Sign In

Hoàn thiện quy định về tiêu hủy vật chứng trong thi hành án dân sự

03/03/2021

Hoàn thiện quy định về tiêu hủy vật chứng trong thi hành án dân sự
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Luật Thi hành án dân sự đã có những quy định về tiêu huỷ vật chứng song thực tiễn áp dụng các quy định này vẫn còn một số vướng mắc, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
 

Theo khoản 2 Điều 106 BLTTHS, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Tiêu hủy vật chứng, tài sản là một trong những khoản thi hành án do cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành. Theo Điều 125 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay. Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết.  Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản.

Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật, việc tiêu hủy vật chứng vẫn còn một số vướng mắc, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Hiện nay có rất nhiều với một số tài sản đặc thù như một số loại ma túy tổng hợp (ví dụ thuốc lắc, các chế phẩm ketamin, cần sa ) … vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về hình thức tiêu hủy.  Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì hình thức tiêu hủy bao gồm: Đốt cháy, đập vỡ hoặc hình thức phù hợp khác. Trường hợp tiêu hủy các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng hoặc chuyên gia thì Chấp hành viên ký hợp đồng với chuyên gia, cơ quan bảo đảm điều kiện tiêu hủy vật chứng, tài sản để thực hiện việc tiêu hủy đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy.

Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự có quy định: Đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy, nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan thi hành án dân sự phải lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý), phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, đối với số lượng ma túy không lớn, việc tiêu hủy được thực hiện tại đơn vị cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn.  

Trong thực tiễn, cơ quan THADS tiếp nhận nhiều loại tang vật là ma túy khác nhau như ma túy dạng tổng hợp, dạng viên, bột, dạng cây lá… Cách thức tiêu hủy còn theo hình thức thủ công ví dụ như: đốt cháy, tiêu hủy bằng hình thức bỏ ma túy vào nước hòa tan rồi đổ xuống cống, rãnh....Các hình thức này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như cán bộ trực tiếp tham gia tiêu hủy. Do chưa có quy trình riêng biệt cho việc tiêu hủy ma túy các loại nên mỗi đơn vị tiêu hủy theo một cách khác nhau.  Do đó cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc tiêu hủy các tài sản đặc thù này.  Đối với các trường hợp tiêu hủy vật chứng là ma túy có số lượng lớn,  đề nghị Tổng cục THADS hướng dẫn lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện thực hiện việc tiêu hủy vật chứng là ma túy số lượng lớn theo đúng quy định pháp luật. 

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 125 Luật THADS năm 2014 quy định “Trong  thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo Bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật có quy định phải tiêu hủy ngay”. Tuy nhiên trong thực tiễn, số lượng án phát sinh ở các đơn vị không đồng đều, có đơn vị thụ lý số lượng việc thi hành án ít, có đơn vị thụ lý số lượng việc thi hành án nhiều. Nếu trong 01 tháng chỉ có một hoặc một vài vật chứng, tài sản phải tiêu hủy (ví dụ: 01 bì niêm phong về ma túy) mà phải thành lập một Hội đồng tiêu hủy vật chứng thì rất tốn kém về thời gian, kinh phí, nhân lực. Do vậy có thể quy định gia tăng thời hạn thành lập hội đồng tiêu hủy vật chứng (60 ngày hoặc 90 ngày) tùy theo số lượng vật chứng mà thực hiện việc tiêu hủy thì sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.

Hoàng Thanh Hoa
https://baophapluat.vn


Theo BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: