Điều kiện xét miễn, giảm THA
Khoản 1 Điều 4 TTLT số 12 giữ nguyên điều kiện thi hành được 1/50 khoản thu nộp ngân sách nhà nước, bỏ điều kiện “nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch” của Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung năm 2013 để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật THADS (không quy định mức tối thiểu). Đối với khoản án phí được miễn theo quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật THADS, nguyên tắc “tích cực thi hành được một phần” cũng được áp dụng tương tự, tức là phải tích cực thi hành được 1/50 khoản án phí theo bản án, quyết định của Tòa án.
Khoản 2 Điều 4 TTLT số 12 quy định cụ thể về điều kiện xét miễn phần án phí, tiền phạt còn lại quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật THADS.
Xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA
Điều 5 TTLT số 12 quy định tập trung các căn cứ để cơ quan THADS thực hiện xác minh điều kiện xét miễn, giảm THA, khắc phục việc quy định tản mạn vấn đề này của Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC. Theo đó, có 03 căn cứ gồm:
(i) Hồ sơ THA thể hiện người phải THA có khả năng được xét miễn, giảm: cơ quan THADS chủ động thực hiện việc xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA. Việc chủ động xét miễn, giảm này sẽ góp phần giải quyết các án tồn đọng không có điều kiện thi hành;
(ii) Cơ quan THADS nhận được đơn đề nghị xét miễn, giảm của người phải THA. Căn cứ này đã được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC nhằm đảm bảo quyền của người phải THA khi xét thấy bản thân đủ điều kiện để xét miễn, giảm, nhất là trong trường hợp họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài hoặc lập công lớn. Hoàn thiện hơn nội dung này, Điều 5 TTLT số 12 quy định cơ quan THADS xét lý do nêu trong đơn và hồ sơ THA để xác định sự cần thiết phải tiến hành xác minh điều kiện để xét miễn, giảm THA. Việc không tiến hành xác minh do không đủ căn cứ hoặc kết quả xác minh cho thấy không đủ điều kiện xét miễn, giảm đều phải thông báo cho người đã có đơn đề nghị. Đồng thời, để cải cách thủ tục hành chính, đơn đề nghị xét miễn, giảm THA có thể được gửi qua bưu điện.
(iii) Cơ quan THADS nhận được yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm THA của Viện kiểm sát. Căn cứ này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC. Quy định này được kế thừa nhằm nâng cao tính đúng đắn, kịp thời của việc xét miễn, giảm THA; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phải THA.
Thẩm quyền của Tòa án, Viện kiểm sát trong việc xét miễn, giảm THA
Nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất khoản 1 Điều 63 Luật THADS, hạn chế tình trạng chi phí chuyển hồ sơ, đi lại để tham gia phiên họp xét miễn, giảm của cơ quan THADS còn tốn kém hơn rất nhiều so với khoản tiền được xét miễn, giảm cho đương sự, Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất việc xét miễn, giảm THA thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực nơi cơ quan THADS đang tổ chức việc THA có trụ sở.
Thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm THA và việc đề nghị xét miễn, giảm đối với phần tiền phạt cũng được quy định phù hợp với quy định về thẩm quyền của Tòa án (thể hiện tại các điều 6, 7 và 8 của TTLT số 12).
TTLT số 12 có hiệu lực từ 01/11/2015 và thay thế Thông tư liên tịch số10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp