Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác thi hành án gặp khó khăn, án tồn đọng, kết quả thấp là xuất phát từ những khó khăn trong việc thi hành các vụ “đại án” hình sự kinh tế tham nhũng lớn, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Mặc dù đây là loại việc thi hành án dân sự mang tính thời sự “nóng”, được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ Lãnh đạo các cấp và dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm; nhưng đồng thời, đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” của công tác thi hành án dân sự.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc này, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng khó khăn trong xác minh tài sản, điều kiện của người phải thi hành án, nhiều trường hợp qua xác minh người phải thi hành án không có tài sản, không có điều kiện thi hành án, hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành.
Điển hình như vụ việc thi hành Bản án hình sự sơ thẩm ngày 07/01/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 27/12/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đối với Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Nam Hà Nội cùng các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, với tổng giá trị phải thi hành nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay, cơ quan thi hành án mới chỉ thi hành được một khoản rất nhỏ, còn lại hầu hết các khoản còn phải thi hành đều chưa có điều kiện thi hành, đặc biệt riêng cá nhân Phạm Thị Bích Lương tù không tài sản, khoản còn phải thi hành hàng nghìn tỷ đồng cũng không có điều kiện thi hành; và đối với cá nhân Đỗ Tiến Long khoản phải thi hành hàng chục tỷ đồng phải đình chỉ do đối tượng này chết không để lại di sản thừa kế.
Hoặc vụ án Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương) đối với các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Hứa Thị Phấn và các bị cáo khác theo Bản án hình sự phúc thẩm ngày 04/5/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tổng giá trị phải thi hành cũng hàng nghìn đồng. Việc xác minh tài sản và xử lý tài sản là cổ phiếu đã phong tỏa từ giai đoạn tố tụng cũng đang gặp khó khăn vì chưa xác định rõ được là tài sản chung hay tài sản riêng; đồng thời pháp luật quy định chưa rõ về trình tự, thủ tục xử lý, bán tài sản là cổ phiếu để thi hành án.
Hoặc vụ án Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVN liên quan việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng TMCP Đại Dương theo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/3/2108 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 26/6/2018 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tổng giá trị khoản phải thi hành hàng trăm tỷ đồng, trong đó riêng cá nhân ông Đinh La Thăng phải bồi thường số tiền chiếm phần lớn giá trị khoản phải thi hành án và tiền án phí ông Thăng phải nộp cũng rất lớn, hàng trăm triệu đồng. Nhưng qua xác minh ban đầu về điều kiện thi hành án, ông Thăng và gia đình có tài sản là một căn hộ chung cư.
Hoặc trong vụ án Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và các bị cáo khác phạm tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinashinelines, theo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 22/02/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 18/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tổng giá trị khoản phải thi hành hàng trăm tỷ đồng. Trong vụ việc này, bản án tuyên xử lý đối với nhiều tài sản nhà, đất, bất động sản tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác bị kê biên trong giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án, tòa án và cơ quan tố tụng liên quan đã không kịp thời bàn giao Lệnh kê biên, hồ sơ, tài liệu liên quan đến kê biên tài sản nên cơ quan thi hành án sau khi thụ lý, chưa có đủ cơ sở để tiến hành xử lý tài sản đã kê biên dẫn đến chậm tổ chức thi hành án. Khi rà soát hồ sơ, kiểm tra sơ bộ hiện trạng tài sản tại Hà Nội cho thấy bản án tuyên còn nhiều nội dung thiếu sót, chưa rõ và cơ quan thi hành án đã có công văn đề nghị Tòa án giải thích, đính chính bản án nhưng kết quả phối hợp, trả lời còn chậm, việc thi hành án bị kéo dài. Mặt khác, luật hiện hành quy định chỉ được ủy thác sau khi đã xử lý xong tài sản, theo đó, trong vụ việc này, nếu phải thực hiện thủ tục xử lý xong các bất động sản tại Hà Nội mới ủy thác tới các tỉnh, thành phố khác để tiếp tục thi hành án sẽ là một sự bất cập, gây chậm trễ, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án và có thể ảnh hưởng tới tài sản bị xử lý.
Để công tác thi hành án đối với riêng các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng lớn đạt hiệu quả, từ thực tiễn công tác, xin nêu và đề xuất một số ý kiến mang tính giải pháp như sau:
Thứ nhất, đề nghị Lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa sự quan tâm, sát sao chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và chính quyền địa phương, kịp thời có những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ các vướng mắc, những tồn tại, hạn chế để cơ quan thi hành án dân sự có cơ sở, phương hướng và giải pháp hiệu quả trong tổ chức thi hành án.
Thứ hai, nhận định trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục tổ chức thi hành các bản án của các vụ “đại án” khác, do đó, ngay từ giai đoạn xét xử, Lãnh đạo Cục THADS TP.Hà Nội sớm đưa ra những dự báo và định hình kế hoạch để có sự chủ động trước và khi có bản án, quyết định của Tòa án, Lãnh đạo Cục chỉ đạo tập trung thụ lý, ra quyết định thi hành án kịp thời, giao cho Chấp hành viên có kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp để tổ chức thi hành hiệu quả.
Thứ ba, trong quá trình tổ chức thi hành, Lãnh đạo Cục tiếp tục tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, yêu cầu Chấp hành viên xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng hồ sơ vụ việc này, báo cáo Lãnh đạo đơn vị phê duyệt kế hoạch; hàng tuần, hàng tháng thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thi hành của từng vụ việc để Lãnh đạo Cục nắm bắt, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có phương án tổ chức thi hành hiệu quả./.
Người viết: Lê Văn Tập – Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án.