Sign In

Quyết liệt trong thi hành án

07/06/2022

Quyết liệt trong thi hành án
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt khó, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Trong thời gian này, toàn ngành THADS tỉnh thụ lý 7.842 việc, tương ứng số tiền hơn 1.998 tỉ đồng. Qua xác minh, phân loại có 5.422 việc, với gần 708 tỉ đồng có điều kiện thi hành. Đến nay, các chỉ tiêu về việc và tiền lần lượt đạt 48,47% và 19,73% so với chỉ tiêu được giao là 81,5% và 40%.

Ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết, trong năm 2021, dịch bệnh tác động rất lớn đến kết quả, mục tiêu của ngành THADS. Do đó, bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động đề xuất và có những giải pháp linh hoạt, quyết liệt trong việc chỉ đạo, tập trung nhân lực giải quyết các việc có điều kiện thi hành, với giá trị tài sản lớn như án liên quan tới ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục người phải thi hành án chủ động, tự nguyện thi hành.

“Hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo cục đều đề nghị các đơn vị phải báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện công việc, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, biện pháp khắc phục, sửa chữa hoặc xin ý kiến chỉ đạo của trên… Cán bộ bị phát hiện làm việc thiếu trách nhiệm sẽ bị lãnh đạo đơn vị nhắc nhở, xử lý. Với cách làm này, tinh thần trách nhiệm và năng lực làm việc của cán bộ, chấp hành viên từng bước được phát huy”, ông Toàn nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Nghĩa Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Ngã Bảy, bên cạnh cụ thể hóa chỉ đạo của cục, đơn vị còn tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, chủ động phân công từng chấp hành viên bám sát địa bàn và gắn trách nhiệm của chấp hành viên với địa bàn được giao. Nếu có những vụ việc phức tạp, giá trị lớn, khó thi hành thì xin ý kiến ngay với Ban Chỉ đạo THADS thành phố và Cục THADS để giải quyết vụ việc đó, không để kéo dài.

Thực tế trong công tác thi hành án hiện nay, ngoài một số việc coi như “nợ khó đòi” vì thuộc án không có điều kiện thi hành thì một số trường hợp, người phải thi hành án thuộc loại có điều kiện thi hành cũng thường tìm cách trốn tránh, chống đối quyết liệt việc thi hành án. Chưa kể là những năm gần đây, các tổ chức tín dụng đã quy định chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ gặp một số khó khăn do tài sản đảm bảo không đúng với thực tế, cùng một loại tài sản song thế chấp chồng chéo cho nhiều ngân hàng.

Mặt khác, tài sản là quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng hết thời hạn sử dụng, người phải thi hành án không hợp tác gia hạn nên không kê biên được hoặc kê biên bán đấu giá nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng được… Theo ông Lê Văn Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, bên cạnh những khó khăn trên thì dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, đời sống của các đương sự dẫn đến khó khăn trong thi hành án.

Vì vậy, để có thể thi hành hiệu quả được các bản án, quyết định của tòa án, ông Nam cho rằng bắt buộc phải tìm hiểu, vận động, thuyết phục nhiều lần với đương sự cùng những người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhiều cơ quan có thẩm quyền từ khâu phân loại, xác minh điều kiện thi hành án đến vận động, thuyết phục và kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá, giao tài sản.
 
Theo Cục THADS tỉnh, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch Tổng cục THADS giao, toàn ngành THADS xác định trong những tháng còn lại của năm 2022, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, Cục THADS tỉnh còn quyết liệt quán triệt đến từng đơn vị, chấp hành viên nhanh chóng có giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, thách thức trong thi hành án. Đồng thời, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực thi hiệu quả các bản án, quyết định của tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lê Phước Toàn thông tin thêm: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi hành án và chỉ đạo chấp hành viên đẩy nhanh tiến độ trong việc thực hiện kê biên, xử lý tài sản đưa ra bán đấu giá. Cùng với đó là quán triệt đến từng chấp hành viên thực thi nghiêm kỷ luật, kỹ cương trong đơn vị. Qua đó, cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu về việc, về tiền được giao”.
 
Án tín dụng ngân hàng vẫn chiếm số lượng lớn
Theo Cục THADS tỉnh, tính đến nay, tổng số vụ việc liên quan đến thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa tỉnh là 553 việc, với số tiền 1.201 tỉ đồng, chiếm 7,05% về việc, nhưng chiếm đến 64,21% về tiền đối với tổng số án phải thi hành trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ quan thi hành án chỉ mới thi hành xong được 36 việc, với số tiền 67 tỉ đồng.
 
Bài, ảnh: Đ.BẢO


Theo Hậu Giang Online

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: