1. Câu hỏi: Hiện nay chưa có qui định việc phân định thẩm quyền giữa Chấp hành viên sơ cấp và Chấp hành viên trung cấp công tác tại Cục thi hành án dân sự được ký ban hành các công văn, quyết định về thi hành án như thế nào là đúng thẩm quyền?
Giải đáp:
Theo qui định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS 2014) chỉ qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên nói chung mà không qui định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các ngạch Chấp hành viên khác nhau. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 10/2010/TT-BNV ngày 28/10/2010 của Bộ Nội vụ qui định “
Chấp hành viên sơ cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành án đối với vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền thi hành án của Cục thi hành án dân sự..”
Ở đây cần hiểu qui định về “ vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ” trong Thông tư nói trên chỉ có ý nghĩa tương đối, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương khác nhau. Vì vậy rất khó xác định rõ thế nào là vụ việc đơn giản, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ. Do đó chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thì việc xác định, việc phân công cho các ngạch Chấp hành viên được thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn nào tùy thuộc và sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự. Vấn đề mà Viện kiểm sát quan tâm là khi được phân công, Chấp hành viên có thực hiện các hoạt động thi hành án dân sự, hành chính đúng qui định của pháp luật hay không.
2. Câu hỏi: Tại điểm h khoản 2 Điều 35 Luật THADS 2014 qui định trường hợp Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Cơ quan THADS cấp huyện mà
“ thấy cần thiết lấy lên để thi hành” . Tuy nhiên cho đến nay chưa có hướng dẫn như thế nào là trường hợp “thấy cần thiết lấy lên để thi hành”, có thể dẫn tới tình trạng tùy tiện trong việc thực hiện qui định này.
Giải đáp:
Thẩm quyền thi hành án dân sự được qui định tại Điều 35 Luật THADS 2014, trong đó qui định trường hợp Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Cơ quan THADS cấp huyện mà
“ thấy cần thiết lấy lên để thi hành” . Việc Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh lấy những việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành án của Chi cục lên để thi hành là thẩm quyền của Cơ quan thi hành án cấp trên. Trong thực tiễn, việc “lấy lên” thường xuất phát vì các lý do như: Việc thi hành án ở Chi cục gặp khó khăn, phức tạp do có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, ở nhiều địa bàn cấp huyện khác nhau, cần có sự phối hợp, tháo gỡ từ cấp cao hơn, nên bản chất chỉ là thay đổi Cơ quan và Chấp hành viên tổ chức thi hành việc thi hành án đó.
Đối với trường hợp Cục thi hành án dân sự lấy hồ sơ việc thi hành án lên để thi hành thì Viện kiểm sát cần kiểm sát để bảo đảm việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê đối với các việc thi hành án được rút lên được thực hiện dung qui định.
3. Câu hỏi: Trường hợp đương sự cung cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan thi hành án dân sự thì bản án này có được sử dụng làm cơ sở để ra quyết định thi hành án hay không ?.
Giải đáp:
Về nguyên tắc, những bản án, quyết định được đưa ra thi hành là những bản án, quyết định được qui định tại Điều 2 Luật THADS 2014; trong đó qui định những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chỉ đưa ra thi hành khi đã có hiệu lực pháp luật và trường hợp một số bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Khi ra quyết định thi hành án, Luật THADS 2014 qui định các trường hợp ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu và trường hợp Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án (Điều 36 Luật THADs 2014). Ngoài ra, Điều 27 Luật THADS 2014 qui định: Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “để thi hành”.
Như vậy, khi đương sự cung cấp bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án thì những bản án, quyết định đó phải do Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại cấp cho đương sự và có ghi
“để thi hành” theo qui định tại Điều 27 Luật THADS. Đối với những bản sao bản án không do Tòa án cấp và đóng đấu
“để thi hành” thì không có căn cứ để Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
4. Câu hỏi: Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng đơn yêu cầu được làm trong thời gian chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án thì việc ra quyết định thi hành án thực hiện như thế nào?
Giải đáp:
Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng quyết định của bản án tuyên ấn định thời gian cụ thể phát sinh nghĩa vụ thi hành án (ví dụ: thời hạn 03 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà không tự nguyện thi hành thì đương sự có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án); trường hợp này thì phải hết thời hạn 03 tháng theo quyết định của bản án thì đương sự mới có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Nếu đương sự làm đơn sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ thì Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án theo qui định tại khoản 5, Điều 31 Luật THADS.
Nếu Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án trong thời hạn chưa phát sinh nghĩa vụ thi hành án theo quyết định của bản án thì Viện kiểm sát phải kháng nghị yêu cầu hủy bỏ quyết định thi hành án theo qui định tại điểm e khoản 2, Điều 12 và Điều 160 luật THADS; trường hợp không còn thời hiệu để kháng nghị theo Điều 160 luật THADS thì áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật THADS để kiến nghị khắc phục.
5. Câu hỏi: Bản án hình sự tuyên truy thu tiền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để trả cho người bị hại. Trường hợp này thì Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn yêu cầu?
Giải đáp:
Trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án phải căn cứ vào khoản 2 Điều 36 Luật THADS; theo đó, Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án đối với bản án hoặc phần bản án, quyết định sau: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án (1); tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho nhà nước (2) thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước (3); trả lại tiền, tài sản cho đương sự (4); quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (5) và quyết định của Tòa án giải quyết phá sản (6). Trong các trường hợp nêu trên, các trường hợp (1), (2) và (3) là các khoản nghĩa vụ thi hành án để thu nộp cho ngân sách nhà nước hoặc để tiêu hủy vật chứng, tài sản; trường hợp thứ tư- (trả lại tiền, tài sản cho đương sự)- được hiểu là trường hợp Tòa án trả lại cho đương sự những khoản tiền, tài sản mà trước đây các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ của đương sự.
Trong trường hợp bản án của Tòa án tuyên
truy thu tiền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để trả cho người bị hại thực chất là tuyên các đương sự trả lại cho nhau những khoản tiền và tài sản; do vậy trường hợp này không thuộc các trường hợp Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án qui định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS 2014; do vậy Cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi đương sự có yêu cầu.
6. Câu hỏi: Trong trường hợp Cơ quan THADS đã xác minh điều kiện thi hành án theo qui định tại khoản 1 và 2 Điều 44 Luật THADS và đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Vậy, trong thời gian sau khi đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án thì Cơ quan THADS có trách nhiệm phải tiếp tục xác minh hay chỉ tiến hành xác minh lại khi có thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án ?
Giải đáp:
Trong trường hợp nêu trên, theo qui định tại khoản 1, khoản 2 Điều 44; khoản 1, 2 Điều 44a Luật THADS 2014 và các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015, đối với trường hợp sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và chuyển sang sổ theo dõi riêng. Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Chỉ khi có thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án) thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông tin về điều kiện thi hành án nêu trên, Chấp hành viên tiến hành xác minh lại. Nếu kết quả xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án và tổ chức việc thi hành án trở lại.
7. Câu hỏi: Theo qui định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS 2014, khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án đối với Cơ quan THADS và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Như vậy, kết quả xác minh có bắt buộc phải có chữ ký xác nhận của người phải thi hành án hay không ?
Giải đáp:
Theo qui định tại điểm b khoản 2 Điều 7a; đoạn 2 khoản 1 Điều 44 Luật THADS 2014; khoản 1, Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thì người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với Cơ quan THADS và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Nếu trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật.
Mặt khác, theo qui đinh tại điểm e khoản 4 Điều 44 Luật THADS, khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh, có xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Như vậy, biên bản xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên không bắt buộc phải có chữ ký xác nhận của người phải thi hành án.
8. Câu hỏi: Đối với trường hợp xác minh tài sản là đất đai, Chấp hành viên phải xác minh tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Nếu quá hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu mà Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không trả lời thì xử lý thế nào?
Giải đáp:
Theo qui định tại điểm b khoản 4, điểm b khoản 6 Điều 44 Luật THADS 2014 thì
khi xác minh điều kiện thi hành án đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm, Chấp hành viên có trách nhiệm xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó…Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm…có trách nhiệm cung cấp thông tin…ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên. Trong trường hợp nêu trên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là Cơ quan có liên quan đến việc thi hành án dân sự, là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
Trường hợp Chấp hành viên có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin nhưng đã quá hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên mà Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không có văn bản trả lời; khi phát hiện được vi phạm thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra, Viện kiểm sát có quyền ra văn bản kiến nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (theo qui định tại khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND 2014); hoặc kiến nghị với UBND cùng cấp chỉ đạo cơ quan chức năng (trong trường hợp này là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) phối hợp với Cơ quan THADS và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (theo qui định tại Điều 3 Nghị định 62/2015/NĐ- CP ngày 18/7/2015.
9. Câu hỏi : Trong trường hợp hiện nay, Cơ quan THADS tiến hành xác minh điều kiện thi hành án nhưng chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án thì áp dụng Điều 44a hay Điều 48 Luật THADS để ra quyết định xử lý?
Giải đáp:
Theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS qui định hoãn thi hành án dân sự trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; và tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật THADS cũng có qui định về việc Cơ quan THADS ra quyết định xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án. Để khắc phục qui định “chồng chéo” này, tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ- CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ có qui định: “
Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án phải ghi rõ việc thi hành án bị hoãn theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS”. Như vậy trong trường hợp nêu trên, Cơ quan THADS chỉ ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; trong quyết định nêu rõ căn cứ để ra quyết định là do chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án, đồng thời ghi rõ việc thi hành án này bị hoãn theo qui định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS 2014.
10. Câu hỏi : Trong một số trường hợp, pháp luật thi hành án dân sự không qui định thời gian hoãn thi hành án tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu ngày. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan THADS chỉ được hoãn thi hành án trong một thời gian nhất định hay không?
Giải đáp: Theo qui định tại Điều 48 Luật THADS 2014, Thủ trưởng Cơ quan THADS có thẩm quyền quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp tại khoản 1 điều này và ra quyết định hoãn thi hành án sau khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Điều luật không qui định cụ thể thời gian hoãn đối với các trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 48; do vậy VKS không có quyền yêu cầu Cơ quan THADS trong trường hợp hoãn thi hành án theo các trường hợp tại khoản 1 Điều 48 chỉ được hoãn thi hành án trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên khi có cơ sở xác định căn cứ hoãn thi hành án không còn nữa thì Chấp hành viên có trách nhiệm hoặc theo đề nghị của VKS, phải ra quyết định tiếp tục thi hành án theo qui định khoản 4 Điều 48 Luật THADS 2014.
11. Câu hỏi: Thời hạn hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được tính từ khi nào? Từ ngày ra văn bản yêu cầu hay là từ ngày Cơ quan THADS ra quyết định hoãn?
Giải đáp:
Theo qui định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS 2014, thời hạn hoãn thi hành án dân sự theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Đồng thời, người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị; điều đó có nghĩa là Cơ quan THADS chỉ được hoãn thi hành án một lần theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định. Qui định nêu trên nhằm tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị đã yêu cầu hoãn thi hành án thì phải có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ để xem xét, quyết định việc có hay không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án.
12. Câu hỏi: Trường hợp chỉ có một bên đương sự đến Cơ quan THADS để đề nghị hoãn thi hành án nhưng có cung cấp văn bản của bên đương sự vắng mặt chấp thuận đồng ý hoãn, có xác nhận của chính quyền địa phương thì Cơ quan THADS có được ra quyết định hoãn hay không?
Giải đáp:
- Theo qui định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS 2014, trường hợp đương sự đồng ý hoãn (có mặt của hai bên đương sự) thì Chấp hành viên phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; Chấp hành viên ký xác nhận việc thỏa thuận đó và ra quyết định hoãn theo qui định;
- Nếu trong trường hợp thỏa thuận mà chỉ có một bên có mặt còn bên vắng mặt có giấy xác nhận đồng ý cho hoãn thi hành án được UBND chứng thực (tại văn bản phải ghi rõ thời gian hoãn, phần lãi chậm thi hành án) thì Chấp hành viên ký xác nhận việc thỏa thuận đó và được phép áp dụng để ra quyết định hoãn theo qui định.
13. Câu hỏi: Trường hợp hoãn thi hành án dân sự theo qui định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS nhưng sau khi hết thời hạn qui định cho Tòa án trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hoặc hết thời hạn để Tòa án giải thích bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự hoặc của Cơ quan THADS mà Tòa án chưa có văn bản trả lời thì Cơ quan THADS có ra quyết định tiếp tục thi hành án hay không?
Giải đáp:
Theo qui định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS 2014, Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS theo qui định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 Luật THADS 2014. Trong trường hợp này, pháp luật không qui định cụ thể thời gian hoãn nhưng thời gian hoãn tối đa không quá thời hạn mà cơ quan có trách nhiệm phải giải thích bản án, quyết định (khoản 2 Điều 179 qui định thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu) hoặc thời hạn xem xét và trả lời kiến nghị của Cơ quan THADS về việc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (điểm b khoản 2 Điều 170 qui định thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị); vì vậy nếu hết thời hạn nêu trên mà chưa nhận được trả lời của Tòa án thì Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục ra quyết định thi hành án. Khi phát hiện vi phạm của Tòa án trong việc để quá hạn trả lời kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc quá hạn giải thích bản án, quyết định thì VKS có trách nhiệm tập hợp vi phạm, kiến nghị với Tòa án ngang cấp hoặc cấp dưới hoặc báo cáo lên VKS cấp trên để kiến nghị Tòa án cấp trên thực hiện đúng qui định của pháp luật.
14. Câu hỏi: Trường hợp một bị đơn bị nhiều nguyên đơn khởi kiện, Tòa thụ lý thành nhiều vụ án khác nhau; trong đó có một số nguyên đơn có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và Tòa án đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo việc thi hành án cho các nguyên đơn đó. Trong trường hợp này sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực thi hành thì các nguyên đơn đã có yêu cầu và được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có được áp dụng khoản 3 Điều 47 Luật THADS để ưu tiên thanh toán so với các nguyên đơn khác không có yêu cầu hay không?
Giải đáp:
- Theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều các biện pháp khẩn cấp tạm thời qui định tại Điều 102 Bộ luật TTDS. Theo qui định tại Điều 120 Bộ luật TTDS thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời qui định tại các khoản 6 (kê biên tài sản đang tranh chấp), 7 (cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp), 8 (cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp), 10 (phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ) và 11 (phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ) Điều 102 của Bộ luật TTDS thì phải gửi một khoản tiền, kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Khoản tiền, kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn do Tòa án ấn định. Theo qui định tại các Điều 121 và 122 Bộ luật TTDS, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Trong trường hợp hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại khoản tiền, kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá bảo đảm; trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì khoản tiền này được dùng để bảo đảm bồi thường.
Như vậy, trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì có trường hợp phải nộp một khoản tiền, kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá nhưng cũng có trường hợp không phải nộp các khoản này; việc phải nộp khoản tiền như trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp chỉ có một hoặc một số đương sự trong cùng một bản án hoặc trong nhiều bản án có hiệu lực thi hành có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (và có nộp khoản tiền bảo đảm) thì về nguyên tắc, khi thanh toán tiền thi hành án cho những người được thi hành án, vẫn phải áp dụng khoản 2 Điều 47 và hướng dẫn tại Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ- CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ để thanh toán. Đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (và có nộp một khoản tiền bảo đảm) không có quyền ưu tiên thanh toán hơn so với đương sự không có yêu cầu hoặc có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng không thuộc diện phải nộp tiền bảo đảm, trừ trường hợp qui định tại khoản 2 Điều 47 Luật THADS và Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ- CP. Qui định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS chỉ áp dụng để thanh toán đối với các khoản tiền, tài sản nói chung mà tiền và tài sản đó đã được dùng để bảo đảm hợp pháp (cầm cố, thế chấp…) cho một quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế giữa các đương sự. Nói cách khác, tài sản
15. Câu hỏi: Trường hợp Tòa án ra quyết định giảm nghĩa vụ thi hành án vào thời điểm luật 2008 đang có hiệu lực thi hành nhưng đến thời điểm quyết định xét giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có hiệu lực thi hành. Vậy Cơ quan thi hành án dân sự có ra quyết định đình chỉ hay không và nếu có thì căn cứ Luật THADS năm nào để ra quyết định đình chỉ?
Giải đáp:
Tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Luật số 64/2014/QH13) có qui định: “Đối với các việc thi hành án đã được thi hành xong trước thời điểm luật này có hiệu lực mà sau khi Luật này có hiệu lực ddwowngswj còn khiếu nại thì áp dungjqui định của Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 để giải quyết. Đối với các việc thi hành án đến thời điểm Luật này có hiệu lực mà chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các qui định của Luật này để thi hành án. Các quyết định, hành vi của Cơ quan THADS, Chấp hành viên đã được thực hiện theo qui định của Luật THADS số 26/2008/QH12 có giá trị thi hành”. Do vậy, vì Điều 50 Luật THADS số 64/2014/QH13 đã bỏ trường hợp đình chỉ thi hành án vì có quyết định
giảm nghĩa vụ thi hành án theo qui định tại điểm e khoản 1 Điều 50 Luật THADS số 26/2008/QH12; vì thế:
- Trường hợp quyết định giảm nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực thi hành ở thời điểm Luật số 26/2008/QH 12 đang có hiệu lực thì Cơ quan THADS áp dụng luật này để ra quyết định đình chỉ nghĩa vụ thi hành án, theo qui định tại điểm e khoản 1 Điều 50.
- Trường hợp nếu quyết định giảm nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực thi hành ở thời điêm Luật số 64/2014/QH 13 có hiệu lực thì áp dụng luật này để xử lý việc thi hành án; theo đó, Cơ quan THADS không phải ra quyết định đình chỉ nghĩa vụ thi hành án theo qui định tại Điều 50 của Luật THADS 2014.
Theo Trang thông tin điện tử Viện KSND tối cao