Kết quả đạt được trong thời gian qua:
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang luôn xác định, muốn hoàn thành nhiệm vụ được Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp giao hàng năm, trước tiên là phải quan tâm công tác tổ chức, cán bộ. từ đó thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của Cục, phòng chuyên môn và các Chi cục theo kế hoạch của Bộ Tu pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự. Tiếp tục việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hiện toàn tỉnh Kiên Giang tổng số biên chế được giao 170 biên chế, hiện tại có mặt 167 biên chế (Cục 28 biên chế, Chi cục huyện, thành phố 142 biên chế). Trong đó: Chấp hành viên trung cấp 24; chấp hành viên sơ cấp 51, thẩm tra viên 21; thư ký thi hành án 26; còn lại bao gồm chuyên viên, cán sự, kế toán và công chức khác và hợp đồng lao động theo Nghị định 161 là 59.
Hàng năm, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch điều động luận chuyển chức danh lãnh đạo Chi cục, chấp hành viên, thư ký, chuyên viên, kế toán trong các cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương từ tỉnh xuống huyện và từ Chi cục này sang Chi cục khác từ tháng 10 năm 2020 đến nay đã điều động, thuyên chuyển 10 đồng chí. Các chế độ chính sách đối với cán bộ công chức như: Đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, khen thưởng, bảo hiểm xã hội, ốm đau, thai sản, hưu trí… được nghiêm túc thực hiện, bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức và người lao động các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao từ khâu tuyển dụng ban đầu; công tác đưa đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kể cả về lý luận chính trị, quản lý nhà nước đạt và tập huấn ngắn hạn quy định 73 đồng chí, nhằm tạo nguồn bổ nhiệm lãnh đạo quản lý, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án trong thời gian tới, cử 02 thu ký thi hành án và 17 công chức dự thi vòng 1 nâng ngạch công chức trong toàn hệ thống thi hành án năm 2020; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2021- 2026.
Về cơ cấu tổ chức, theo quy định của pháp luật hiện hành ở tỉnh Kiên Giang thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh gồm có 05 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ & tổ chức thi hành án; Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng Tài chính - Kế toán. Ở cấp huyện 15 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc tương ứng với 15 đơn vị hành chính (03 đơn vị thành phố: Rạch Gía, Hà Tiên, Phú Quốc và có 01 huyện đảo Kiên Hải). Về công tác bổ nhiệm cán bộ 01 phó trưởng phòng Tài chính – Kế toán, 02 đồng chí Phó chi cục trưởng (01 thành phố Phú Quốc và thành phố Rạch Gía); điều động, bổ nhiệm 02 đồng chí Chi cục trưởng (Kiên Hải, Giang Thành), 02 đồng chí Phó chi cục trưởng (Kiên Lương, Vĩnh Thuận) và 02 thu ký thi hành án.
Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức thi hành án dân sự đã được quan tâm và cải thiện đáng kể. Tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức các cơ quan thi hành án dân sự đã được sắp xếp kiện toàn một bước quan trọng. Công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức được chú trọng. Các biện pháp phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng được quan tâm chỉ đạo; kỷ cương, kỷ luật được siết chặt và ngày càng đi vào nề nếp, số cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật có xu hướng giảm. Đội ngũ cán bộ, công chức Hệ thống Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang luôn có ý thức trách nhiệm với công việc được giao, năng nổ, tích cực không ngại khó khăn; bám sát các quy định của pháp luật để giải quyết thi hành án đạt hiệu quả qua 9 tháng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
Bên cạnh những mặt đạt được cũng còn không ít khó khăn là: Việc kiện toàn bộ máy nhân lực của cơ quan thi hành án dân sự còn gặp khó khăn. Đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, thẩm tra viên các cơ quan thi hành án dân sự tuy đã được tăng cường, bổ sung, nhưng chất lượng, hiệu quả công việc còn hạn chế; đội ngũ cán bộ được đào tạo nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; vai trò làm tham mưu, đề xuất còn nhiều hạn chế, trong chờ vào sự chỉ đạo của lãnh đạo; cán bộ làm công tác ở cấp Chi cục còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; công tác luân chuyển cán bộ gặp nhiều khó khăn về điều kiện đi lại, nhà ở….
Để thực hiện đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao hàng năm đòi hỏi chúng ta cần một số giải pháp sau:
Giải pháp chung: Tiếp tục củng cố kiện toàn, tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh; đội ngũ công chức, người lao động làm công tác THADS có đầy đủ phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, cống hiến trong công tác, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hệ thống Thi hành án dân sự trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chiến lược phát triển Ngành Tư pháp hướng đến bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người dân; giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách, góp phần tinh giản biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát công việc và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, góp phần tạo sự minh bạch, công khai, ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong hoạt động thi hành án.
Giải pháp cụ thể: Hệ thống THADS tỉnh Kiên Giang quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ công chức bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý; thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV; đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường, kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm để làm trong sạch bộ máy, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phấn đấu xây dựng các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, toàn diện; đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ công chức trẻ để tạo nguồn bổ nhiệm thế hệ lãnh đạo kế cận bảo đảm sự phát triển bền vững; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành THADS để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay, phân công cán bộ đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng cơ cấu chức danh vào làm công tác văn phòng, thủ quỹ, tránh tình trạng một cán bộ phải đảm đương nhiều mảng, hay sử dụng cán bộ tùy tiện. Trước mắt, cần thực hiện theo hướng nâng cao vai trò của cơ quan Thi hành án; bảo đảm tương xứng với vị trí của các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an.
Cục THADS kiện toàn mạnh mẽ và tổ chức có hiệu quả đối với các tổ chức như: Hội đồng Thi đua, khen thưởng; Hội đồng Sáng kiến khoa học cơ sở. Chỉ đạo các Chi cục kiện toàn lại các tổ chức Đảng, đoàn thể theo vị thế của một ngành độc lập. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cần thiết, đặc biệt là hệ thống kho tang vật cho các cơ quan Thi hành án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo đúng tiêu chuẩn bảo quản tang tài vật; trang bị xe ôtô chuyên dùng cho việc cưỡng chế thi hành án; triển khai công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án, nhằm hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý cho cơ quan thi hành án.
Có các chính sách đãi ngộ, quan tâm về cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho cán bộ, công chức để họ yên tâm công tác và phấn đấu cống hiến cho Ngành; rà soát, quy hoạch cán bộ từ cơ sở, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ vừa có tính kế thừa, phát triển theo yêu cầu, nhiệm vụ; vừa đảm bảo tính chủ động trong việc tạo nguồn trước khi bổ nhiệm, đề bạt. Xây dựng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp để áp dụng thống nhất trong toàn Hệ thống./.
Nguyễn Văn Lâm –
Cục THADS tỉnh Kiên Giang