“1. Thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.
2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a, Theo thỏa thuận của các đương sự:
b. Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
c. Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự vẫn giữ nguyên quy định như trên.
Trước đây biện pháp biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án không được áp dụng nhiều Nguyên nhân do trước đây gặp khó khăn vì chưa có sự phối hợp thống nhất của cơ quan Bảo hiểm xã hội; một số cơ quan Bảo hiểm xã hội (cấp huyện) chưa thực hiện việc khấu trừ thu nhập của Chấp hành viên do chưa được tập huấn các nội dung của Luật Thi hành án dân sự, mặt khác Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Hiện nay biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được các Chấp hành viên áp dụng nhiều hơn, là một trong những biện pháp hiệu quả để thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Nhất là sau khi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự đã tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho Chấp hành viên trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, các Chấp hành viên cần chú ý một số vấn đề sau:
1) Các thu nhập của người phải thi hành án có thể bị cưỡng chế trừ vào thu nhập
- Tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động;
- Thu nhập hợp pháp khác.
Thực tế một số Chấp hành viên lúng túng trong việc xác định thế nào là “thu nhập hợp pháp khác” .
Hiện nay do chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết thi hành Điều luật này vì vậy chúng ta có thể áp dụng các quy định khác của pháp luật để xác định thu nhập hợp pháp như theo quy định tại Điều 9 Nghị 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng là: khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật…
2) Khi nào Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án đúng quy định phải đảm bảo đủ hai điều kiện: người phải thi hành án có thu nhập thuộc trường hợp có thể bị cưỡng chế tại khoản 1 Điều 78 và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78. Theo đó có các trường hợp sau:
1. Các bên đương sự có thỏa thuận về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án. (điểm a)
2. Bản án, quyết định của Tòa án có tuyên ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. (điểm b)
3. Thi hành án cấp dưỡng. (điểm c)
4. Thi hành án theo định kỳ. (điểm c)
5. Khoản tiền phải thi hành án không lớn. (điểm c)
6. Tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án. (điểm c)
Quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 78 đã rõ ràng, dễ áp dụng, tuy nhiên đối với bốn trường hợp nêu tại điểm c khoản 2 Điều 78, chúng ta cần lưu ý:
- Trường hợp thi hành án cấp dưỡng và thi hành án theo định kỳ được hiểu là thi hành án đều, Tòa tuyên ấn định cho đương sự các khoảng thời gian theo định kỳ mới phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ đúng theo định kỳ bản án tuyên thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ứng với nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nghĩa vụ thanh toán đối với định kỳ đó.
- Trường hợp tài sản khác của người phải thi hành án không đủ đề thi hành án được hiểu là ngoài khoản thu nhập có thể bị cưỡng chế trừ vào thu nhập, người phải thi hành án còn có tài sản khác nhưng tài sản này không đủ để thi hành án.
- Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong trường hợp khoản tiền phải thi hành án không lớn là một quy định chưa cụ thể, rõ ràng và khó áp dụng trong thực tế. Bởi lý do quy định như trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau:
Quan điểm thứ nhất, “khoản tiền phải thi hành án không lớn” hiểu theo nghĩa đơn thuần là số tiền không lớn, có thể thi hành xong khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (có thể là sau 1 lần hoặc 1 số lần áp dụng). Trường hợp này sau khi xác minh được thu nhập của người phải thi hành án, Chấp hành viên không cần phải xác minh, xử lý các tài sản khác (nếu có) của người phải thi hành án mà áp dụng luôn biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập.
Ví dụ 1: Ông A phải thanh toán trả bà B 3 triệu đồng, qua xác minh thấy ông thu nhập tiền lương 5 triệu đồng/tháng. Trường hợp này chỉ sau 6 lần cưỡng chế trừ vào thu nhập của ông A là sẽ thi hành xong (mức cao nhất được trừ theo khoản 3 Điều 78 là 30% của 5 triệu đồng = 1.500.000 đồng/1 tháng. Do vậy Chấp hành viên cần phải tiến hành xác minh, xử lý các tài sản khác của ông A mà áp dụng luôn biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
Quan điểm thứ hai, “khoản tiền phải thi hành án không lớn” hiểu là ngoài khoản thu nhập có thể bị cưỡng chế trừ vào thu nhập người phải còn có tài sản khác đủ để thi hành án nhưng so với giá trị tài sản này thì khoản tiền phải thi hành án là không lớn.
Ví dụ 2: Ông A phải thanh toán trả bà B 90.000.000 đồng; qua xác minh cho thấy ông A có tài sản là nhà, đất trị giá 4 tỷ đồng và ông A có thu nhập 5.000.000 đồng/1 tháng. Trường hợp này có thể coi khoản phải thi hành án 80 triệu đồng là không lớn so với tài sản nhà đất có giá trị 3 tỷ đồng, Chấp hành viên áp dụng điểm c khoản 2 Điều 78 để cưỡng chế trừ vào thu nhập của ông A.
Quan điểm của người viết bài là đồng ý kiến với quan điểm thứ nhất bởi hiểu theo quan điểm thứ hai là không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, dẫn đến tình trạng hồ sơ thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành nhưng tồn đọng kéo dài nhiều năm vì có nhiều trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập rất nhiều lần vẫn chưa thi hành án xong. Như ở ví dụ 2, mức cao nhất được trừ vào thu nhập của ông A là 30% x 5.000.000 đồng = 1.500.000 đồng. Như vậy phải cưỡng chế trừ vào thu nhập 60 lần (tương đương 60 tháng) mới thi hành xong.
Mặt khác hiểu theo quan điểm này phần nào có mâu thuẫn với các quy định khác của Luật Thi hành án dân sự về áp dụng biện pháp cưỡng chế. Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định 6 biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên phải xem xét quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế nào cho phù hợp. Ở ví dụ 2, Chấp hành viên hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê tài sản nhà, đất của ông A để thi hành dứt điểm vụ việc. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập là không đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, có thể coi là có lợi cho người phải thi hành án, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất sẽ đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, có thể coi là bất lợi cho người phải thi hành án. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên, điều này sẽ dễ dẫn đến phản ứng, khiếu nại của đương sự.
Bên cạnh đó, nếu hiểu theo “khoản phải thi hành án không lớn” so với giá trị tài sản của người phải thi hành án là theo tỷ lệ bằng bao nhiêu? 1/20, 1/30 hay 1/50…? Chấp hành viên cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản của người phải thi hành án.
Hiểu theo quan điểm của thứ nhất thì sẽ hợp lý hơn và phù hợp với các quy định khác của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên trong thời gian tới cần thiết phải có hướng dẫn thi hành cụ thể về định lượng “khoản tiền phải thi hành án không lớn”, ví dụ: Bằng bao nhiêu lần tháng lương tối thiểu….
3) Việc thi hành Quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
Một vấn đề các Chấp hành viên cần chú ý đó là việc ban hành Quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án dân sự phải theo mẫu số B21-THA, Phụ lục II Danh mục biểu mẫu quyết định của Cục Thi hành án dân sự Ban hành kèm theo khoản 1 Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tư pháp, ngoài ra theo Điều 11 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014, Quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án còn phải ghi rõ số tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự nhận tiền bị khấu trừ và thời hạn thực hiện việc khấu trừ. Chấp hành viên giao trực tiếp quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án cho người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi đang quản lý tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án dân sự hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao hồ sơ khấu trừ vào thu nhập.
Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Trường hợp người nhận quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng.
Khi nhận được quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi đang quản lý tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án dân sự phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định trừ vào thu nhập.
Trường hợp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án dân sự thông qua Bảo hiểm xã hội thì người phải thi hành án dân sự có trách nhiệm ký nhận vào danh sách chi trả lương hưu hoặc tiền trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Trường hợp người phải thi hành án dân sự cố tình không ký vào biểu mẫu đã quy định thì cần lập biên bản và Chấp hành viên ký thay đương sự đối với số tiền khấu trừ để nhận số tiền khấu trừ đó và chuyển biên lai thu tiền thi hành án cho cơ quan trừ vào thu nhập làm thủ tục quyết toán.
Trên đây là một vài ý kiến, trao đổi về biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Tác giả mong muốn nhận được nhiều ý kiến của quý đồng nghiệp nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động thi hành án dân sự./.
Đặng Anh Phi