Sign In

Cục THADS tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 08/QĐ-CTHADS ngày 10/01/2024 về việc giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cho các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024

11/01/2024

Cục THADS tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 08/QĐ-CTHADS ngày 10/01/2024 về việc giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi  thi hành án hành chính cho các cơ quan Thi hành án dân sự  trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024
I. Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các Phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục THADS trực thuộc
Điều 1. Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024 như sau:
1. Phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức thi hành án dân sự (THADS), trong đó:
a. Ra quyết định thi hành án (THA) đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.
b. Đảm bảo tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 83,35% về việctrên 46,75% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
c. Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
d. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028”.
2. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và theo dõi việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi Tòa án chuyển giao. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị xử lý đối với các trường hợp chậm thi hành án hoặc chấp hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
3. Bảo đảm xác minh điều kiện THA, phân loại việc thi hành án dân sự, ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA và chuyển số theo dõi riêng đúng quy định pháp luật; đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án và các thông tin liên quan đến lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trên Cổng/Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; đăng tải đầy đủ thông tin về thi hành án hành chính theo quy định.
4. Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
5. Trả lời bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục và thời hạn 100% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự cấp dưới.
6. Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật; giải quyết đúng thời hạn 100% số đơn thư khiếu nại, tố cáo từ năm 2023 chuyển sang; giải quyết xong các vụ việc thuộc thẩm quyền mới phát sinh trong năm 2024 đạt tỷ lệ ít nhất 95%. Hạn chế phát sinh vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động thi hành án dân sự; giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục có trách nhiệm tham mưu, giúp Lãnh đạo Cục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; của Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký và công chức thuộc Cục.
2. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ do Cục trưởng giao (Theo Điều 1 và phụ lục kèm theo Quyết định này). Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự; Trưởng phòng Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Chi cục trưởng giao chỉ tiêu cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức có liên quan đơn vị quản lý, đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
II. Phụ lục Giao chỉ tiêu cụ thể cho Phòng Nghiệp vụ và các Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố (Đính kèm theo)
III. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2024
1. Giải pháp chung
1.1. Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự (THADS), Chi cục trưởng Chi cục THADS cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang.
1.2. Quán triệt, chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể để phòng ngừa các vi phạm pháp luật được chỉ ra trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
2. Giải pháp cụ thể
Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chung, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương xây dựng và tập trung triển khai có hiệu quả một số giải pháp đối với chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:
2.1. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu 1:
- Phân công công chức tiếp nhận bản án, công chức tham mưu ra quyết định THA có trình độ về pháp luật, có kinh nghiệm, có khả năng cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan đến việc ban hành quyết định THA.
- Thực hiện đúng, đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong việc ra quyết định THA thuộc thẩm quyền.
- Chỉ đạo công chức liên quan thực hiện nghiêm các quy trình được áp dụng trong Hệ thống THADS, kiểm tra chặt chẽ nội dung bản án, quyết định để tham mưu ra quyết định THA đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
- Trừ điểm thi đua; xem xét, đánh giá công chức, xử lý nghiêm và không đề nghị người có thẩm quyền khen thưởng đối với trường hợp tham mưu ra quyết định THA sai do lỗi chủ quan.
- Giám sát chặt chẽ các vụ việc cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên để THA (trong đó 100% các vụ việc bán đấu giá tài sản THA phải có ý kiến phê duyệt của lãnh đạo cơ quan THADS); thực hiện đúng quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá. Lãnh đạo, chỉ đạo Chấp hành viên giám sát chặt chẽ quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA, kịp thời phát hiện và ngăn chặn sai phạm của các tổ chức trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA; gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS trên địa bàn, Chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc với trách nhiệm của tổ chức bán đấu giá nếu để xảy ra sai phạm đến mức phải hủy kết quả bán đấu giá tài sản.
- Phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS về những vi phạm, thiếu sót đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, kiến nghị, kháng nghị đối với công tác THADS thuộc địa bàn, cũng như những sai phạm thường gặp ở địa bàn khác đã được tổng hợp để các Chấp hành viên, công chức nắm được, tránh lặp lại vi phạm tương tự. Sai phạm đã được chỉ ra nhưng không khắc phục, còn lặp lại hoặc vi phạm nặng hơn thì sẽ bị xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc.
- Tiếp tục rà soát, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc THA liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để tổ chức thi hành hiệu quả, không ngừng nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn THA, đồng thời phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS liên quan đến loại vụ việc này; xác định khoản phải thi hành, khoản không phải thi hành; xác định giá theo đúng quy định, đảm bảo thống kê chính xác đối với số lượng việc, tiền phải THA trong loại việc này.
- Rà soát, tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc THA tại Chi cục liên quan đến thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; thường xuyên và theo định kỳ báo cáo Cục kết quả tổ chức thi hành các vụ việc có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên, có điều kiện thi hành, quá 3 năm chưa thi hành xong do Chi cục tổ chức thi hành.
Định kỳ kiểm tra hồ sơ tổ chức THA của Chấp hành viên; đối với các vụ việc có điều kiện trên 01 năm nhưng chưa tổ chức thi hành xong phải thường xuyên kiểm tra, báo cáo kết quả với Cục, để định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Tổng cục. Trường hợp không rõ lý do thì tham mưu xử lý nghiêm theo quy định.
- Báo cáo Cục để tăng cường tham mưu Tổng cục giúp Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong THADS.
- Theo dõi, nắm bắt, kịp thời phát hiện những tồn tại, sai phạm, khó khăn, vướng mắc của Chấp hành viên ngay từ đầu để tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn, xử lý theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước để thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức tín dụng không phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong xử lý tài sản bảo đảm để thi hành các khoản thu cho tổ chức tín dụng.
- Thường xuyên kiểm tra, xây dựng các giải pháp tham mưu để Cục giúp Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo thi hành dứt điểm các vụ việc THA liên quan đến tổ chức tín dụng, đặc biệt những vụ việc có giá trị lớn, đã ra quyết định THA từ 01 năm trở lên, có điều kiện nhưng chưa thi hành xong.
- Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức lãnh đạo, công chức THA; giáo dục ý thức trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp, đồng thời, phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, vi phạm về đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ.
- Chấn chỉnh, yêu cầu Chấp hành viên thường xuyên nghiên cứu văn bản pháp luật, kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật mới, các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, của ngành và của địa phương; thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: xác minh điều kiện THA; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA và đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác THADS. Chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình tác nghiệp để cấp trên tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác THADS.
- Chủ động tham mưu và tận dụng một cách tích cực sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác THADS. Thường xuyên tham mưu cho Ban chỉ đạo THA kiện toàn về tổ chức, thể chế hoạt động; xây dựng và thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác; chỉ đạo giải quyết những vụ việc lớn, khó khăn, phức tạp, kéo dài, nhất là những việc phải cưỡng chế THA; chỉ đạo các cơ quan có liên quan trên địa bàn huyện tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ THADS; trực tiếp chỉ đạo thi hành dứt điểm những vụ việc khó khăn, gây bức xúc lớn trong Nhân dân.
2.2. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu 2:
- Chỉ đạo Chấp hành viên được phân công trách nhiệm theo dõi THAHC thực hiện đúng, thực hiện đủ trách nhiệm theo dõi THAHC theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao chất lượng theo dõi THAHC trên địa bàn. Kiến nghị UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý trách nhiệm người phải THA không chấp hành án hành chính theo quy định.
2.3. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu 3:
- Trực tiếp ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện THA. Phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với vụ việc chưa có điều kiện THA được chuyển sổ theo dõi riêng của Chi cục THADS, định kỳ kiểm tra đối với loại việc này.
- Tổ chức tự kiểm tra việc xác minh, xác minh lại, phân loại việc THADS đối với Chấp hành viên có biến động bất thường về số liệu liên quan đến xác minh, xác minh lại và phân loại THADS theo chỉ đạo của Cục THADS.
- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với trường hợp phân loại THA sai; đưa vụ việc THA có điều kiện vào chưa có điều kiện, đưa vụ việc chưa có điều kiện vào diện theo dõi riêng không đúng quy định.
- Thường xuyên theo dõi, đánh giá, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về đăng tải thông tin lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trên Cổng/Trang thông tin điện tử THADS, Cổng thông tin điện tử bán đấu giá tài sản; đăng tải đầy đủ thông tin về THAHC theo quy định.
- Kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời các trường hợp chậm xác minh THA và không tổ chức THA tại Chi cục.
- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra định kỳ đối với danh sách người phải THA chưa có điều kiện THA và việc chuyển sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành.
2.4. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu 4:
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong tổ chức THA và trong hướng dẫn nghiệp vụ. Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để được hướng dẫn, không để xảy ra sai phạm, hậu quả không khắc phục được. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương, báo cáo Ban Chỉ đạo THADS xem xét, tháo gỡ vướng mắc; thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đầy đủ nội dung hướng dẫn của Cục THADS.
- Quán triệt, yêu cầu đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS thường xuyên tự nghiên cứu, trau dồi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy tính tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tránh để xảy ra những sai sót, vi phạm. Quan tâm công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên quán triệt những nội dung cần lưu ý, nhất là những vi phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức THA đã được Tổng cục, Cục và cơ quan có thẩm quyền kết luận, chỉ rõ để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung.
- Tranh thủ tối đa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; duy trì và phát huy tốt hơn nữa quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn để huy động sự ủng hộ, hỗ trợ đối với công tác THADS, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA; phát huy hiệu quả, vai trò của Ban Chỉ đạo THADS, kịp thời báo cáo xin ý kiến đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp.
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đúng Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ; rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xin hướng dẫn nghiệp vụ.
2.5. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu 5:
- Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp, hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm chế độ Thủ trưởng đơn vị trực tiếp tiếp công dân định kỳ cũng như thực hiện tốt công tác tiếp công dân trên địa bàn.
- Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, thực hiện các biện pháp giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh thêm các vụ việc phức tạp, vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước và khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
- Chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong THADS, THAHC.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan để hỗ trợ các cơ quan THADS giải quyết các vụ việc khiếu nại, phức tạp kéo dài đã được Tổng cục THADS đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo.
- Thường xuyên rà soát, tổng hợp các vi phạm phát hiện qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để rút kinh nghiệm chung.
- Chủ động rà soát tiến độ từng vụ việc và thực hiện giải quyết theo đúng quy định của pháp luật các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong THADS phát sinh trên địa bàn. Kịp thời báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ hoặc chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp vụ việc có khó khăn, vướng mắc.
- Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước trong hoạt động THADS đang do cơ quan Tòa án giải quyết./.
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: