Hiện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang có trụ sở nằm trong khu hành chính tập trung của huyện, dọc theo tuyến Quốc lộ 80, thuộc ấp Kinh 9, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, bình quân án thụ lý mới và năm trước chuyển sang khoảng 1.300 việc/năm. Tổ chức thi hành cao điểm là vào thu hoạch vụ mùa lúa đông xuân - hè thu, vì đa số người phải thi hành án là nông dân chờ thu hoạch vụ mùa xong mới có điều kiện thi hành án.
Mặc dù, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã linh hoạt, chủ động xây dựng các biện pháp vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong những năm qua bằng sự đoàn kết nổ lực của từng cán bộ, công chức nên Chi cục THADS huyện Tân Hiệp luôn thi hành án đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra, được Cục THADS tỉnh đánh giá cao. Cụ thể trong năm 2020: Chi cục đã thụ lý 1.489 việc, thi hành xong 767 việc/951 việc có điều kiện thi hành đạt tỷ lệ 80.65%.
(Vượt 0.65% so với chỉ tiêu giao). Về tiền thụ lý là 145.492.716.000 đồng. Thi hành xong 33.008.900.00 đồng/ 69.571.782.000 đồng có điều kiện giải quyết đạt tỷ lệ 47.45%.
(Vượt 9.45% so với chỉ tiêu giao). Qua nhận xét, đánh giá công chức năm 2020 có 02/14 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 12/14 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị được xếp loại A, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thường xuyên, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS huyện chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, Chấp hành viên nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động trong công tác; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể cấp huyện và chính quyền cơ sở, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự trong cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự được nâng lên, số người tự giác thi hành tăng cao, giảm số vụ việc phải cưỡng chế thi hành.
Ngoài ra, đơn vị luôn gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mọi quy định của ngành. Tập thể đoàn kết nội bộ, trong sạch, vững mạnh; Chi uỷ chi bộ lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, thông tin kịp thời, đầy đủ những tài liệu hướng dẫn của trên đến chi bộ. Nâng cao công tác giám sát, kiểm tra Đảng viên để kịp thời uốn nắn, sửa chửa những mặt hạn chế, góp phần xây dựng chi bộ vững mạnh. Luôn thực hiện tốt các mặt công tác của chi bộ.
Chi cục THADS huyện đã thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành đoàn thể cấp huyện, chủ động phối hợp triển khai thực hiện đúng theo Quy chế. Sự phối hợp theo quy chế đã trở thành nề nếp, một số nội dung như cử cán bộ tham gia khi cơ quan thi hành án có yêu cầu đã đi vào chiều sâu, thực hiện có hiệu quả, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các bên theo quy định pháp luật. Thông qua quy chế đã thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung hằng năm của từng cơ quan.
Với những kết quả trên, trong những năm qua, hàng năm Chi cục THADS huyện Tân Hiệp đều được công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và Giấy khen của Cục trưởng; Năm 2019, 2020 được công nhận tập thể Lao động tiên tiến xuất sắc; Năm 2020 được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Với những thành tích nổi bật đã đạt được trong thời quan qua, trong thời gian tới Chi cục THADS huyện Tân Hiệp tiếp tục phấn đấu và bám sát chỉ đạo của ngành Thi hành án và địa phương; Thi hành dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, gắn công tác thi hành án với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quan tâm, chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục pháp luật để người dân tự nguyện thi hành án, hạn chế thấp nhất trường hợp phải cưỡng chế. Góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trên cơ sở kết quả đạt được, để làm tốt công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cần có một số giải pháp cơ bản sau:
Một là. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; nâng cao công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực THADS trên địa bàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Hai là. Kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thi hành án; giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ dự nguồn, cán bộ trẻ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được cấp trên giao.
Ba là. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan, ban ngành trong công tác THADS; đẩy mạnh hoạt động giám sát trong lĩnh vực THADS của các cơ quan như: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Bốn là. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS cho cán bộ, nhân dân, các tổ chức kinh tế trên địa bàn.
Năm là. Trong thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên cần kết hợp linh hoạt giữa biện pháp giáo dục, thuyết phục, tự nguyện thi hành án, thỏa thuận trong thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án khi cần thiết.
Sáu là. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo thi hành án dân sự theo quy định pháp luật; phát huy và đề cao vai trò các thành viên Ban chỉ đạo thi hành án dân sự hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất; làm tốt vai trò tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND cùng cấp quản lý công tác THADS trên địa bàn.
Bảy là. Cần có chế độ khen thưởng kịp thời và kỷ luật nghiêm minh cho cán bộ cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.
Tóm lại, Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án có hiệu quả một mặt thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyền lực nhà nước, mặt khác là công cụ hữu hiệu để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân bị xâm hại. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò pháp chế luôn được đề cao, pháp luật đảm bảo thực hiện. Pháp chế đòi hỏi nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các phán quyết của Tòa án, thông qua hoạt động thi hành án, những bản án, quyết định của Tòa án được thực thi, quyền và lợi ích của công dân và tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được bảo đảm./.
|
Tin, bài: Lâm Ngọc Dững
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang
|