Sign In

Bàn về vấn đề “Người chứng kiến”, “Người làm chứng” trong thi hành án dân sự

15/12/2020

“Người chứng kiến”, “Người làm chứng” là chủ thể quan trọng được nhắc đến trong các quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, nhiều trường hợp là thành phần không thể thiếu giúp cho quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự của Chấp hành viên được tiến hành một cách khách quan, đúng thủ tục pháp luật. Tuy nhiên hiện nay từ cơ sở lý luận đến thực tiễn, liên quan đến vấn đề “Người chứng kiến”, “Người làm chứng” trong thi hành án dân sự vẫn còn có nhiều vướng mắc, khó khăn.
 
1. Về cơ sở lý luận:
Luật Thi hành án dân sự có đưa ra hai khái niệm “Người chứng kiến” và “Người làm chứng” tại một số Điều luật cụ thể:
- Khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân: Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.
- Khoản 2 Điều 42 Luật Thi hành án dân sự về Niêm yết công khai: Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;
b) Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.
- Khoản 3 Điều 58 Luật Thi hành án dân sựvề bảo quản tài sản thi hành án: Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
- Khoản 3 Điều 68 Luật Thi hành án dân sựvề tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự: Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.
- Điều 88 Luật Thi hành án dân sựvề thực hiện việc kê biên:
Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.
Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khóa, phá khóa, mở gói thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
2. Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.
Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.

Có thể thấy theo các Điều luật trên thì sự có mặt của người làm chứng, người chứng kiến trong một số trường hợp là bắt buộc phải có để đảm bảo cho trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được đúng quy định. Tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự dân sự không định nghĩa rõ về hai khái niệm người làm chứng, người chứng kiến như ở Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến (Điều 66 BLTTHS 2015); Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này (Điều 67 BLTTHS 2015) hay ở Bộ luật tố dụng dân sự 2015: Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng (Điều 78 BLTTDS 2015).
 
Từ những trường hợp quy định đã viện dẫn ở trên có thể thấy, khái niệm người chứng kiến đưa ra trong quá trình thực hiện thủ tục về thông báo thi hành án dân sự, khái niệm người làm chứng được đưa ra trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự. Về bản chất, người chứng kiến hay người làm chứng trong các quy định trên đều có vai trò là những người được Chấp hành viên, người thực hiện thông báo về thi hành án dân sự mời tham gia chứng kiến việc tiến hành trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự. Do vậy thiết nghĩ việc đưa ra 2 khái niệm người làm chứng và người chứng kiến trong thi hành án dân sự là không cần thiết, dễ gây khó hiểu, phức tạp quá trình thực hiện thủ tục về thi hành án dân sự.
Trong các biểu mẫu nghiệp vụ về thi hành án dân sự ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp cũng có sự không đồng nhất với các quy định của Luật Thi hành án dân sự. Ví dụ: Theo Điều 42 Luật Thi hành án dân sự khi thực hiện việc niêm yết công khai, biên bản niêm yết có chữ ký của người chứng kiến nhưng trong biểu mẫu thì lại ghi người làm chứng. Hay theo Điều 88 Luật Thi hành án dân sự về thực hiện việc kê biên, biên bản kê biên có chữ ký người làm chứng nhưng trong biểu mẫu thì lại ghi là người chứng kiến.
Quan điểm cá nhân tác giả bài viết đề xuất chỉ nên dùng khái niệm người chứng kiến cho đúng với bản chất vai trò và nên đưa vào quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án dân sự về giải thích từ ngữ: “Người chứng kiến trong thi hành án dân sự là người được Chấp hành viên, người làm công tác thi hành án dân sự mời tham gia chứng kiến việc tiến hành trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự”.
2. Khó khăn và kinh nghiệm trong thực tiễn
Trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự, rất nhiều trường hợp Chấp hành viên gặp khó khăn trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục vì không phải trường hợp nào cũng mời được người làm chứng, người chứng kiến cùng tham gia. Các trường hợp phải mời người làm chứng, người chứng kiến là khi không thực hiện được thủ tục thông báo trực tiếp do người phải thi hành án từ chối không nhận văn bản thông báo, phải niêm yết công khai văn bản thông báo, phải thực hiện việc cưỡng chế thi hành… Những trường hợp này người phải thi hành án đều có thái độ chống đối việc thi hành án, có nhiều đối tượng còn phản ứng gay gắt. Nhiều trường hợp khi Chấp hành viên mời những người hàng xóm hay người xung quanh nơi cư trú của người phải thi hành án tham gia chứng kiến thì họ đều từ chối vì tâm lý ngại va chạm, không muốn mất thời gian, không muốn dính dáng đến việc thi hành án, không muốn tạo quan hệ căng thẳng với người phải thi hành án.
Trên thực tế, khi thực hiện cưỡng chế thi hành án thì phải lên kế hoạch và mời nhiều cơ quan ban ngành cùng tham gia nên việc mời người chứng kiến, người chứng kiến có thể dễ hơn. Khi tiến hành các trình tự, thủ tục về thông báo thi hành án dân sự thì kinh nghiệm thường mời đại diện tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm nơi người phải thi hành án dân sự cư trú tham gia; có nhiều trường hợp mời cán bộ tư pháp hoặc liên hệ cảnh sát khu vực cùng tham gia với tư cách người chứng kiến. Do vậy Chấp hành viên, người làm công tác thi hành án dân sự cần phải linh hoạt, khéo léo, luôn giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự được tiến hành một cách khách quan, đúng thủ tục pháp luật. Bên cạnh đó cần phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng ghi biên bản. Khi đi giải quyết việc thi hành án tại cơ sở, Chấp hành viên, người làm công tác thi hành án dân sự có kỹ năng ghi biên bản tốt sẽ giúp việc thi hành án được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi hơn; không gây mất thời gian cho những người tham gia phối hợp, chứng kiến việc thi hành án.
Cao Văn Đức
 

Các tin đã đưa ngày: