Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách - Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Vũ Quy, Trợ lý Chủ tịch nước và đại diện một số Bộ, ngành có liên quan.
Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Thứ trưởng: Đinh Trung Tụng, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu; đồng chí Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo một số Cục Thi hành án dân sự (THADS) địa phương.
Tập trung, quyết liệt thực hiện chỉ tiêu THADS xong về việc và tiền
Báo cáo về kết quả công tác THADS 9 tháng đầu năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhận định, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng hệ thống THADS đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn và đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ. Trong 09 tháng đầu năm 2015, Hệ thống THADS đã thụ lý hơn 661 nghìn việc, tăng hơn 11 nghìn việc so với cùng kỳ năm 2014.
Việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong THADS tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tập trung, kịp thời, quyết liệt. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác THADS nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Có thể khẳng định công tác THADS tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần duy trì ổn định trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, công tác THADS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là số việc và tiền chuyển kỳ sau còn tương đối nhiều, nhất là về giá trị; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; việc kiểm soát chính xác kết quả thực hiện một số chỉ tiêu mang tính định tính hoặc tuyệt đối hóa theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 còn gặp khó khăn; nhiều vụ việc, kết quả thi hành phần thu hồi ngân sách Nhà nước rất thấp…
Trên cơ sở đánh giá những kết quả vừa nêu, Bộ Tư pháp kiến nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương quan tâm, chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác THADS, nhất là đối với việc thi hành phần trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự; chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tư pháp trong THADS, thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại… Đồng thời, kiến nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đề nghị Quốc hội cân nhắc, điều chỉnh các chỉ tiêu mang tính định tính hoặc tuyệt đối hóa, giao chỉ tiêu thi hành án xong về việc phù hợp quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS…
Quán triệt, triển khai các quy định của pháp luật, khắc phục và tháo gỡ khó khăn liên quan đến các vụ án tham nhũng lớn
Vui mừng được vinh dự đón Chủ tịch nước đến làm việc lần thứ hai trong vòng hơn nửa năm trở lại đây, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo Tổng cục THADS chuẩn bị báo cáo đầy đủ, khách quan, nêu đúng tình hình để qua đó Chủ tịch nước có chỉ đạo sát sao giúp cho công tác THADS tiếp tục chuyển biến hơn nữa, nhất là thực hiện nghiêm túc quy định của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã báo cáo với Chủ tịch nước những vấn đề quan trọng trong công tác THADS. Đề cập đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về THADS, Bộ trưởng cho biết, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 20/07/2015 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các Quy chế phối hợp trong công tác THADS. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác THADS trong các dự thảo Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), … Bộ trưởng khẳng định, những văn bản nêu trên đã bổ sung thêm nhiều quy định mới khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn liên quan đến các vụ án tham nhũng lớn.
Nêu một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, toàn ngành sẽ thực hiện tốt những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS; rà soát các vụ án lớn theo những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung; phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành liên quan giải quyết vướng mắc hiện hành trong công tác THADS cũng như thực hiện chỉ đạo của Quốc hội về tổng kết chế định Thừa phát lại… Bộ trưởng xin hứa với Chủ tịch nước tiếp tục tăng cường đoàn kết nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với công tác THADS.
THADS “trên đà sung sức, hoàn thiện thể chế”
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương biểu dương những kết quả đạt được trong công tác THADS. Điểm lại những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và những Bộ luật, Luật đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung và những đề xuất xây dựng các Luật mới có liên quan đến THADS, Chủ tịch nước khẳng định, Bộ, ngành Tư pháp đã “dốc sức” trong việc xây dựng thể chế và “đang trên đà sung sức, hoàn thiện thể chế”. Chủ tịch nước khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến THADS là rất quan trọng.
Chủ tịch nước cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn sử dụng quá nhiều tiền mặt, chưa thanh toán qua tài khoản là một trong khó khăn rất lớn trong kiểm soát tài sản của cá nhân, tổ chức. Việc Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật đấu giá và dự kiến đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản và thừa phát lại là hết sức quan trọng. Theo Chủ tịch nước, trên thực tế nhiều trường hợp các cá nhân, tổ chức không phải không có tài sản, mà vấn đề là không kiểm soát được tài sản. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn sẽ gây mất lòng tin của Nhân dân. Chủ tịch nước cũng đề nghị, cần phải nghiên cứu các mô hình quản lý của các nước tiên tiến trong đăng ký tài sản, kê biên, phong tỏa tài sản để kịp thời đề xuất, xây dựng các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong quản lý cũng như thi hành án.
Chủ tịch nước lưu ý để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả, cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương để vừa đẩy mạnh công tác thi hành án, vừa thực hiện tốt công tác giám sát thi hành án dân sự./.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp