Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung ngày 20 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. BLHS có nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy về chính sách hình sự, đề cao tính hướng thiện, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. BLHS năm 2015 gồm 26 chương, 426 điều (tăng 02 chương và 72 điều so với BLHS năm 1999).
Những điểm mới của BLHS nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo hướng đề cao tính phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội; bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.
Điều này thể hiện trên các phương diện sau đây:
Một là, BLHS năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tù, mở rộng hình phạt ngoài tù. Theo đó phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng như BLHS năm 1999 mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng. Riêng đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng.
BLHS đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ, theo đó, trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng với thời gian lao động không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần. Bộ luật cũng đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, được áp dụng cả đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Đối với hình phạt tù, Bộ luật khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản không quy định hình phạt tù tăng từ 06 khoản lên 31 khoản so với BLHS năm 1999.
Hai là, BLHS thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp. Điều 40 của BLHS đã xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Bộ luật đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; bổ sung thêm trường hợp không thi hành án tử hình là: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử
BLHS năm 2015 đã bỏ tử hình ở 07 tội danh: cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch. Bỏ tội danh hoạt động phỉ trước đây có quy định hình phạt tử hình. Như vậy, BLHS còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong số 314 tội danh trong BLHS.
Ba là, BLHS năm 2015 có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em và phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, cụ thể là: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Bộ luật đã thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự, theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh trong BLHS. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội danh trong số 314 tội danh trong BLHS. Đó là: tội giết người và tội cướp tài sản.
BLHS quy định trong 03 trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích: người bị kết án là người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng; người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại trường giáo dưỡng). Người chưa thành niên bị kết án nhưng được miễn hình phạt cũng không bị coi là có án tích (Điều 69).
Bốn là, BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt được sớm trở về với gia đình và xã hội có sự giám sát của chính quyền địa phương và xã hội. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì phải trở lại cơ sở giam giữ để chấp hành tiếp phần hình phạt tù còn lại.
Năm là, BLHS 2015 phát triển những quy định nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội, theo đó, Bộ luật quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng là: người đủ 70 tuổi trở lên; phụ nữ có thai; người khuyết tật nặng; người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, Bộ luật cũng tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với phạm tội xâm hại đến các đối tượng: người ở trong tình trạng không thể tự vệ được; người khuyết tật nặng; người bị hạn chế khả năng nhận thức; người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên.
Sáu là, Sửa đổi, bổ sung các điều kiện xóa án tích theo hướng: Rút ngắn thời hạn để được xóa án tích so với quy định hiện hành, tạo điều kiện cho người bị kết án sớm hòa nhập cộng đồng. Bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích, quy định trách nhiệm của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện và khi được yêu cầu. Xác định rõ những trường hợp không bị coi là có án tích bao gồm người bị kết án do lỗi vô ý về một tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, người được miễn hình phạt.
Bảy là, Nhằm tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp với các chế tài nghiêm khắc;
Bổ sung một số quy định mới để xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đồng thời, xử lý nghiêm khắc hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân
Những điểm mới của BLHS góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được bổ sung vào BLHS. Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Về chủ thể, Điều 2 của BLHS quy định chế định này chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại
Về loại tội, Bộ luật quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76, trong đó có 22 tội danh thuộc các tội phạm về kinh tế, 09 tội danh thuộc các tội phạm về môi trường và 02 tội danh thuộc các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng. Bộ luật cũng quy định rõ 04 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS bao gồm: 03 hình phạt chính: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 03 hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. 04 biện pháp tư pháp: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Thứ hai, BLHS (chương XVIII) đã sửa đổi nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo hướng bỏ 04 tội danh trong BLHS 1999. Đó là các tội: kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Bổ sung 16 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, ví dụ: tội vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp ... Bộ luật cũng tăng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Thứ ba, Bộ luật hình sự đã thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng 09 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất, quy định tại các điều từ điều 217 đến điều 224 và Điều 230 BLHS. Đồng thời, bổ sung một số tội danh mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường trong các lĩnh vực như: vi phạm quy định về cạnh tranh, vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp...
Thứ tư, BLHS (chương XIX) đã sửa đổi cơ bản nhóm các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi phạm tội; quy định chế tài nghiêm khắc đối với các tội phạm về môi trường, tăng mức phạt tiền; Bổ sung tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238).
Những điểm mới của BLHS khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiến mới, BLHS đã loại bỏ 06 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Đó là các tội: tảo hôn; kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Thứ hai, cùng với việc phi tội phạm hóa, BLHS đã bổ sung 34 tội mới trong các lĩnh vực, ngoài 17 tội danh về kinh tế, môi trường mới được bổ sung như đã nêu trên, Bộ luật còn bổ sung 17 tội danh mới thuộc 07 nhóm tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đang có chiều hướng gia tăng.
Thứ ba, Bộ luật (Chương XVI) đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu theo hướng đối xử bình đẳng giữa xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; Tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu; Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với các tội phạm thuộc nhóm này, Cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo.
Thứ tư, BLHS 2015 đã bổ sung một chương riêng (chương IV) quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì 04 trường hợp là: sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, Đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên nhằm khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, BLHS 2015 có những sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thể hiện ở ba điểm cơ bản: Điều 28 của Bộ luật đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn; Điều 61 của Bộ luật đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng;
BLHS đã mở rộng phạm vi một số tội tham nhũng, tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài Nhà nước), theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của BLHS; Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 364, 365 của BLHS. Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, cũng để thực thi Công ước về chống tham nhũng mà nước ta là thành viên.
Chúng ta tin tưởng rằng, những quy định mới của BLHS sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới./.
Nguyễn Cường (Cục trưởng Cục THADS)