Năm 2016, nhân dịp 70 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, công chức và nhân dân tham gia, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự nô nức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Đối với tỉnh Hưng Yên, được tái lập vào năm 1997, năm nay, Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên tròn 20 tuổi; khi thành lập, với sức trẻ của mình, các cơ quanThi hành án trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến vượt bậc và có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Bài viết này xin được ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành để chúng ta thêm tự hào về những kết quả đã đạt được, đồng thời xác định quyết tâm phấn đấu để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
Năm 1997 tỉnh Hưng Yên được tại lập, trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, công tác thi hành án dân sự cũng gặp nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn thiếu thốn, đội ngũ công chức còn thiếu và yếu về chuyên môn… Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, Hưng Yên có Phòng Thi hành án và 6 Đội Thi hành án; đội ngũ cán bộ khi đó có 43 người, trong đó, ở tỉnh, Phòng Thi hành án có 08 người và cấp huyện tại 6 Đội Thi hành án có 35 người. Cán bộ làm công tác thi hành án phải kiêm nhiệm nhiều mảng việc, lực lượng Chấp hành viên rất mỏng (sau đó theo các Nghị định của Chính phủ tháng 5/1997 tách huyện Phù Tiên thành 02 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ; đến năm 1999 huyện Mỹ Văn và huyện Châu Giang tách thành 5 huyện là Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, vì vậy, đến năm 1999 ở cấp huyện có 10 Đội Thi hành án tương ứng với 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh). Thời gian này, các Đội Thi hành án đều đặt trụ sở nhờ Ủy ban nhân dân huyện, thị xã hoặc các cơ quan khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiến trình cải cách nền tư pháp và được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp Ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự đoàn kết, phấn đấu, cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp, vì vậy, trên mỗi lĩnh vực đều có sự phát triển như sau:
Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ: Nếu như năm 1997 toàn tỉnh có 43 người, đến năm 2005 toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên có 77 cán bộ công chức, trong đó có 26 Chấp hành viên, thì đến nay số lượng công chức và người lao động toàn ngành đã là 154 người (công chức là 118 và 36 người lao động được ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ). Toàn tỉnh có 50 Chấp hành viên, trong đó có 10 Chấp hành viên trung cấp, 09 Thẩm tra viên, 14 Thư ký thi hành án còn lại là các chức danh khác. (Hiện nay, theo kết quả thi nâng ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên trung cấp năm 2015, Cục đang đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thêm 06 Chấp hành viên trung cấp và 03 Thẩm tra viên chính
Cơ cấu tổ chức, bộ máy lãnh đạo các cơ quan Thi hành án đã cơ bản được kiện toàn, hoạt động quản lý đã đi vào nề nếp: Trước đây, hơn 10 năm đầu kể từ khi tái lập tỉnh, tại tỉnh thường xuyên chỉ có 01 thủ trưởng, 01 phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án; đến nay, Cục có Cục trưởng và 02 Phó cục trưởng; Cục đã thành lập 4 Phòng chuyên môn, các Phòng đều đã kiện toàn Trưởng phòng và 02 Phó Trưởng phòng. Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố: 10/10 Chi cục đã kiện toàn chức danh Chi cục trưởng và 02 Phó Chi cục trưởng.
Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn nhiều khó khăn, chưa được đào tạo bài bản, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên, về cơ bản đều có bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ vững vàng, sẵn sàng đáp ứng và hoàn thành nhiều nhiệm vụ, trọng trách nặng nề hơn. Về trình độ hiện nay, toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên có 10 Thạc sỹ Luật, 95 cử nhân, 16 công chức có trình độ Cao cấp lý luận chính trị.
- Về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc: Nếu như trước đây các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đều phải đặt trụ sở nhờ Ủy ban nhân dân huyện, thị xã hoặc các cơ quan khác thì đến nay Cục và 10 Chi cục đều được xây dựng trụ sở riêng, khá khang trang; trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác đã được trang cấp khá đầy đủ, góp phần giảm bớt khó khăn và nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.
Về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:
Tổ chức thi hành án dân sự được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự. Trong những năm đầu tái lập tỉnh, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, do đó chất lượng công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế. Từ khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực thi hành, công tác thi hành án dân sự đã có chuyển biến tốt lên. Tổng kết công tác này trong 5 năm (2005-2010) cho thấy công tác thi hành án dân sự đã có nhiều khởi sắc, trong giai đoạn này toàn tỉnh phải thi hành 16.387 việc bằng 235 tỷ đồng, trong 5 năm đã thi hành được 13.601 việc = 125 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm phải thi hành gần 3.300 việc bằng 47 tỷ đồng; kết quả trung bình mỗi năm thi hành xong 2.700 việc bằng 25 tỷ đồng.
Ngày 14/11/2008 Quốc hội Khoá XII thông qua Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009. Sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của công tác thi hành án dân sự, hệ thống tổ chức ngành Thi hành án dân sự có bước thay đổi quan trọng, vị trí của cơ quan Thi hành án được xác định theo mô hình quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố và Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện. Luật Thi hành án dân sự quy định tương đối toàn diện về các vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự và chấp hành viên; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự. Theo đó, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên được thành lập với Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 10 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố. Cơ cấu tổ chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm Phòng Tổ chức - cán bộ, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án án, Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và Văn phòng.
Với vị thế mới, các cơ quan THADS tỉnh Hưng Yên đã tổ chức thi hành án đạt kết quả khá tốt, đặc biệt, sau khi tổ chức bộ máy được kiện toàn từ năm 2010 đến nay, kết quả tổ chức thi hành án hàng năm của ngành THADS tỉnh Hưng Yên năm sau đều cao hơn năm trước, luôn xuất sắc vượt cao so với chỉ tiêu được giao về cả việc và giá trị thi hành án, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng từ nhiều năm trước. Nếu như việc thi hành án năm 2010 chuyển sang năm 2011 là 2.786 thì năm 2015 số việc thi hành án còn chuyển năm 2016 là 1.764. Như vậy, sau 5 năm số việc thi hành án đã giảm 1.022 việc bằng 36,7%. Về giá trị, nếu như năm 2010 các cơ quan thi hành án trong tỉnh thi hành 124 tỷ đồng thì những năm 2013, 2014, 2015 số tiền giải quyết trung bình hàng năm đều đạt trên 210 tỷ đồng, tức là mỗi năm tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2010.
Các mặt công tác khác cũng đều được Cục và các Chi cục quan tâm toàn diện và đều đạt kết quả tốt đẹp, nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có khiếu nại, tố cáo kéo dài, chế độ, chính sách đối với cán bộ được đảm bảo, đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, đồng lòng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với kết quả trên, những năm qua các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu, hình thức khen thưởng cao: Ngành THADS Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hưng Yên được tặng Huân chương lao động hạng 3; nhiều tập thể được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua xuất sắc, nhiều cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành.
Nhìn lại một chặng đường lịch sử 20 năm của các cơ quan THADS Hưng Yên, cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan THADS càng tự hào về những kết quả đã đạt được; với khí thế mới đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống đã đạt được, đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo đề ra những phương hướng, giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Ngành THADS đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với vị thế mới của Ngành, và để viết tiếp những trang rạng ngời truyền thống thi hành án dân sự ./.
Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên