|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
(Ảnh: K.V)
|
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VII đến nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động tư pháp, nhưng phải đến nhiệm kỳ Đại hội IX, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải cách tư pháp.
Đó là, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tính từ Nghị quyết 49-NQ/TW đến nay đã có 7 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Trong thời gian đó, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm được nhiều việc. Qua nhiều buổi tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần cải cách tư pháp, mở rộng thẩm quyền xét xử, giải quyết án hành chính cho Tòa án nhân dân, tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, đã nâng cao vị trí và vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, cho phép luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn khởi tố bị can…
Qua đó, người dân được tạo điều kiện tiếp cận công lý tốt hơn, chất lượng hoạt động tố tụng từng bước được nâng cao, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc nhận thức về một số nội dung chưa thống nhất, ý kiến còn khác nhau nhưng chậm được nghiên cứu làm rõ để báo cáo Bộ Chính trị. Hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới theo hướng tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính…
Viện kiểm sát nhân dân cũng được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án. Nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp được Đảng xác định tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhiệm vụ này đã được Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án và báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến vào năm 2010.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo đã xây dựng đề án tổng thể, trình Bộ Chính trị tại phiên họp vào ngày 15/7/2010. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010. Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức gồm 4 cấp, trong đó cấp Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thành 4 cấp phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân. Cụ thể, Viện kiểm sát nhân dân khu vực có số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.
Về lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp cũng đã được Bộ Chính trị xác định, thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh, gồm các tổ chức Đảng của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Thành lập Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, gồm các tổ chức Đảng của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các Viện kiểm sát nhân dân khu vực.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: K.V)
|
Tòa án nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện chủ trương nêu trên, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xây dựng đề án về việc chuẩn bị thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, khảo sát của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cũng như qua báo cáo của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã triển khai xong việc xây dựng phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại địa phương. Trong đó, có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét, phê duyệt thông qua phương án; còn 5 địa phương đã xây dựng xong phương án, đang chờ báo cáo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp địa phương xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy phê duyệt.
Theo phương án của các địa phương, dự kiến sẽ tổ chức 427 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực trên 695 đơn vị hành chính cấp huyện, so với hệ thống tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát hiện nay giảm 268 đơn vị, chiếm tỷ lệ 38,5%. Tuy nhiên, nhận thức về chủ trương, mục đích, yêu cầu và các tiêu chí của việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại một số địa phương vẫn còn chưa có sự thống nhất cao, ý kiến còn khác nhau, lúng túng trong việc chuẩn bị triển khai thực hiện.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã giao cho Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; tính ưu việt và hạn chế; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng khắc phục khi thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo Thông báo số 99-TB/TW, ngày 02/7/2012.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã xây dựng kế hoạch để triển khai việc nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị. Tại Hội nghị này, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã thảo luận, đề xuất ý kiến về việc “Tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực” và đóng góp nhiều ý kiến cho bản dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị.
Trọng tâm thảo luận là xác định rõ tính ưu việt và hạn chế, những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những đề xuất kiến nghị về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực; lộ trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả Hội nghị tại phía Nam và Hội nghị khu vực phía Bắc, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị./.