hiện:
+ Thi hành xong: 55 việc/465.861.828.000 đồng (đạt tỷ lệ 3% về việc và 6% vê tiền trên tổng số việc/tiền có điều điện thi hành).
+ Ủy thác: 11 việc/83.044.304.000 đồng.
+ Số chuyển kỳ sau: 2.031 việc/8.130.383.766.000 đồng.
- Tổng hợp kết quả báo cáo của các đơn vị, các Chấp hành viên cho thấy, trong thời gian qua, các TCTD trên địa bàn Hà Nội về cơ bản đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ, phối hợp hiệu quả trong việc cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án, trong việc thực hiện phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án theo quy định.
Đ/c Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự biểu dương những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng việc, giá trị phải thi hành liên quan đến án tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao và có tính phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Ngân hàng nhà nước và Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sự quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các lĩnh vực công tác của các cơ quan Thi hành án dân sự Thủ đô và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội, kết quả qua 08 tháng triển khai tổ chức thực hiện Quy chế đã phản ánh việc ban hành và thực hiện Quy chế bước đầu đã đạt được mục đích đề ra, đó là tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội trong thời gian qua.
Thay mặt Lãnh đạo hai ngành phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quang Tiến – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội nhấn mạnh trong thời gian tới để thực hiện tốt Quy chế phối hợp và nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội trong công tác thi hành án dân sự, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Các bên chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện ngay việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt tích cực và kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đồng bộ, chủ động và hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, các bên chủ động trao đổi, bàn bạc, phản ánh các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị kịp thời để sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến công tác thi hành án dân sự không còn phù hợp với thực tiễn. Tích cực phối hợp chỉ đạo trong việc trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chỉ đạo Ngân hàng, các TCTD cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện quy chế theo quy định, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp tổ chức thi hành án dân sự, nhất là đối với các việc thi hành án dân sự có liên quan đến các TCTD trên địa bàn.
Tổ chức họp giao ban định kỳ (vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm), hoặc đột xuất khi cần thiết theo Quy chế phối hợp đã ký kết để kịp thời nắm bắt, cập nhật tình hình và những vướng mắc cần phải tháo gỡ giải quyết, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác và nhiệm vụ được giao.
Từ tháng 6 năm 2016, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, kiểm tra, thống nhất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại trực tiếp tại các đơn vị về việc tổ chức thi hành án liên quan đến TCTD trên địa bàn nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, thống nhất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tập trung cao độ vào việc đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị và Chấp hành viên tổ chức tốt việc giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự nói chung và lấy trọng tâm là các việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng, việc thi hành án dân sự trọng điểm, bằng nhiều biện pháp và giải pháp phù hợp quy định của pháp luật, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác, góp phần tạo điều kiện cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hiệu quả, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp thực hiện Quy chế phối hợp, duy trì và tăng cường việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện tốt các quy định trong Quy chế phối hợp và các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các quy định khác có liên quan để phối hợp tích cực, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự và các Chấp hành viên trong việc xác minh, cung cấp thông tin tài khoản, điều kiện thi hành án, phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án và các hoạt động nghiệp vụ khác trong quá trình tổ chức thi hành án nhằm tập trung cao độ vào việc giải quyết các việc thi hành án liên quan đến TCTD, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế, xử lý dứt điểm nợ xấu của các TCTD trên địa bàn.
Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được thảo luận, làm rõ tại Hội nghị này được tháo gỡ, khắc phục kịp thời chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Quy chế phối hợp, góp phần tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kết quả tổ chức thi hành dân sự nói chung và kết quả tổ chức thi hành các việc thi hành án dân sự liên quan đến TCTD nói riêng trên địa bàn Hà Nội./.
Đàm Thị Kiều Oanh