Sign In

Thi hành án tín dụng, ngân hàng: Tiếp tục nỗ lực

05/03/2018


Khó thi hành

 

Bà Đào Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Khánh Hòa cho biết, các án liên quan đến tín dụng, ngân hàng (NH) thường chiếm giá trị lớn, trong khi việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Quá trình tiến hành thủ tục thế chấp cho vay, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng, NH không xác định kỹ nguồn gốc, hiện trạng, diện tích, giá trị tài sản thế chấp, nên khi thi hành án rất khó xử lý tài sản thế chấp. Có những tài sản thế chấp là đất trồng rừng nhưng không xác định được vị trí, ranh giới đất, hoặc tài sản nhận thế chấp nằm trong quy hoạch. Giá trị cho vay đôi khi lớn hơn nhiều so với giá trị tài sản thế chấp. Ví dụ như vụ Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh được vay hơn 63 tỷ đồng, nhưng khi kê biên, thẩm định giá, tài sản thế chấp chỉ gần 3,9 tỷ đồng.
 

Một số trường hợp, chủ đầu tư dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc chưa được phép phân lô bán nhưng đã thế chấp quyền sử dụng đất để vay NH, nên khi người mua đấu giá nộp đủ tiền vẫn chưa giao được tài sản hoặc không thể sang tên, chuyển quyền sử dụng đất. Điển hình như vụ Công ty Đầu tư và Phát triển Cát Trắng phải trả nợ NH hơn 194 tỷ đồng, đã đấu giá thành 180 tỷ đồng, nhưng công ty này được chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa nộp tiền sử dụng đất nên đến nay, các bên thỏa thuận hủy hợp đồng bán đấu giá, việc thi hành án tiếp tục kéo dài.


Nhiều trường hợp, tài sản đã kê biên, thẩm định giá, thông báo bán đấu giá nhưng không có người đăng ký mua, phải giảm giá nhiều lần. Ví dụ như vụ Công ty TNHH Hoàn Hảo nợ NH hơn 2,4 tỷ đồng, tài sản kê biên, thông báo bán đấu giá 23 lần chưa có người mua; vụ Công ty TNHH Hoàng Hà nợ NH hơn 3,4 tỷ đồng, tài sản kê biên, thông báo bán đấu giá 15 lần chưa có người mua…


Bên cạnh đó, việc xác định giá theo cơ chế thị trường còn nhiều bất cập, chưa cụ thể về tiêu chí, phương pháp, cách thức xác định, khiến việc thẩm định giá giữa các lần chênh lệch khá lớn. Như vụ ở thị xã Ninh Hòa, thẩm định giá lần đầu hơn 12,3 tỷ đồng, thẩm định lần 2 thành 19,1 tỷ đồng… dẫn tới đương sự yêu cầu định giá lại, khiếu nại việc thẩm định giá, thi hành án kéo dài.
 

 


Nỗ lực thực hiện

 

Năm 2017, ngành THADS tỉnh phải thi hành 587 việc liên quan đến tín dụng, NH, tương ứng gần 940 tỷ đồng, trong đó có 459 việc có điều kiện thi hành, tương ứng hơn 514 tỷ đồng. Ngành đã giải quyết xong 115 việc, thu gần 179 tỷ đồng, đạt 25,1% trong số có điều kiện giải quyết, tăng 0,03% so với năm 2016.

Năm nay, ngành tiếp tục tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi hành án liên quan đến tín dụng, NH, phấn đấu nâng tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền cao hơn năm 2017.

Theo ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, để khắc phục khó khăn, ngành THADS đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Ngay từ đầu năm, Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, NH được kiện toàn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, NH nhằm thực hiện tốt Quy chế phối hợp với NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Cục phối hợp với một số NH được thi hành án với giá trị lớn tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp từng vụ việc cụ thể; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành các vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng, NH; thông báo kết luận, đưa ra yêu cầu cần thực hiện và theo dõi tiến độ, kết quả để chỉ đạo tiếp. Lãnh đạo và các chấp hành viên tích cực, chủ động, quyết liệt trong xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành.

Cục cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chấp hành viên và các chi cục, đồng thời phát động phong trào thi đua thi hành án cao điểm. Lãnh đạo cục tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành; tập trung phân loại các vụ việc để đánh giá, khắc phục kịp thời các vướng mắc; kiên quyết cưỡng chế các vụ việc phức tạp, kéo dài, chây ì, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm kỷ luật, vi phạm các quy định về thi hành án đi đôi với khen thưởng, động viên gương điển hình tiên tiến kịp thời. Đây là động lực để các chấp hành viên nỗ lực phát huy năng lực chuyên môn, tích cực tháo gỡ vướng mắc trong từng vụ việc cụ thể, đặc biệt chú trọng phối hợp vận động để người phải thi hành tự nguyện giao tài sản. Vụ Công ty TNHH Tâm Toàn Tiến là một ví dụ. Vụ việc có quyết định kê biên nhà đất trên đường 23-10 để trả nợ NH gần 3 tỷ đồng từ tháng 8-2011, qua 2 lần thẩm định giá và 3 lần giảm giá do không có người đăng ký mua. Sau 6 năm, việc đấu giá mới thành. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau khi người mua đã nộp đủ tiền, người phải thi hành vẫn không tự nguyện giao tài sản. Bên cạnh chuẩn bị  phương án cưỡng chế, chấp hành viên cũng tập trung tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ. Khi biết gia đình không nỡ rời căn nhà là nơi buôn bán nuôi sống cả nhà, chấp hành viên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, thuyết phục. Ngày cuối cùng trước cuộc cưỡng chế, người phải thi hành án đã tự nguyện giao nhà.


Theo Báo Khánh Hòa điện tử

Các tin đã đưa ngày: