Sign In

Cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là giấy tờ có giá

05/09/2016

Điều 71 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định 6 biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Trong đó có biện pháp: “Cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án”. Đây là biện pháp cưỡng chế đầu tiên và dễ thực hiện nhất trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Biện pháp này hiện đã và đang được các cơ quan thi hành án áp dụng rất hiệu quả trong thực tiễn.  
Ngoài các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là tiền, Luật thi hành án dân sự còn quy định các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển của xã hội. Hiện nay, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền sở hữu đối với tài sản là các loại giấy tờ có giá như: Tín phiếu, trái phiếu, cổ phiếu … Đây không phải là tiền nhưng có giá trị quy đổi thành tiền nên có giá trị thi hành án, hơn nữa, có một số loại giấy tờ có giá đạt giá trị rất lớn so với thời điểm ban đầu cá nhân, tổ chức sở hữu nó như cổ phiếu.

Tại mục 4 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định  về cưỡng chế đối với tài sản là giấy tờ có giá. Các quy định trên đã quy định tương đối chi tiết về trình tự, thủ tục  thu giữ giấy tờ có giá, bán giấy tờ có giá. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định trên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất: Xác định khái niệm về giấy tờ có giá

Để áp dụng biện pháp: “Cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án” đạt hiệu quả, Chấp hành viên phải nắm vững các quy định của pháp luật thi hành án đồng thời cần nghiên cứu những quy định của pháp luật về lĩnh vực tài khoản, giấy tờ có giá. Trong khi đó kiến thức của chấp hành viên thi hành án về các loại giấy tờ có giá rất hạn chế, thậm chí có nhiều chấp hành viên còn hiểu sai khái niệm về các loại giấy tờ có giá dẫn đến khó khăn khi áp dụng quy định của pháp luật.

Để xác định được các loại giấy tờ có giá của người phải thi hành án Chấp hành viên cần nắm được các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan như: Quyết định số 11/QĐ-NHNN ngày 06/01/2010 do Ngân hàng nhà nước ban hành quy định về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng nhà nước; Luật chứng khoán năm 2006, Quyết định số: 1022/2004/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế lưu ký giấy tờ có giá tại ngân hàng nhà nước…

Theo điểm 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Theo Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định:

“ Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá bao gồm:

- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

- Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

- Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009;

- Các loại chứng khoán (Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại điểm 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010;

- Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, các loại giấy tờ có giá rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi chấp hành viên phải có những hiểu biết nhất định thì mới có thể hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định pháp luật.

Thứ hai: Xác minh giấy tờ có giá

Trong việc xác minh tiền, giấy tờ có giá đang do người phải thi hành án hoặc người thứ ba giữ, Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn khi xác minh bởi phải xác định được giấy tờ có giá là loại gì, giá trị bao nhiêu, nguồn gốc của tài sản….trong khi rất khó để biết được các thông tin về loại giấy tờ có giá, cơ quan quản lý giấy tờ có giá, công ty ban hành cổ phiếu, trái phiếu…đặc biệt là hiện nay có hàng trăm công ty phát hành và niêm yết chứng khoán trên thị trường . Bên cạnh đó còn các khó khăn khác như việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý tài sản là giấy tờ có giá…đối với chấp hành viên vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời và hiệu quả.

Thứ ba: việc bán giấy tờ có giá

Theo điều 83 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về bán giấy tờ có giá: “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Nhưng thực tế thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc bán giấy tờ có giá để đảm bảo thi hành án, tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự  cũng không có quy định về vấn đề này. Do vậy cần quy định cụ thể việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hay văn bản pháp luật chuyên ngành nào để thực hiện cho đúng

*Đề xuất, kiến nghị:

- Thực tế hiện nay, các loại giấy tờ có giá rất phong phú về chủng loại và ngày càng trở nên phổ biến; do đó cần tập huấn thêm cho các chấp hành viên các kiến thức về các loại giấy tờ có giá, cách khai thác thông tin từ các tổ chức cá nhân nắm giữ các loại giấy tờ có giá như cổ phiếu, hối phiếu….để chấp hành viên hiểu rõ hơn nữa khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

 -Biện pháp Cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án liên quan đến cơ quan, tổ chức quản lý tài khoản và tài sản là tiền, các loại giấy tờ có giá của người phải thi hành án do đó quan hệ phối kết hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan quản lý các tài sản nói trên là rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần quy định các chế tài cụ thể và đủ mạnh về việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cũng như phối hợp với cơ quan thi hành án trong hoạt động thi hành án.

-Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật thi hành án về biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý giấy tờ có giá của người phải thi hành án, đặc biệt là quy định về bán các loại giấy tờ có giá để triển khai áp dụng trong thời gian tới.
 
Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: