Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh điều này trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân Ngày Pháp luật năm 2015.
Sau 2 năm triển khai, có thể thấy rằng những lo ngại về sự thờ ơ của người dân đối với Ngày Pháp luật (ngày 9/11) đã dần được xóa bỏ. Thực tế cho thấy các bộ, ngành, địa phương và nhân dân rất hào hứng đối với Ngày Pháp luật, đặc biệt là việc tham gia hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” được phát động cách đây một năm. Là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cảm xúc của Bộ trưởng đối với Ngày Pháp luật như thế nào?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trong 2 năm qua (2013-2015), theo đánh giá chung của Bộ Tư pháp, Ngày Pháp luật (9/11) đã được các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong toàn hệ thống chính trị tích cực triển khai thực hiện gắn với công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Với trọng tâm xuyên suốt là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp, xây dựng, phổ biến và triển khai thi hành những đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp đã hoặc đang được Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tạm giam, tạm giữ, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Việc làm, Luật Nhà ở, Luật Nghĩa vụ quân sự…, được các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức thực hiện với nhiều mô hình mới, cách làm hay và sáng tạo.
Các thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực như: Bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia; phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… cũng đã được lựa chọn để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng.
Quan trọng hơn, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu cao hơn, thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, cũng như của toàn xã hội. Nhờ vậy, tinh thần của Ngày Pháp luật đã dần đi vào chiều sâu, trở thành những vấn đề, những câu chuyện pháp luật trong đời sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình, của cộng đồng, tạo thành sự quan tâm và cũng là yêu cầu ngày càng cao hơn của nhân dân, của xã hội đối với chất lượng xây dựng pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành từ phía Nhà nước.
Đặc biệt, một trong những hoạt động được coi là điểm nhấn chính là Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” đã được đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng.
Có thể nói đây là một trong những cuộc thi tìm hiểu pháp luật có quy mô lớn nhất (đã có gần 5 triệu bài dự thi), thu hút đông đảo nhất các thành phần tham gia (thí sinh trẻ tuổi nhất là 8 tuổi và cao tuổi nhất là 100 tuổi), đạt chất lượng tốt (có trên 70% bài dự thi trả lời đúng) và có sức lan toả lớn, trở thành một phong trào sôi nổi, động viên, khích lệ đồng chí, đồng bào tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp. Nhờ vậy, cuộc thi đã góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp, khẳng định tầm quan trọng và đánh giá cao những tinh thần đổi mới, nhân quyền, pháp quyền của Hiến pháp năm 2013 mà hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành đang góp phần rất quan trọng để cụ thể hóa bằng các luật, bộ luật như đã nêu trên đến toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước. Qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần hình thành văn hoá pháp luật trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chính kết quả này đã tạo tiền đề cho Bộ Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tự tin, tiếp tục hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đồng thời phối hợp với HĐND, UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 gắn với việc tổng kết cuộc thi viết vào ngày 9/11.
Với cá nhân tôi và với toàn ngành tư pháp, những kết quả bước đầu như đã nêu trên vừa là sự động viên và là động lực cho những cố gắng nhiều hơn để góp phần làm sao cũng như năm trước, trên khắp mọi miền của đất nước, Ngày Pháp luật năm nay sẽ được xã hội đón nhận và tích cực hưởng ứng như một Ngày hội toàn dân.
Năm 2015 có thể coi là năm hội nhập quốc tế. Xin Bộ trưởng cho biết việc tổ chức Ngày Pháp luật có tác động như thế nào đối với quá trình hội nhập của Việt Nam?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng là trong năm 2015 chúng ta đã có hàng loạt sự kiện quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đầu tiên cần kể đến việc Việt Nam tham gia thành lập Cộng đồng ASEAN; chúng ta cũng đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng…
Như vậy có thể thấy rằng quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua gắn liền với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta. Kết quả tích cực của quá trình này đã được thể hiện qua việc rà soát tổng thể tính tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam khi ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn cũng như việc gia nhập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Trên cơ sở đó, chúng ta cũng đã và đang sửa đổi, bổ sung hàng loạt dự án luật, bộ luật quan trọng như tôi đã đề cập ở trên nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tốt hơn các yêu cầu về quyền con người, quyền công dân cũng như chuyển hóa các điều ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết, tham gia vào các dự án luật, bộ luật này.
Ở khía cạnh thực thi pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật, đồng thời thể hiện thái độ, tinh thần tôn vinh Hiến pháp, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta, cũng như quyết tâm tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức ý thức chấp hành pháp luật, gương mẫu thực thi pháp luật. Một mặt, đây chính là thông điệp của Việt Nam gửi đến bạn bè thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức quốc tế về cam kết của Đảng và Nhà nước ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền, góp phần củng cố và tạo lập hình ảnh của nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Mặt khác, những nội dung, yêu cầu pháp luật liên quan đến quá trình hội nhập, qua Ngày Pháp luật và các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật khác, giúp cho các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, có được những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để chủ động thực hiện đúng đắn các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm đạt được những lợi ích chính đáng trong sân chơi chung của khu vực và thế giới.
Như vậy có thể thấy rằng, việc tổ chức Ngày Pháp luật gắn với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sẽ giúp chúng ta tự tin, chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa đã có nhiều nỗ lực nhưng vấn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đã đề ra những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn công việc này?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định người dân ở vùng sâu, vùng xa cần được tập trung triển khai thực hiện với những nội dung, hình thức phù hợp và giao trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án để tập trung nguồn lực phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng này và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ đó, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào vùng sâu, vùng xa đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt kết quả như yêu cầu và mong muốn. Ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng “đói pháp luật”. Chính vì vậy, với chức năng tham mưu giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này, Bộ Tư pháp xác định một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa gắn với việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa và việc thực hiện chính sách dân tộc, dân vận phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, tăng cường dân trí pháp lý phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hai là, đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, tránh hình thức, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận. Coi trọng tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy các mô hình có hiệu quả trên thực tế. Tăng cường gắn kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật với xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Ba là, tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác quản lý Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để có đủ năng lực; chú trọng lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật những kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng là đồng bào vùng xâu, vùng xa. Tăng cường điều phối các nguồn lực cho phổ biến giáo dục pháp luật đối với các đối tượng này. Các trường trung cấp luật trực thuộc Bộ Tư pháp tại các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã và đang vượt qua những khó khăn ban đầu để đào tạo cán bộ pháp luật và tư pháp cơ sở, trong đó chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc.
Đảng và nhà nước ta luôn nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ và pháp quyền. Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải”. Theo Bộ trưởng, để hiện thực hóa mục tiêu này, trong triển khai Ngày Pháp luật năm 2015 và những năm tiếp theo cần lưu ý những vấn đề gì?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người. Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời Hiến pháp và pháp luật phải kiến tạo được không gian pháp lý thông thoáng, công bằng để mỗi người dân có thể làm tất cả những gì họ có quyền và có thể làm được vì sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội.
Dân chủ và pháp quyền là cặp “song sinh” chỉ khi Hiến pháp và pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân và là trách nhiệm thượng tôn của mỗi cơ quan và công chức Nhà nước.
Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho việc xây dựng chế độ cộng đồng trách nhiệm giữa nhân dân và Nhà nước trong việc thúc đẩy xã hội dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đồng bộ với đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thật sự thiết thực, hiệu quả với các định hướng sau đây.
Thứ nhất, tiếp tục tích cực, tận tâm và nhất quán triển khai tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về dân chủ, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, triển khai thật tốt các luật, bộ luật mới, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự theo yêu cầu của cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Thứ hai, tạo chuyển biến sâu sắc trong ý thức chấp hành pháp luật, trước hết trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động tự học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để áp dụng đúng đắn trong công việc hằng ngày, đồng thời hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
Thứ ba, tập trung cao cho công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phải có chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ tư, phát huy kết quả tích cực của cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp để làm sâu sắc hơn, lan tỏa rộng hơn những hiểu biết, tình cảm, lòng tin đối với Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân, từ đó làm nên sức mạnh của cả xã hội trong xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, vì dân chủ và pháp quyền, vì lẽ phải và công bằng.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Báo điện tử Chính phủ