Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng” bước đầu, tạo sự thay đổi về cơ chế quản lý và tổ chức thi hành án dân sự. Theo đó, thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Từ năm 1993 đến nay nhằm tạo điều kiện để cho Tòa án tập trung thực hiện nhiệm vụ xét xử, công tác thi hành án dận sự được giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện vể tổ chức và hoạt động, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, thống nhất công tác hành chính, tư pháp của Chính phủ.
Năm 2008, Luật Thi hành án dân sự ra đời đánh dấu bước phát triển về chất và lượng của công tác thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Tổng cục THADS được thành lập trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và THAHC trong pham vi cả nước. Qua 75 năm xây dựng và phát triển hệ thống THADS đã hoàn thiện về cơ cấu tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao từng bước khẳng định được vị thế, vai trò là cơ quan Tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 17 năm các Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang được thành lập từ ngày 01/01/2004 chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ):
- Về công tác tổ chức – cán bộ
Giai đoạn 2004 – 2008 : Năm 2004 khi mới thành lập các cơ quan Thi hành án trong tỉnh bao gồm Phòng Thi hành án tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp, 06 Đội Thi hành án trực thuộc Phòng Tư pháp thị xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A toàn ngành có 32 biên chế. Phòng Thi hành án có 5 công chức (01 Quyền Trưởng phòng, 01 chấp hành viên, 01 kế toán, 01 cán sự, 01 lái xe), các Đội Thi hành án có 27 công chức trong đó có 07 chấp hành viên cấp huyện (kể cả Đội trưởng, Đội phó).
Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự; ngày 04/5/2005 Phòng và các Đội THADS trong tỉnh được đổi tên thành Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; tháng 6/2005 có thêm Thi hành án thị xã Tân Hiệp sau đổi tên là thị xã Ngã Bảy (được chia tách từ huyện Phụng Hiệp cũ). Sở Tư pháp được Bộ trưởng ủy quyền về mặt tổ chức cán bộ của cơ quan Thi hành án ở địa phương cùng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao là giúp UBND cùng cấp quản lý về THADS ở địa phương đã tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh chủ động trong công tác tham mưu kiện toàn tổ chức, cán bộ của ngành. Trong đó, từ năm 2006 khi các Phòng chuyên môn của Thi hành án tỉnh được thành lập, đã chuyển giao công tác, hồ sơ tổ chức thi hành án từ Văn phòng Sở sang Văn phòng cơ quan Thi hành án tỉnh.
Trong giai đoạn này, công tác tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng… nhằm bổ sung, nâng cao nguồn nhân lực tiếp tục được đẩy mạnh.
Đến cuối năm 2008, các cơ quan Thi hành án trong tỉnh có 82 công chức trên 93 biên chế định biên (tỉnh 15/22, cấp huyện: 67/71) có 18 chấp hành viên (trong đó có 12 chấp hành viên, đồng thời là công chức lãnh đạo quản lý), 1 thẩm tra viên; Trình độ công chức đã được nâng lên một bước: về chuyên môn: có 61 đại học, 01 cao đẳng, 11 trung cấp; về chính trị: 03 cao cấp lý luận chính trị, 02 trung cấp; Bồi dưỡng quản lý Nhà nước: 04 chuyên viên chính, 03 chuyên viên. Đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý đã được kiện toàn một bước, các đơn vị đều có cấp trưởng (kể cả các phòng chuyên môn của Thi hành án tỉnh), 5 đơn vị có Phó trưởng Thi hành án.
Giai đoạn 2009 – đến nay: Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bằng sự chủ động, chuẩn bị chu đáo ngay từ tháng 4/2009 các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tiến hành các quy trình thủ tục nhằm thực hiện việc chuyển đổi các chức danh, chức vụ theo quy định mới; Vì vậy, cuối năm 2009 Bộ Tư pháp đã ra quyết định thành lập, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Cục và các Chi cục THADS trong tỉnh, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Lễ công bố thành lập Cục và các Chi cục THADS trong tỉnh được tổ chức trang trọng tạo được sự quan tâm của các ngành các cấp ở địa phương đối với cơ quan THADS và công tác THADS.
|
|
Từ năm 2009 đến nay công tác tổ chức, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố kiện toàn, tập trung xây dựng các kế hoạch quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các giai đoạn, chủ động phối hợp với Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đề bạc, bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý đảm bảo đúng quy trình theo quy định của pháp luật.
Hiên tại Cục THADS tỉnh Hậu Giang được phân bổ 94 biên chế định biên (Cục 22, Chi cục 72), đã thực hiện được 90/94 biên chế. Về cơ cấu chức danh lãnh đạo Cục (Cục trưởng, 02 Phó Cục trưởng), lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục (01 Trưởng phòng, 04 Phó trưởng phòng), lãnh đạo các Chi cục (07 Chi cục trưởng, 08 Phó Chi cục trưởng, trong đó có 01 cấp phó được giao phụ trách chi cục). Cơ cấu chức danh Chấp hành viên gồm: 11 Chấp hành viên trung cấp (ở Cục 03 và Chi cục 08), 32 Chấp hành viên sơ cấp (ở Cục 04 và Chi cục 28), 10 Thẩm tra viên (ở Cục 03 và Chi cục 07), 18 Thư ký thi hành án (ở Cục 04 và Chi cục 14), các ngạch công chức khác là 19 công chức.
Trên cơ sở các Kế hoạch đào tào, bồi dưỡng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ động trong việc bố trí cử người tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, tranh thủ sự hỗ trợ Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, các lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý. Đến nay, trong tổng số 90 công chức có trình độ đại học 86, thạc sỹ 04; lý luận chính trị cử nhân 01, cao cấp 17, trung cấp 27; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính 17, chuyên viên 32; với 83 đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đội ngũ công chức từng bước được chuẩn hóa đáp ứng theo yêu cầu vị trí việc làm.
- Về công tác tham mưu văn bản chỉ đạo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang
Cục THADS tỉnh Hậu Giang đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành 05 văn bản tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Chỉ thị 09-CT/TU ngày 18/10/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác thi hành án dân sự; Chỉ thị số 14/2006/CT-UBND ngày 12/10/2006 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc tăng cường chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Công văn số 25-CV/BCĐ ngày 17/7/2013 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng ở địa phương đối với các cơ quan nội chính và công tác cải cách tư pháp; Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 16/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hoạt động thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; đặc biệt gần đây nhất là Chỉ thị số 50-CT/TU ngày 11/9/2015 của Ban Thương vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tiếp tục trong thời gian tới Cục THADS tỉnh Hậu Giang sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Về kết quả công tác thi hành án dân sự
Tính từ ngày 01/01/2004 đến 30/6/2021, qua các năm số lượng thụ lý về việc và tiền năm sau đều cao hơn năm trước, tính chất các vụ, việc có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó khăn nhưng với sự phấn đấu, nổ lực của tập thể lãnh đạo Cục, lãnh đạo Phòng chuyên môn, lãnh đạo Chi cục; công chức, người lao đông của hệ thống các Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang đã thi hành xong được 77.735 việc tương ứng với số tiền, giá trị tài sản là 2.167.888.322.000 đồng.
- Về cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động
Năm 2004 khi chia tách tỉnh và đi vào hoạt động, ngành Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang có 3 Đội THADS là: huyện Phụng Hiệp (nay là trụ sở của Chi cục THADS thành phố Ngã Bảy), huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ là đã được đầu tư xây dựng trụ sở với tổng số vốn đầu tư 01 tỷ 153 triệu 648 nghìn đồng, các đơn vị còn lại trụ sở phải thuê mướn như Phòng Thi hành án tỉnh, Đội Thi hành án huyện Châu Thành, Châu Thành A hoặc UBND địa phương bố trí trụ sở tạm như thị xã Vị Thanh; trang thiết bị, phương tiện làm việc rất thiếu thốn. Từ đó đến nay được sự quan tâm của Bộ Tư pháp và sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh và các huyện, thị xã của tỉnh Hậu Giang, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của các cơ quan THADS đã được đầu tư mạnh mẽ cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ công tác của ngành.
Trong giai đoạn 2004 – 2008: Trụ sở Thi hành án dân sự thị xã Ngã Bảy, huyện Long Mỹ được sửa chữa nâng cấp với số tiền 95.784.000 đồng kinh phí ngân sách hành chính được cấp, trang thiết bị, phương tiện làm việc đã được tăng lên đáng kể với tổng số tiền là 14 tỷ 310 triệu 745 nghìn đồng (trong đó kinh phí mua sắm trang thiết bị là 01 tỷ 831 triệu 445 nghìn đồng, sửa chữa là 438 triệu 507 nghìn đồng).
Mỗi cơ quan Thi hành án điều có từ 02 – 03 máy vi tính, xe gắn máy, riêng tỉnh còn có xe và ô tô phục vụ công tác, các cơ quan chưa xây dựng trụ sở điều được UBND tỉnh và các huyện, thị xã bố trí địa điểm xây dựng.
Giai đoạn 2009 đến nay: Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của các cơ quan THADS trong tỉnh tiếp tục được quan tâm.
Trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vị Thủy được đầu tư nâng cấp diện tích gần gấp đôi trụ sở cũ, trụ sở làm việc của Cục kết hợp cụm kho vật chứng, trụ sở 2 Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A được đầu tư xây dựng (tổng mức đầu tư trụ sở Cục 14 tỷ đồng, Chi cục Vị Thanh 8,5 tỷ đồng, Chi cục Châu Thành A 7,8 tỷ đồng). Vốn đầu tư được cấp từ năm 2009 đến ngày 31/12/2012 là 24 tỷ 478 triệu 733 nghìn đồng. Trong năm 2013, trụ sở các đơn vị Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, Cục THADS tỉnh, Chi cục THADS huyện Châu Thành A lần lượt được đưa vào sử dụng.
Trụ sở Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp được khởi công xây dựng vào ngày 16/11/2008 với tổng mức đầu tư 9,316 tỷ đồng đến tháng 11/2020 trụ sở làm việc đã tương đối hoàn thành các hạng mục công trình, được sự thống nhất của Ban Quản lý dự án - Bộ Tư pháp, đơn vị thầu thi công, đơn vị đã vào sử dụng trụ sở.
Trụ sở Chi cục THADS huyện Châu Thành được khởi công xây dựng ngày 03/5/2019 với tổng mức đầu tư 8,393 tỷ đồng đến nay đã cơ bản hoàn thành đang trong giai đoạn chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Còn lại 01 đơn vị Chi cục THADS huyện Long Mỹ được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 8.094.000.000 đồng, khởi công vào ngày 19/12/2020 và dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 10/2021.
Các trang thiết bị phương tiện làm việc cũng đã được tiếp tục trang cấp: mỗi công chức 01 máy vi tính, 1 hộp thư điện tử, mỗi cơ quan Thi hành án điều có xe gắn máy công vụ, 5/8 Chi cục được trang cấp xe ô tô bán tải phục vụ cho công tác chuyên môn.
Kinh phí được phân bổ đảm bảo được hoạt động của đơn vị; nhiều chế độ, định mức hoạt động của ngành mang tính đặt thù; các chế độ, chính sách cho lực lượng làm công tác thi hành án cũng đã được ban hành như phụ cấp cho các đối tượng có chức danh tư pháp, phụ cấp thâm niên nghề… tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS, góp phần động viên những cống hiến, đóng góp của công chức ngành cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.