Sign In

Một số khó khăn, vướng mắc trong thưc hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015

10/08/2015

1. Đối với việc hiểu và áp dụng Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014)
Khoản 3 Điều 47 quy định: “Trong trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật này.
1. Đối với việc hiểu và áp dụng Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014)
Khoản 3 Điều 47 quy định: “Trong trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật này.
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này”.
Hiện nay có vướng mắc trong việc thực hiện nội dung quy định nêu trên của Luật, cụ thể là:
         Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp và tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể nhưng các tài sản này không phải là tài sản của người phải thi hành án mà là tài sản thuộc sở hữu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tài sản của bên thứ ba, bên bảo lãnh) thì khi thu được tiền từ việc xử lý tài sản trên không thể trừ án phí của bản án, quyết định.
Lý do không trừ án phí của bản án, quyết định là vì bản án, quyết định tuyên buộc người phải thi hành án phải chịu án phí, không tuyên buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí, và trong quá trình tham gia ký kết hợp đồng bảo lãnh, cầm cố, thế chấp tài sản để bảo lãnh, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, người có tài sản thế chấp, bảo lãnh chỉ cam kết bảo đảm thực hiện thay nghĩa vụ cụ thể cho bên nhận thế chấp, bên được bảo lãnh trong giới hạn phạm vi thế chấp, bảo lãnh (khoản tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh trên nợ gốc) theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh, cầm cố, thế chấp tài sản, vì vậy họ không phải chịu khoản án phí thay cho người phải thi hành án.
Do vậy, rất cần Tổng cục Thi hành án dân chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 để việc thực hiện quy định này được thống nhất, hiệu quả và phù hợp thực tiễn.
2. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng khoản 1, khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014)
Khoản 1, khoản 5 Điều 115 quy định:
Điều 115. Cưỡng chế trả nhà, giao nhà
1. Trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì Chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà.
Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.
……………………………………………………………………………
5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.”
a/ Đối với khoản 1 Điều 115:
Việc tổ chức thi hành cưỡng chế trả nhà theo quy định tại khoản 1 Điều 115, trường hợp nhà ở phải trả là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án, thậm chí người phải thi hành án (hoặc người thân sống cùng nhà) là người già, người neo đơn, không nơi nương tựa, khi cưỡng chế trả nhà, họ không còn chỗ ở, không có khả năng thuê hoặc ở nhờ chỗ ở mới.
Điều luật trên không có quy định về điều kiện cưỡng chế mà chỉ quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì Chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà….
Trong trường hợp này, nếu tổ chức cưỡng chế theo luật định thì sẽ rất khó khăn cho người phải thi hành án và gia đình họ; chính quyền địa phương, cơ quan Công an và dư luận không đồng tình, không ủng hộ việc cưỡng chế người phải thi hành án và gia đình họ ra ngoài đường vì cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, về quyền chỗ ở của công dân…dẫn đến nhiều vụ bị kéo dài không tổ chức thi hành được. Trong các trường hợp này chính quyền địa phương thường yêu cầu cơ quan thi hành án phải liên hệ cho người phải thi hành án thuê hoặc mua nhà ở xã hội trước khi cưỡng chế (nhưng đa số các trường hợp phải trả nhà không thuộc trường hợp được thuê hoặc mua nhà ở xã hội) hoặc thuê nhà ở trên mức tối thiểu, đủ điều kiện ăn ở sinh hoạt cho người phải thi hành án và gia đình họ trong thời hạn 01 năm kể từ ngày cưỡng chế để có điều kiện cưỡng chế.
Tiền lệ áp dụng: Trước đây Phòng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (nay là Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội) đã có công văn số 06/THA ngày 05/3/2001 gửi Cục quản lý Thi hành án dân sự (nay là Tổng Cục Thi hành án dân sự) xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và đã được Cục quản lý Thi hành án dân sự trả lời, hướng dẫn nghiệp vụ bằng công văn số 124/TP-THA ngày 16/3/2001, theo đó, sau khi ra quyết định thi hành án theo quyết định của Bản án, nếu đương sự không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ việc cần yêu cầu người được thi hành án hỗ trợ, tạo điều kiện về nhà ở cho người phải thi hành án.
Để có cơ sở pháp lý cho việc cưỡng chế trả nhà rất cần Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ việc cưỡng chế trả nhà:
Điều kiện để cưỡng chế trả nhà là gì? Có nhất thiết phải liên hệ cho người phải thi hành án thuê hoặc mua nhà ở xã hội hoặc thuê nhà ở trên mức tối thiểu, đủ điều kiện ăn ở sinh hoạt cho người phải thi hành án và gia đình họ trong thời hạn 01 năm kể từ ngày cưỡng chế để có điều kiện cưỡng chế hay không ? hay thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của điều luật.
b/ Đối với khoản 5 Điều 115:
-  Khó khăn vướng mắc là trong trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm, nhưng người phải thi hành án không nhận tiền để đi thuê nhà, và họ không có nơi ở nào khác.
Điều luật cũng không quy định rõ việc “trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà”trích lại riêng cho người phải thi hành án thuê nhà hay cho cả gia đình và những người sống chung nhà với người phải thi hành án đủ thuê nhà trong thời hạn 01 năm; nếu chỉ trích lại riêng cho người phải thi hành án thì có thể chỉ thuê được nhà diện tích không đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt cho cả gia đình họ trong điều kiện tối thiểu, khi đó giải quyết như thế nào trong trường hợp những người sống chung nhà với người phải thi hành án không có nơi ở, không có nguồn thu nhập, không có tài sản để tạo lập nơi ở mới hoặc thuê nhà để ở.
Nếu tổ chức cưỡng chế thì trong các trường hợp trên người phải thi hành án (nhiều trường hợp là cả gia đình của người phải thi hành án, thậm chí là người già, trẻ em) sẽ rất khó khăn do không có nơi cư trú, Chấp hành viên và cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn vì người phải thi hành án và gia đình của họ không có chỗ ở, cản trở, chống đối việc thi hành án, chính quyền địa phương, cơ quan Công an và dư luận không đồng tình, có thể gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Một số quan điểm
+ Quan điểm thứ nhất: Thực hiện theo đúng quy định của điều luật.
Trường hợp cưỡng chế giao nhà đã kê biên bán đấu giá cho người mua: Trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật THADS, Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm.  Chấp hành viên sau khi thông báo cho người phải thi hành án nhận tiền hỗ trợ để thuê nơi ở mới theo quy định mà họ không nhận thì tiến hành việc cưỡng chế giao nhà theo quy định.
Nếu thực hiện theo quan điểm này không được sự đồng tình ủng hộ của liên ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan Công an vì cho rằng không đảm bảo về quyền chỗ ở của công dân, sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương khi cưỡng chế……
+ Quan điểm thứ hai:
 Theo tiền lệ đã được hướng dẫn nêu trên và thực tế vẫn vận dụng tại địa phương thời gian qua: Chấp hành viên đề nghị người được thi hành án hoặc người mua tài hoặc người mua tài sản kê biên hỗ trợ thuê chỗ ở theo quy định của điều luật cho người phải thi hành án và gia đình họ để có điều kiện cưỡng chế thi hành án. Kinh phí từ nguồn hỗ trợ của người được thi hành án hoặc từ nguồn được trích lại theo luật định để thực hiện việc thuê nhà cho người phải thi hành án và những người sống chung nhà, sau đó thực hiện cưỡng chế.
Khó khăn khi thực hiện quan điểm này là khi người được thi hành án, người mua tài sản không hỗ trợ thì có phải thuê nhà để có điều kiện cưỡng chế hay không? Ai là người đứng ra đi thuê nhà? Nếu Chấp hành viên đứng ra đi thuê nhà sẽ bị dính vào vụ kiện khác (trở thành bị đơn) nếu hết thời gian 01 năm từ ngày cưỡng chế mà người phải thi hành án không trả nhà do Chấp hành viên thuê khi cưỡng chế.
Để đảm bảo việc thi hành án đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các ngành và dư luận xã hội, bảo đảm duy trì sự ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, rất cần Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như nêu trên trong việc áp dụng, thực hiện khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự.
Chu Quang Tiến

Các tin đã đưa ngày: