Luật TNBTCNN năm 2017 tiếp tục quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong nhiều lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Thi hành án dân sự (THADS) là một trong những lĩnh vực phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước nếu thuộc một trong các trường hợp phải bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Trong bối cảnh Luật TNBTCNN năm 2017 sắp có hiệu lực, việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định mới của Luật TNBTNN năm 2017 là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu phân tích những nội dung cơ bản về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ nhất: Về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
Điều 10 Luật THADS quy định: Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 39 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS bao gồm:
- Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự.
- Cơ quan Thi hành án quân khu và tương đương.
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật TNBTCNN năm 2017 thì “Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng”. Do đó cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự là Cục THADS và Chi cục THADS nơi trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Thứ hai: Thời hiệu yêu cầu bồi thường
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan[1]. Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau:
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật TNBTCNN năm 2017 nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật TNBTCNN năm 2017 (thuộc trường hợp người yêu cầu bồi thường thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án) và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:
- Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật TNBTCNN năm 2017 không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;
- Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.
- Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật TNBTNN năm 2017.
Như vậy, thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Thứ ba: Căn cứ yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Trong hoạt động THADS, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường được quy định tại Điều 12 của Luật TNBTCNN năm 2017, bao gồm:
- Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
- Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại;
- Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật;
- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;
- Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
- Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ tư: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 165 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của Chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 21 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS gồm 07 nhóm quyết định về thi hành án. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật: Thi hành án; Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; Cưỡng chế thi hành án; Hoãn thi hành án; Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; Tiếp tục thi hành án;
Trường hợp 2: Tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật TNBTCNN năm 2017 trái pháp luật (gồm 7 nhóm quyết định nêu trên).
Thứ năm: Thiệt hại được bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực THADS được thực hiện theo những quy định chung tại Chương III của Luật TNBTCNN năm 2017, tuy nhiên trong quá trình giải quyết bồi thường các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường cần lưu ý một số nội dung sau đây:
Một là: Việc trả lại tài sản.
Khoản 1 Điều 30 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định: Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật TNBTCNN năm 2017 thì việc trả lại tài sản bị kê biên trái pháp luật trong hoạt động THADS được thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS.
Hai là: Về các thiệt hại Nhà nước không bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự :
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật TNBTCNN năm 2017, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
- Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 của Luật TNBTCNN năm 2017.
Ngoài ra, trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của đương sự, theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật THADS thì Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Khoản 4 Điều 32 Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định: Ngoài các thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật TNBTCNN năm 2017, trong hoạt động THADS, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về THADS[2].
Thứ sáu: Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường
Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực THADS được thực hiện theo quy định tại chương V Luật TNBTNN năm 2017 gồm 19 Điều ( từ Điều 41 đến Điều 59).Trình tự thủ tục bồi thường nhà nước trong lĩnh vực THADS được thực hiện cụ thể theo các bước sau: Một là: Tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu giải quyết bồi thường( được quy định cụ thể tại Điều 41, Điều 42 Luật TNBTCNN năm 2017; Hai là: Tạm ứng kinh phí bồi thường(Điều 44 ); Ba là: Xác minh thiệt hại (Điều 45 ); Bốn là: Thương lượng việc bồi thường (Điều 46); Năm là: Quyết định giải quyết bồi thường( Điều 47 Luật TNBTCNN năm 2017)
Thứ bảy: Về kinh phí bồi thường và thủ tục hoàn trả
Trên nguyên tắc việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; việc cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể về kinh phí bồi thường; lập dự toán kinh phí bồi thường; cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả kinh phí bồi thường cũng như quyết toán kinh phí bồi thường tại chương VI Luật TNBTCNN năm 2017[3].
Thứ tám: Về trách nhiệm hoàn trả
Trách nhiệm hoàn trả được quy định cụ thể tại chương VII Luật TNBTCNN năm 2017, cụ thể như sau:
Một là, nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ, được quy định tại Điều 64 Luật TNBTCNN năm 2017 như sau:
- Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
- Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
Hai là, xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả
Trên cơ sở kế thừa những quy định có tính nguyên tắc trước đây của Luật TNBTCNN năm 2009, từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 65 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung mới và quy định cụ thể, rõ ràng hơn về mức hoàn trả và giảm mức hoàn trả.
Căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: Mức độ lỗi của người thi hành công vụ; Số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả được xác định như sau:
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại;
- Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương quy định tại điểm b khoản này hoặc thấp hơn 03 tháng lương quy định tại điểm c khoản này thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN năm 2017 nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Người thi hành công vụ được giảm mức hoàn trả khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ động khắc phục hậu quả;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và đã hoàn trả được ít nhất 50% số tiền phải hoàn trả;
-Người thi hành công vụ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại quyết định giảm mức hoàn trả nhưng tối đa là 30% trên tổng số tiền phải hoàn trả.
Để thực hiện tốt công tác THADS góp phần thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp, đồng thời hạn chế tới mức tối đa những vi phạm thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực THADS thì việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017 , bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Luật TNBTCNN ngay khi luật có hiệu lực là yêu cầu cấp thiết đối với người làm công tác THADS nói riêng và những người làm công tác pháp luật nói chung./.
Đồng tác giả: Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa –Quang Minh
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
[1] Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015