Sign In

Hoàn thiện quy định về kết thúc việc thi hành án

08/03/2019

Mỗi một quyết định thi hành án là một việc thi hành án. Điều 52 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) đã quy định rõ về các trường hợp kết thúc việc thi hành án. Theo đó, việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau: Có xác nhận của cơ quan Thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình; Có quyết định đình chỉ thi hành án.
Khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự quy định “việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự”. Quy định này chưa thực sự hợp lý bởi vì theo Điều 53 Luật Thi hành án dân sự, thì việc xác nhận kết quả thi hành án được thực hiện theo yêu cầu của đương sự. Trong thực tiễn không phải trường hợp nào đương sự cũng có yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án. Việc xác nhận kết quả thi hành án về cơ bản thường chỉ liên quan đến việc đương sự có nhu cầu xin xác nhận chứ không áp dụng cho tất cả các trường hợp thi hành án, do đó cần sửa đổi quy định trên theo hướng: Việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình.
 Đối với căn cứ đình chỉ thi hành án, Điều 50 Luật Thi hành án dân sự đã quy định rất cụ thể về các căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án. Cụ thể đó là các trường hợp: Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế; Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật Thi hành án dân sự; Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác; Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án; Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án; Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên.
Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án thì quyết định đó sẽ làm chấm dứt hoàn toàn quyền của người được thi hành án và nghĩa vụ của người phải thi hành án, việc thi hành án đương nhiên kết thúc.
Quy định về việc kết thúc thi hành án của Luật Thi hành án dân sự cũng phù hợp với quy định về chấm dứt nghĩa vụ được quy định tại Điều 372 Bộ Luật dân sự năm 2015 về căn cứ chấm dứt nghĩa vụ. Theo đó, nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau: Nghĩa vụ được hoàn thành; Theo thỏa thuận của các bên; Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ; Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác; Nghĩa vụ được bù trừ; Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết; Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác; Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác; Trường hợp khác do luật quy định.
Tuy nhiên, ngoài các nội dung thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự và Bộ Luật dân sự năm 2015 về vấn đề chấm dứt nghĩa vụ thì Điều 372 Bộ Luật dân sự năm 2015 còn quy định các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ gồm“Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một”;“Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”.
 Đối với trường hợp“Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn” thì Luật Thi hành án dân sự quy định là một trong những căn cứ xác định việc chưa có điều kiện thi hành án (theo điểm b Điều 44a Luật Thi hành án dân sự). Đây là một vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn, có ý kiến cho rằng: tại thời điểm thi hành án, vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ đã không còn tồn tại hoặc đã bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác thì đã xác định được khả năng để thi hành nghĩa vụ đó trên thực tế không còn, nếu đưa vụ việc vào diện chưa có điều kiện thi hành án sẽ làm tăng lượng án tồn đọng, không phù hợp với thực tế. Do đó, đa số quan điểm đề xuất xem xét bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án và bổ sung nội dung quy định này tại khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thành căn cứ đình chỉ thi hành án để phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, đồng thời góp phần giải quyết dứt điểm một số hồ sơ thi hành án còn tồn đọng.
Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên

Các tin đã đưa ngày: