Sign In

Thành phố Ngã Bảy chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu

16/07/2021

Thành phố Ngã Bảy chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu
Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Từ cuối năm 2018 đến ngày 30/04/2021, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Ngã Bảy đã thụ lý 67 việc tương đương với 73 tỷ 635 triệu đồng, đã xử lý xong hoàn toàn 42 việc tương đương với 63 tỷ 802 triệu đồng, còn tồn 25 việc với số tiền phải thi hành 9 tỷ 832 triệu đồng nợ xấu, đạt tỷ lệ 62,69% về việc, 86,65% về tiền đối với án tín dụng, ngân hàng.
Kết quả đạt được sau 4 năm là rất tích cực, nhưng đút rút kinh nghiệm thực tiễn thì vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của cơ quan thi hành án như: Số lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng cao, có giá trị lớn; một số quy định pháp luật còn chồng chéo; việc bán đấu giá tài sản không thành khá nhiều dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài; ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức chưa cao; công tác phối hợp trong thi hành án chưa thực sự hiệu quả; việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản định giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thật tại thời điểm thi hành án), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản; trên đất có nhiều mồ mả, nhiều công trình kiến trúc, nhiều thế hệ sinh sống nhưng bên cho vay không xác minh làm rõ trước khi đưa tài sản vào thẩm định. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (đo vẽ, xác định vị trí tài sản, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua,...); kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc…; đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại, nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Nhận thấy được những khó khăn, vướng mắc trên, Lãnh đạo Chi cục THADS thành phố Ngã Bảy chủ động, tiếp tục bám sát Công văn 574/CTHADS-NV ngày 10 tháng 12 năm 2019, Công văn 1391/TCTHADS-NV1 ngày 29 tháng 4 năm 2021, Công văn số 194/CTHADS-NV ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Tổng cục, Cục về tập trung tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, và Kế hoạch số 34/KH-CTHADS ngày 12 tháng 12 năm 2019, Kế hoạch số 28/KH-CTHADS ngày 26 tháng 5  năm 2021 của Tổ chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hâu Giang về việc rà soát các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng để chỉ đạo Chấp hành viên bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS, Cục THADS tỉnh (Tổ chỉ đạo) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Riêng đối với các Chấp hành viên: Để từng hồ sơ thi hành án tín dụng, ngân hàng giải quyết triệt để, chặt chẽ, Chấp hành viên cần phải nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật; xây dựng Kế hoạch chi tiết từ xác minh điều kiện thi hành án, kê biên tài sản bảo đảm, đến việc lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,…Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trong việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm đảm bảo hiệu quả. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo giải quyết.
 
Ảnh, một trong những tài sản bán đấu giá đã giao cho người trúng đấu giá

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, giảm bớt áp lực, những khó khăn của Cơ quan thi hành án trong việc xử lý nợ xấu. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Như vậy, căn cứ theo Thông tư này ngân hàng đã có cơ sở để xem xét miễn, giảm lãi cho khách hàng, tạo điều kiện cho người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đồng thời đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất - kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn, và công tác thi hành án cũng có những đột phá và khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Tóm lại, từ thực tiễn có thể thấy, để việc xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thông qua công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả tích cực, bền vững thì cần hạn chế, loại trừ triệt để các nguyên nhân, lý do dẫn đến khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên. Và để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này cần phải có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sự nỗ lực, cố gắng của nhiều bên. Đối với Cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, vai trò, chức trách của mình trong thực thi công vụ. Từ đó có những giải pháp, cơ chế phù hợp, linh hoạt, nâng cao hơn nữa, tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự với các bên có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết nợ xấu bằng con đường thi hành án dân sự.
 
Nghĩa Hiệp
Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Ngã Bảy

Các tin đã đưa ngày: