Thực hiện Công văn số 3562/TCTHADS-NV3 ngày 12/9/2024 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc tập trung thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2024, đảm bảo thực chất, khắc phục hạn chế, thiếu sót, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang yêu cầu Lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục; Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Tập trung rà soát, kiểm đếm, đánh giá kết quả thực hiện theo các chương trình, kế hoạch công tác của Cục Thi hành án dân sự và của đơn vị năm 2024, từ đó có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024 của đơn vị mình.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 37/KH-CTHADS ngày 08/9/2021 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 30/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Công văn số 304/CTHADS-NV ngày 06/7/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về việc tăng cường công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của cơ quan THADS trong theo dõi THAHC, nhất là việc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức không chấp hành án hành chính.
2. Lãnh đạo Cục phụ trách nghiệp vụ phải quản lý chặt chẽ, nắm chắc số lượng, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi hành án của Chấp hành viên thuộc Cục và các Chi cục THADS; kịp thời phát hiện các vi phạm để kịp thời chỉ đạo khắc phục, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm do cố ý, có mục đích vụ lợi và thiếu tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn dẫn tới chậm trễ trong tổ chức thi hành án.
Quá trình tổ chức thi hành án, tập trung cao độ cho việc tổ chức thi hành các khoản thu trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (nếu có); việc thi hành án có liên quan đến tổ chức tín dụng; án có điều kiện thi hành, đã ra quyết định trên 01 năm chưa thi hành xong; kiểm soát chặt chẽ đối với việc chưa có điều kiện thi hành chuyển sổ theo dõi riêng theo đúng chỉ đạo của Tổng cục và việc quản lý, xử lý tiền THADS tồn đọng tại cơ quan THADS.
Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố phải kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi THADS, đối chiếu thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định (tuyệt đối không được để lợi dụng, xâm tiêu, gửi tiền không đúng quy định để trục lợi). Thủ trưởng cơ quan THADS chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý tiền THADS; nếu để xảy ra thất thoát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3. Đối với công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, phải bảo đảm kiểm soát đối với 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản; thực hiện rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục THADS, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá. Hồ sơ chưa đúng, chưa đủ quy trình, thủ tục thì chưa tiến hành đấu giá. Nếu để xảy ra các sai phạm thì Chấp hành viên và Chi cục trưởng cùng chịu trách nhiệm.
Đối với các vụ việc đã bán đấu giá thành cần lập kế hoạch chi tiết đối với từng vụ việc, để sớm bàn giao dứt điểm cho người mua trúng đấu giá. Trường hợp hồ sơ có vướng mắc, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, báo cáo Ban chỉ đạo THADS cùng cấp để giải quyết dứt điểm. Quyết tâm giảm dần số lượng các vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Chấp hành viên cần phát huy vai trò giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án, phát hiện từ sớm, từ xa đối với “hiện tượng thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau để kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm.
4. Rà soát các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm sát liên quan đến đơn vị, nếu chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thì cần thực hiện cho đầy đủ, nghiêm túc. Nếu phát hiện chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm thì đồng chí Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
5. Tiếp tục tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xác minh, phân loại việc có điều kiện, chưa có điều kiện; kịp thời cập nhật thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành lên Trang/Cổng thông tin điện tử THADS; chỉ đạo sát sao việc cập nhật thông tin lên phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS. Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các dữ liệu được đăng tải trên Trang/Cổng thông tin và trên phần mềm. Nghiêm cấm việc chạy theo thành tích để báo cáo gian dối không trung thực (nhất là phân loại án không chính xác). Chi cục trưởng phải kiểm soát chặt chẽ hồ sơ phân loại án bảo đảm chính xác và phải phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kiểm sát theo đúng quy định.
Tiếp tục thực hiện Công văn số 587/CTHADS-NV ngày 13/8/2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về việc chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 02 tháng cuối năm 2024.
Do thời điểm cuối năm thực hiện đẩy nhanh tiến độ THADS nên các đồng chí lãnh đạo Chi cục phải kiểm soát chặt chẽ tình hình tổ chức, hoạt động THADS trên địa bàn, bảo đảm vừa phải đúng quy trình thủ tục, vừa bảo đảm không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
Thu Thủy
Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THADS