Sign In

Được xóa án tích, vẫn bị xem là “có vết”?

20/07/2012

Việc đánh giá nhân thân của con người là tốt hay xấu phải xem xét toàn diện trong cả một quá trình dài. Hiện nay, nhiều tòa án địa phương mặc nhiên xem người từng bị kết án dù đã được xóa án tích vẫn thể hiện là có nhân thân xấu, từ đó không cho bị cáo được hưởng án treo, giảm án. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối cách hiểu này…

Ngày 11-7, TAND TP Đà Nẵng đã xử phúc thẩm vụ Nguyễn Thanh Bửu phạm tội đánh bạc. Trước đó, Bửu bị TAND quận Thanh Khê phạt chín tháng tù. Bửu kháng cáo xin được hưởng án treo vì hoàn cảnh khó khăn, đã nộp phạt để khắc phục hậu quả...

Không được khoan hồng vì nhân thân xấu

Không chấp nhận, tòa phúc thẩm cho rằng từ năm 1983 đến năm 1999, Bửu đã có bốn lần vi phạm pháp luật và ba lần bị xử lý hình sự. Dù tất cả tiền án đều đã được xóa nhưng vẫn thể hiện là bị cáo có nhân thân xấu. Vì lẽ đó cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian chứ không thể cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên, do Bửu đã nộp phạt là tình tiết giảm nhẹ mới nên tòa xem xét giảm án cho bị cáo xuống còn sáu tháng tù.

Vụ khác, Nguyễn Thanh Hoàng bị xét xử về tội giết người. Theo hồ sơ, ngày 18-8-2011, Hoàng và nhóm bạn đang nhậu thì bị nhóm nhậu bên cạnh trêu ghẹo nên xảy ra cãi vã. Hoàng bị nhóm bên ném đá, dùng ghế đánh. Trong lúc tức giận, Hoàng đã dùng dao đâm khiến một người trong nhóm kia tử vong, một người thương tật 30% vĩnh viễn.

1

Xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã phạt Hoàng án tù chung thân. Hoàng kháng cáo xin giảm án. Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, luật sư của Hoàng cho rằng bị cáo trước đó có một tiền án nhưng đã xóa án tích nên không thể bị quy kết là có nhân thân xấu. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng không chấp nhận quan điểm này, nhận định dù bị cáo đã được xóa án tích nhưng hành vi phạm tội bị kết án trong quá khứ thể hiện bị cáo có nhân thân xấu. Vì lẽ đó, tòa đã y án sơ thẩm.

Đã xóa án là thành người bình thường?

Trong thực tiễn xét xử, việc mặc nhiên nhìn nhận nhân thân của những bị cáo có tiền án là xấu, dù đã được xóa án tích, khá phổ biến trong các tòa án địa phương. Hệ quả là khi quyết định hình phạt, tòa không cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng như cho hưởng án treo, giảm án…

Đây là chuyện đang gây tranh cãi bởi theo Bộ luật Hình sự, người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Một người sau khi đã được xóa án tích mà phạm tội mới thì các cơ quan tố tụng không được căn cứ vào bản án trước đó để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Theo luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), một người kể từ thời điểm được xóa án tích đã trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp, không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã từng bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Sau khi đã được xóa án tích, mọi giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu. Do vậy, việc cho rằng họ đã từng “có vết” để quy kết nhân thân xấu là hoàn toàn không ổn.

Đồng tình, hai luật sư Trần Ngọc Quý và Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Việc xóa án tích thể hiện người phạm tội đã phải trải qua một thời gian thụ án và thử thách. Trong suốt thời gian thử thách, họ không phạm tội mới và trở về hoàn lương với xã hội thì có nghĩa họ đã trở lại là người bình thường. Người bình thường không có nghĩa là nhân thân tốt nhưng cũng không thể bị quy kết là nhân thân xấu.

Không thể đánh đồng?

Ngược lại, kiểm sát viên Lê Thành Long (VKSND TP Đà Nẵng) nói không thể đánh đồng giữa xóa án tích với người bình thường, giữa người từng phạm tội với người chưa từng phạm tội.

Theo kiểm sát viên Long, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm mới là tình tiết tăng nặng, còn nhân thân xấu chỉ là yếu tố đánh giá bị cáo, để tòa ra một bản án công minh, hạn chế việc phạm tội sau khi hoàn lương. Việc đánh giá nhân thân của một người là tốt hay xấu phải xem xét toàn diện trong cả một quá trình dài. Một người từng phạm tội, nay lại tiếp tục phạm tội thì dù lần phạm tội trước đã được xóa án cũng vẫn thể hiện nhân thân xấu của họ. Nếu xem họ như những người lần đầu phạm tội thì sẽ không đảm bảo tính công bằng, khách quan.

“Vì vậy, việc tòa án đánh giá các trường hợp này có nhân thân xấu là hoàn toàn hợp lý” - ông Long khẳng định.
 

Không đồng nghĩa với nhân thân tốt

Nhiều người cho rằng việc mặc nhiên xác định những người được xóa án tích là có nhân thân xấu là chưa ổn. Bởi lẽ chế định xóa án tích thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, nhằm khuyến khích những người bị kết án phạt tù chấp hành nghiêm chỉnh bản án và cải tạo tốt để hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên theo tôi, tính nhân đạo của chế định này đã thể hiện ở chính việc tòa không được xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tăng nặng định khung hình phạt) đối với các trường hợp này. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án chứ không nói là coi như người có nhân thân tốt. Một người có thể có nhân thân tốt, nhân thân xấu hoặc bình thường không tốt không xấu. Sẽ không hợp lý khi đánh giá một người từng phạm tội, thậm chí từng nhiều lần vào tù ra tội là có nhân thân tốt.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: