Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, tổng số việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 246 việc, tương ứng với số tiền 184 tỉ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị chỉ mới thi hành xong 17 việc, với số tiền 23 tỉ đồng, s? việc còn lại phải thi hành là trên 220 việc với gần 160 tỉ đồng. Trong đó, các đơn vị như Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp phải thi hành hơn 35 tỉ đồng, huyện Châu Thành 17 tỉ đồng, thị xã Long Mỹ 27 tỉ đồng… Những con số trên cho thấy, số lượng các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng được giải quyết thời gian qua khá ít, số tiền thu hồi thấp, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu thi hành án được giao của tỉnh.
Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác THADS liên quan đến các ngân hàng nhằm thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo thanh khoản còn gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ Chi cục THADS huyện Châu Thành A giải quyết
một vụ việc có tài sản liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo đó, khó khăn lớn nhất đối với cơ quan thi hành án là việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản. Bởi, hiện nay thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, cùng với tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá thi hành án của người dân, nên hầu hết các vụ việc phải đưa ra bán đấu giá nhiều lần. Thậm chí có tài sản sau nhiều lần giảm giá, nhưng vẫn không có người đăng ký mua. Đơn cử như tại Chi cục THADS huyện Châu Thành A có trường hợp phải giảm giá đến lần thứ 14 với giá trị tài sản chỉ còn 1/4 so với lần đấu giá đầu nhưng vẫn không có người mua. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hầu hết các vụ việc thi hành án tồn đọng nhiều năm.
Theo ông Lý Phương Tùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Châu Thành A: Hiện nay, người phải thi hành án đều có tài sản thế chấp, nhưng việc xử lý tài sản thường gặp vướng mắc, sau khi kê biên có tranh chấp hoặc tài sản đưa ra đấu giá nhiều lần không có người mua. Các ngân hàng lại không nhận tài sản thế chấp để trừ vào tiền thi hành án, vì phải chịu thuế, phí thi hành án và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản, buộc cơ quan thi hành án phải tiếp tục hạ giá tài sản và đấu giá kéo dài.
Bên cạnh đó, một số vụ việc tài sản thế chấp không đúng với thực tế, như: Đất cấp chồng lấn, đất thừa hoặc thiếu hụt so với diện tích được cấp... Hoặc có trường hợp tổ chức tín dụng đã đồng ý nhận tài sản thế chấp là bất động sản, tuy nhiên lại gặp vướng khi hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng. Như vụ việc được Chi cục THADS huyện Vị Thủy thụ lý. Cụ thể, theo ủy thác của Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, Chi cục THADS huyện Vị Thủy đã ra quyết định thi hành án buộc ông Hoàng Đăng Lý, ở khu vực 2, phường VII, thành phố Vị Thanh trả cho Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang số tiền 109 triệu đồng, do ông Nguyễn Thanh Phong và bà La Thị Nàng thế chấp đất vay tiền. Trường hợp ông Lý không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc không có tài sản khác thì buộc ông Nguyễn Thanh Phong và bà La Thị Nàng phải có trách nhiệm xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy để thi hành án. Qua quá trình thỏa thuận, ông Phong và bà Nàng đã đồng ý giao tài sản là quyền sử dụng đất đã thế chấp cho Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang để trừ vào tiền thi hành án là 55 triệu đồng. Căn cứ theo Luật THADS, chấp hành viên lập thủ tục giao đất để trừ tiền thi hành án.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Công văn số 1002 ngày 1-8-2014 của Tổng Cục Quản lý đất đai thì quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức không có dự án đầu tư nên không thuộc đối tượng được nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản. Trong khi Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang lại yêu cầu được lập thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, khiến vụ việc gặp khó khăn.
Có thể thấy, số lượng các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng tăng cao đột biến trong những năm gần đây, với giá trị lớn đã phần nào gây quá tải cho cơ quan thi hành án. Người phải thi hành án thường mất khả năng thanh toán các khoản tiền vay, nên thường không tự giác chấp hành, cố tình chống đối, chây ỳ bằng nhiều cách... việc này không chỉ ảnh hưởng đến công tác thi hành án mà còn tác động đến hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Thiết nghĩ, để giải quyết, tháo gỡ khó khăn này, cần phải có các giải pháp đồng bộ từ ngành chức năng, đây cũng là điều mà người dân đang chờ đợi ngành THADS tỉnh tại phiên giải trình về công tác THADS do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào ngày 16-5 tới đây.
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO
Theo Báo Hậu Giang