16. Câu hỏi: Vấn đề kê biên, xử lý phần vốn góp của người phải THA trong vốn điều lệ của công ty như thế nào?
Giải đáp:
Theo khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015) thì “
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.
Theo khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2015 thì “
phần vốn góp” là “tổng giá trị tài sản của môt thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty TNHH, công ty hợp danh”.
Tỷ lệ phần vốn góp là “tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty TNHH, công ty hợp danh”
.
Như vậy, trong trường hợp người phải thi hành án là thành viên công ty, Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp qui định tại Điều 92 Luật THADS để xác định phần vốn góp và tiến hành kê biên phần vốn góp của họ; cụ thể như: Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án, trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.
+ Phần vốn góp của người phải thi hành án đã bị kê biên sẽ được xử lý theo qui định của pháp luật thi hành án dân sự; cụ thể như:
- Các đương sự thỏa thuận, xác định giá trị của phần vốn góp và đồng ý để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên thì Chấp hành viên lập biên bản về sự thỏa thuận đó. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì xử lý theo qui định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 100 Luật THADS 2014.
- Chấp hành viên sẽ yêu cầu các thành viên còn lại của Doanh nghiệp mua lại giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án;
- Tiến hành tổ chức bán đấu giá giá trị phần vốn góp đó.
17. Câu hỏi:
- Điều 94 qui định
“Khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo qui định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó”.
- Tại khoản 2, Điều 95 qui định
“khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để THA nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải THA, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà”.
Các qui định như trên có thể được hiểu là: Trong trường hợp nếu việc tách rời nhà ở và đất làm giảm đáng kể giá trị căn nhà thì không được kê biên. Tuy nhiên, Điều 87 Luật THADS 2014 qui định về các tài sản không được kê biên lại không có trường hợp nào như trên. Vậy hiểu qui định trên như thế nào?.
Giải đáp:
Các trường hợp tài sản không được kê biên được qui định tại Điều 87 Luật THADS 2014. Nếu tài sản của người phải thi hành án thuộc một trong các trường hợp qui định tại điều này thì Chấp hành viên không được kê biên để thi hành án. Ngoài qui định tại Điều 87, một số trường hợp tài sản khác cũng không được kê biên, trong đó có các trường hợp qui định tại các Điều 94 và 95 Luật THADS 2014.
Các qui định tại Điều 94 và 95 Luật THADS 2014 được hiểu là:
- Khi kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình thì phải tuân thủ qui định mang tính nguyên tắc ở khoản 1 Điều 95;
- Khi kê biên nhà ở (kể cả trường hợp nhà ở là nơi ở duy nhất và đã thỏa mãn điều kiện theo qui định tại khoản 1 Điều 95 và nhà ở không phải là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình) hoặc kê biên công trình xây dựng trên đất thì về nguyên tắc phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở hoặc công trình xây dựng đó; ngoài trừ các trường hợp sau đây:
+ Quyền sử dụng (loại) đất này không được kê biên theo qui định của pháp luật;
+Nếu việc kê biên tách rời tài sản (nhà ở hoặc công trình xây dựng trên đất) với đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản trên đất đó; kể cả trường hợp đất này thuộc quyền sử dụng của người khác mà người đó không đồng ý kê biên.
- Lưu ý: Trước khi tiến hành kê biên phải hoàn thành và đảm bảo các thủ tục trước khi kê biên như: Xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã…theo qui định tại Điều 88, 89 Luật THADS 2014.
18. Câu hỏi: Trong trường hợp giá trị tài sản (trong đó có nhà ở duy nhất) của người phải thi hành án chỉ đủ để thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án. Nếu cưỡng chế thì đương sự không còn nơi ở, trong khi đó pháp luật thi hành án dân sự chưa quy định có để lại cho đương sự diện tích để ở hay không. Và nếu có thì để lại diện tích là bao nhiêu hoặc trích lại khoản tiền bao nhiêu để đương sự lo chỗ ở mới ?
Giải đáp:
Trường hợp giá trị tài sản của người phải thi hành án (trong đó có nhà ở duy nhất của người phải thi hành án) chỉ đủ để chi trả chi phí và thực hiện nghĩa vụ thi hành án, nếu Cơ quan THADS áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản này (trong đó có kê biên nhà ở) thì phải đáp ứng qui định tại các Điều 94, 95 Luật THADS. Pháp luật về thi hành án dân sự không qui định trong trường hợp này khi kê biên, Chấp hành viên để lại một phần diện tích nhà ở cho người phải thi hành án.
Sau khi tiến hành cưỡng chế hoặc đương sự tự nguyện giao tài sản để thi hành án (trong đó có nhà ở duy nhất của người phải thi hành án), xét thấy số tiền thu được từ tài sản của người phải thi hành án sau khi thanh toán chi phí, các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả tiền cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS 2014 và khoản 6 Điều 24 Nghị định 62/2015.
Chú ý: Mặc dù Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ- CP chỉ qui định trường hợp “đương sự
tự nguyện giao nhà ở là tài sản duy nhất nhưng số tiền thu được
không đủ để thanh toán các nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà ở hoặc tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên thực hiện theo qui định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS”, tuy nhiên theo tinh thần của khoản 5 Điều 115 thì trong các trường hợp cưỡng chế giao nhà ở hay tự nguyện giao nhà ở; số tiền thu được
không đủ hay
vừa đủ để thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án,
nhưng nếu người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hay tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên đều phải trích lại một khoản tiền theo qui định nêu trên.
19. Câu hỏi: Khi tổ chức thi hành án, Cơ quan THADS xác minh, được biết người phải thi hành án có diện tích đất nhưng đất này đã chuyển nhượng cho người khác từ trước khi có bản án của Tòa án. Tuy nhiên đến thời điểm cưỡng chế kê biên thì nhưng người mua mới chỉ làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng đã có công chứng, nhưng chưa làm thủ tục chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để đâng ký quyền sử dụng đất; đồng thời người mua đất đã xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất đó. Khi Cơ quan thi hành án yêu cầu Cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thông tin đất thì đất vẫn đứng tên người phải thi hành án. Nếu cưỡng chế đất thì giải quyết nhà đất đã xây thế nào?
Giải đáp:
- Trường hợp đất chuyển nhượng chưa làm thủ tục theo đúng quy định kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính theo khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013. Thời điểm nhận hồ sơ đăng ký thể hiện ngày tháng năm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đã hợp lệ, thời điểm đăng ký vào sổ địa chính thể hiện ngày tháng năm Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp ghi nội dung đăng ký vào sổ địa chính theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên, môi trường quy định về hồ sơ địa chính (chưa được đăng bộ) thì vẫn tiến hành kê biên theo quy định tại khoản 2, Điều 111 và Điều 113 Luật THADS.
- Đối với nhà ở và tài sản trên đất thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 75 Luật THADS. Việc kê biên nhà ở trên đất vẫn được tiến hành và thực hiện theo qui định tại các Điều 111, 113 Luật THADS.
20. Câu hỏi: Trường hợp trước khi có bản án, quyết định của Tòa án tuyên
giao trả quyền sử dụng đất, người phải THA đã thế chấp QSDĐ cho ngân hàng. Trong trường hợp này phải xử lý như thế nào đề đảm bảo quyền lợi của ngân hàng ?
Giải đáp:
Trước hết, Cơ quan THADS phải căn cứ vào nội dung bản án, quyết định của Tòa án để ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, bản án của Tòa án tuyên người phải thi hành án có nghĩa vụ giao trả quyền sử dụng đất cho người được thi hành án. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất nói trên trước đó (trước khi có bản án của Tòa án) đã được người phải thi hành án dùng để thế chấp cho ngân hàng; do vậy nếu quyền sử dụng đất được giao trả lại cho người được thi hành án thì ngân hàng sẽ trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các quyền lợi của ngân hàng liên quan đến trách nhiệm của người phải thi hành án trước đây được bảo đảm, nay không được bảo đảm nữa. Vấn đề đặt ra là việc thi hành án đối với bản án của Tòa án nêu trên như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho ngân hàng?
Theo qui định tại khoản 2 Điều 322, các Điều từ Điều 715 đến 721 Bộ luật dân sự 2005, quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (trong đó có biện pháp thế chấp). Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có quyền được ưu tiên thanh toán nợ trong trường hợp xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp. Khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Trong việc cụ thể nêu trên, bản án của Tòa án tuyên giao trả quyền sử dụng đất. Do vậy ngân hàng là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại để yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; hoặc yêu cầu bên thế chấp quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ đến hạn; nếu bên thế chấp quyền sử dụng đất không thực hiện thì ngân hàng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết. (?)
21. Câu hỏi: Qui định hiện nay như thế nào? ở văn bản nào về xử lý vật chứng là vàng được bản án của Tòa án tuyên sung công quĩ ?
Giải đáp:
Theo quy định trước đây tại điểm c, khoản 3, Điều 5 Thông tư số 166/2009/TT-BTC ngày 18/8/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu tài sản có quy định Kho bạc Nhà nước thực hiện việc xử lý bán tang vật là vàng được tuyên sung công. Hiện nay, Thông tư 166/2009/TT-BTC đã hết hiệu lực, Bộ Tài chính đã Ban hành Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 hướng dẫn thược hiện một số nội dung của Nghị định số 129/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sử hữu Nhà nước có hiệu lực từ ngày 12/12/2014. Theo quy định tại Thông tư 159/2014/TT-BTC, tang vật có tài sản là vàng do Kho bạc Nhà nước bảo quản theo điểm c, khoản 2, Điều 3 và khoản 2 Điều 10. Việc xử lý bán để nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước được thực hiện do cơ quan tài chính cùng cấp (
Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cơ quan thi hành án cấp quân khu chuyển giao, Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc Ủy Ban nhân dân cấp huyện là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp huyện chuyển giao) theo khoản 2, Điều 5 Nghị định 129/2014/NĐ-CP và Điều 124 Luật THADS.
22. Câu hỏi: Khoản 2, Điều 126 quy định hết thời hạn 15 ngày… Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn… trong khi đó tại Điều 10 Thông tư 22/2011/BTP quy định trong thời hạn 30 ngày đương sự không đến nhận… thì Chấp hành viên gửi tiết kiệm. Như vậy theo Văn bản hướng dẫn của Bộ mâu thuẫn với Luật? Đề nghị áp dụng Điều nào?
Giải đáp:
- Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ quy định thời hạn 15 ngày theo khoản 2, Điều 126 Luật THADS áp dụng cho việc Thi hành án chủ động.
- Thời hạn 30 ngày đối với những khoản tiền đã báo gọi cho đương sự chưa đến nhận thì Chấp hành viên gửi tiết kiệm theo khoản 1, Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP áp dụng cho việc thi hành án theo đơn yêu cầu.
Do vậy, không có mâu thuẫn.
23. Câu hỏi: Trường hợp bản án của Tòa án tuyên buộc trả lại tài sản, nhưng có quy đổi giá trị của tài sản bằng tiền. Khi tổ chức THA, giá trị của tài sản nói trên tăng cao trên 20%. Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án trong trường hợp này thực hiện như thế nào?
Giải đáp:
Trước hết cần căn cứ nội dung phán quyết trong bản án của Tòa án để thi hành án. Nếu bản án tuyên trả lại tài sản cho người được thi hành án và có xác định trị tài sản tại thời điểm tuyên án nhưng việc xác định giá trị tài sản trong bản án không có ý nghĩa xác định giới hạn mức nghĩa vụ thi hành án (ví dụ, bản án tuyên trả lại quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho đương sự và xác định giá trị của khối tài sản này là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên do quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nói trên là do người được thi hành án trước đây cho người phải thi hành án mượn, nay phải trả lại mà không cần quan tâm đến giá trị của tài sản này là bao nhiêu) thì cho dù bản án có xác định trị giá tài sản và đến thời điểm thi hành án, giá trị tài sản có thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% thì cũng không cần định giá tài sản.
Trường hợp bản án tuyên người phải thi hành án phải giao tài sản cho người được thi hành án để thực hiện một nghĩa vụ cụ thể; đồng thời bản án có xác định giá tài sản tại thời điểm tuyên án (Ví dụ bản án tuyên A phải giao tài sản có giá trị 10 tỷ cho B để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trị giá 9,7 tỷ đồng). Đến thời điểm thi hành án, giá tài sản tăng hoặc giảm từ 20% trở lên. Trong trường hợp này, Cơ quan THADS phải áp dụng các Điều 59 và 98 Luật THADS 2014 và Điều 17 Nghị định 62/2015/NĐ- CP của Chính phủ để tổ chức thi hành án; theo đó trong trường hợp có ít nhất 01 bên có đơn yêu cầu định giá tài sản thì Cơ quan THADS (Chấp hành viên) tổ chức định giá tài sản để thi hành án. Sau khi định giá mà người được thi hành án đồng ý nhận tài sản thì họ phải thanh toán lại cho người phải thi hành án mức chênh lệch còn lại của giá tài sản. nếu người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản thì Chấp hành viên tổ chức bán đấu giá tài sản và thanh toán cho người được thi hành án phần quyền lợi của họ và trả lại cho người phải thi hành án phần giá trị còn lại của tài sản.
24. Câu hỏi: Trong trường hợp cơ quan THA đã ra Quyết định THA (theo đơn yêu cầu) và có lập biên bản giải quyết việc THA đối với các bên đương sự, sau đó người phải thi hành đã tự nguyện trả tiền cho người được THA nhưng không qua cơ quan THA, người được THA không rút đơn yêu cầu THA thì người được THA có phải nộp phí THA hay không.
Giải đáp:
Để xác định mức phí, các trường hợp không phải chịu phí thi hành án thì phải căn cứ vào các Điều 46, 47 Nghị định 62/2015/NĐ – CP. Tại khoản 2 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ- CP có qui định: “Trường hợp Cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án và chứng kiến các đương sự thỏa thuận, tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì (người phải thi hành án) phải chịu 1/3 mức phí theo qui định tại khoản 1 Điều này”.
Trong trường hợp nêu trên, người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án và đã lập biên bản giải quyết việc thi hành án giữa các đương sự; nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án (tự nguyên trả tiền cho người được thi hành án) mà không qua cơ quan THADS (không cần Cơ quan THADS chứng kiến) thì không thu phí thi hành án.
25. Câu hỏi: Tiền chi trả cho người được THA nhưng đương sự chưa đến nhận nên Cơ quan THADS gửi tiết kiệm; sau đó đương sự đến nhận tiền thì Cơ quan THADS thu phí THA. Vậy, việc thu phí THA đối với trường hợp này là thu phí THA trên tổng số tiền cả tiền gốc và lãi gửi tiết kiệm hay chỉ thu phí THA trên số tiền gốc ?
Giải đáp:
Theo Điều 60 Luật THADS 2014, người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.
Theo khoản 1 và 4 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ- CP của Chính phủ thì
người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản với các mức phí được tính trên số tiền, giá trị tài sản thực nhận. Cơ quan THADS thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc giao tài sản cho người được thi hành án và cấp biên lai thu phí thi hành án. Do vậy trong việc thi hành án dân sự nói trên, khi người được thi hành án đến nhận khoản tiền thi hành án đã được gửi tiết kiệm thì họ được nhận cả số tiền gốc và tiền lãi phát sinh, vì thế, Cơ quan thi hành án phải thu phí thi hành án theo tỷ lệ trên số tiền mà người được thi hành án thực nhận ở thời điểm này.
Liên quan đến vấn đề thu phí thi hành án, cần chú ý các trường hợp đã thu được đủ mức phí thi hành án trước ngày 01/9/2015 (ngày Nghị định 62/2015/NĐ- CP có hiệu lực thi hành) theo qui định tại Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ- CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS 2008 thì được coi là đương sự đã thi hành xong nghĩa vụ nộp phí thi hành án. Nếu từ ngày 01/9/2015 mà Cơ quan THADS tiếp tục thu được khoản tiền, giá trị tài sản thi hành án của người đó thì không tiếp tục thu phí thi hành án nữa. Đối với các trường hợp đã thu và trả tiền thi hành án cho người được thi hành án nhưng trước ngày 01/9/2015 mà chưa thu đủ mức phí thi hành án (được coi là đương sự chưa thi hành xong nghĩa vụ nộp phí thi hành án) hoặc từ ngày 01/9/2015 mới chi trả tiền thi hành án cho người được thi hành án thì Cơ quan THADS phải áp dụng các Điều 46, 47 của Nghị định 62/2015/NĐ- CP để thu phí thi hành án.
26. Câu hỏi: Khoản 3 Điều 71 quy định về biện pháp cưỡng chế “ Kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản do người thứ ba giữ”. Điều 81 quy định biện pháp “Thu tiền của người phải THA đang do người thứ ba giữ”. Như vậy, trường hợp người thứ ba đang giữ vàng, bạc, kim khí quí…thì có coi là đang giữ tài sản hay không và thủ tục xử lý như thế nào?
Giải đáp:
Theo qui định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2005, tài sản “bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, vàng, bạc, kim khí quí…được coi là tài sản.
Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân là người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng qui định tại Điều 81 Luật THADS để thu tiền theo các bước: Ra quyết định thu tiền. Khi thu tiền thì phải lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.
Khi có căn cứ người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng qui định tại Điều 91 Luật THADS 2014, Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ- CP để thu lại tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; theo nguyên tắc trước hết là yêu cầu người thứ ba đang giữ tài sản nộp lại tài sản để thi hành án; nếu họ không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án; trong đó có biện pháp kê biên tài sản. các chi phí cưỡng chế thi hành án do người bị cưỡng chế chịu.
Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
27. Câu hỏi: Trung tâm, Doanh nghiệp (có cả chức năng thẩm định giá và bán đấu giá) vừa tổ chức thẩm định giá, vừa tổ chức bán đấu giá cùng một tài sản để thi hành án có vi phạm không? Nếu vi phạm thì xử lý thế nào?
Giải đáp:
1. Nếu vừa thẩm định vừa bán đấu giá cùng một tài sản là vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì
“Đối với Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đồng thời có chức năng thẩm định giá, nếu Doanh nghiệp hoặc chi nhánh của Doanh nghiệp hoặc các tổ chức trực thuộc Doanh nghiệp, đơn vị kinh tế mà Doanh nghiệp đó có cổ phần chi phối đã tiến hành thẩm định giá tài sản để bán đấu giá thì Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản không được đồng thời tiến hành bán đấu giá tài sản đó”.
2. Biện pháp xử lý vi phạm trên như sau:
- Áp dụng điểm d, khoản 2 Điều 12 Luật THADS thực hiện việc kiến nghị Cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
- Căn cứ Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để kiến nghị cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
28. Câu hỏi: Khi kiểm sát việc bán đấu giá tài sản THA thông qua hồ sơ việc thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự, phát hiện một số vi phạm trong hoạt động tổ chức bán đấu giá tài sản, trong đó có vi phạm của các tổ chức bán đấu giá. Trong khi đó chưa có một hành lang pháp lý cho việc kiểm sát việc bán đấu giá tài sản để THA. Vậy, VKS có quyền hạn gì để kiếm sát việc bán đấu giá tài sản thi hành án?
Giải đáp:
Theo qui định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND 2014, khi kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính; Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: “Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án; yêu cầu…cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thi hành án cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án; kiến nghị …cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thi hành án”. Các nhiệm vụ, quyền hạn nói trên của VKS được qui định tương tự tại Điều 12 Luật THADS 2014.
Như vậy, các trung tâm, đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án (cho dù là doanh nghiệp) khi thẩm định giá hoặc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án được coi là cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thi hành án dân sự; do vậy các cơ quan, tổ chức này là đối tượng kiểm sát của VKS trong kiểm sát thi hành án dân sự. Về nguyên tắc, VKS có quyền kiểm sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức nói trên có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự và có quyền áp dụng các nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND 2014 và Điều 12 Luật THADS 2014 để kiểm sát.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về quyền hạn “trực tiếp kiểm sát” của VKS đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự. Cụ thể, theo Công văn số 1568/BTP-BTTP ngày 29/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên ký), Bộ Tư pháp cho rằng: “ Đối với hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thì không thuộc đối tượng kiểm sát của VKS. Bởi lẽ việc ký và thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản với Cơ quan THADS thuộc lĩnh vực dân sự, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo hợp đồng, tuân theo pháp luật dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan Như vậy, VKS sẽ không tiến hành kiểm sát độc lập đối với tổ chức bán đấu giá tài sản; không có quyền kháng nghị đối với tổ chức bán đấu giá tài sản trong việc thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án. Đối với vụ việc mà VKS thực hiện kiểm sát thi hành án có liên quan đến việc bán đấu giá tài sản mà phát hiện có vấn đề thì có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá tài sản cung cấp hồ sơ, tài liệu của vụ việc cụ thể đó để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS. Nếu phát hiện sai phạm thì có quyền yêu cầu, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo qui định của pháp luật”. Quan điểm trao đổi nêu trên của Bộ Tư pháp có nhiều điểm không hợp lý, có nhầm lẫn giữa đối tượng kiểm sát của VKS khi kiểm sát thi hành án dân sự với các nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát thi hành án dân sự; không phù hợp với qui định của Luật Tổ chức VKSND 2014. Tuy nhiên do hiện nay VKSNDTC chưa có quan điểm chính thức về vấn đề này nên các VKS địa phương tạm thời thực hiện như quan điểm nêu trên của Bộ tư pháp. Khi cần thiết kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thì VKS có quyền yêu cầu Cơ quan THADS hoặc các tổ chức này cung cấp hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá và bán đấu giá tài sản để kiểm sát. Khi phát hiện vi phạm trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thì có quyền kiến nghị, yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá; yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chuyển hồ sơ việc thi hành án, việc thẩm định hoặc bán đấu giá tài sản cho Cơ quan điều tra VKSNDTC để xem xét theo trình tự TTHS; hoặc kiến nghị áp dụng qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để xử lý, xử phạt người và hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật./.
Theo Trang thông tin điện tử Viện KSND tối cao